Thủ khoa bỏ đại học hàng đầu thế giới để nuôi ước mơ làm thầy giáo

GD&TĐ - Thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay là một chàng trai đặc biệt, người từng dũng cảm rời bỏ trường đại học hàng đầu thế giới để nuôi ước mơ làm thầy giáo.

Phạm Việt Dũng
Phạm Việt Dũng

Với tổng điểm 3,94/4, Phạm Việt Dũng là thủ khoa của khoa Sư phạm Vật lý và cũng là Á khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 66 ra trường năm nay.

Sinh năm 1998 tại Thái Bình, năm 2 tuổi đã cùng gia đình lên Hà Nội sinh sống. Năm 2008, Dũng trúng tuyển ngành Điện điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 27,5, trong đó môn Vật lý đạt 10.

Học Bách khoa hai năm, Dũng tìm hiểu chương trình tuyển sinh của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), ngôi trường được xếp hạng hàng đầu thế giới. Vượt qua kỳ thi đầu vào khắc nghiệt và được học bổng hỗ trợ tài chính 80%, năm 2010, Dũng sang Singapore theo học ngành Vật lý và Vật lý ứng dụng.

Thời gian học tại Singapore, Dũng tham gia những hoạt động ở ngoài, được đi nhiều nơi và gặp nhiều người hơn. Và rồi trong đầu bắt đầu xuất hiện một câu hỏi, tại sao đất nước họ lại phát triển hơn quê hương mình? Câu hỏi đó ám ảnh Dũng suốt một thời gian dài, và cuối cùng Dũng nhận ra rằng giáo dục có một tác động rất lớn.

Phạm Việt Dũng và các bạn tại lễ khai giảng khóa 66
Phạm Việt Dũng và các bạn tại lễ khai giảng khóa 66

Đơn cử như học Vật lý, trường học Việt Nam gần như dạy chay, học chay, không có bất kỳ thí nghiệm hay sản phẩm học tập nào, còn ở Singapore thì trái ngược hoàn toàn.

Có câu trả lời, Dũng còn bị dằn vặt hơn nữa vì không biết nên làm gì, liệu có thể giúp gì cho đất nước. Sau nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng đến mất ngủ, Dũng quyết định dừng học tập ở Singapore để về nước học và làm giáo dục.

Quyết định được đưa ra khi chỉ còn một vài tháng là Dũng tốt nghiệp, có một công việc với mức lương khởi điểm 100 triệu đồng. Dũng bảo mọi người có thể nói đó là suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ. Thực tế, nếu tiếp tục học và lấy bằng, Dũng phải làm việc ở Singapore thêm ít nhất hai năm theo chính sách học bổng. Em không muốn mất thêm thời gian.

Về Việt Nam, Dũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình bởi sáu năm chưa có nổi một tấm bằng đại học, chưa có công việc ổn định. Thời gian đầu về Việt Nam, Dũng vào làm công ty công nghệ một thời gian ngắn rồi xin đi thực tập ở trường Phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội.

Dũng và các bạn tại lễ tốt nghiệp
Dũng và các bạn tại lễ tốt nghiệp

Sau đó, Dũng quyết định ôn tập để thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Ôn thi đại học lại sau nhiều năm, Dũng vẫn đạt 24,5 điểm và là thủ khoa ngành Sư phạm Vật lý bằng Tiếng Anh ở tổ hợp xét tuyển A1 (Toán, Lý, Anh).

“Nhưng cái mặc cảm lớn hơn là khi đó, những người bạn bên Singapore đã có gia đình và sự nghiệp, còn mình thì bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Thậm chí đã có lúc mình nghĩ liệu có quyết định sai lầm, rồi chỉ biết tự nhủ phải tiếp tục tiến lên bởi không còn đường lùi”, Dũng chia sẻ.

Thời gian đi học, Dũng đi dạy về STEM và dạy cho những bạn có nhu cầu học Toán, Vật lý bằng tiếng Anh để du học, tham gia một số dự án giáo dục, đào tạo giáo viên. Vì vậy, chi phí ăn ở, học tập Dũng đều tự lo được, thậm chí còn lo cho gia đình.

Kết thúc 4 năm ở Trường Sư phạm, Dũng đạt điểm tổng kết 3.94/4 (tương đương 9,26/10), trở thành thủ khoa Vật lý và Á khoa toàn trường. Dũng bảo những gì học được không thể hiện ở bảng điểm. Đại học Sư phạm Hà Nội cho anh nhiều điều, đặc biệt là có cái nhìn tổng quan hơn về giáo dục Việt Nam.

“Ngày hôm nay, mặc dù muộn, nhưng mình tin rằng đã làm cho gia đình tự hào, không chỉ vì kết quả đã đạt được, mà hơn hết, là vì mình đã dám sống với mơ ước tưởng chừng viển vông, dám hy sinh đánh đổi rất nhiều thứ vì lý tưởng đã tự đặt ra từ khi còn trẻ”, Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ