Thu hút lao động tại chỗ: Hiệu quả, ổn định lâu dài

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại khu vực nông thôn ngày càng tăng.

Chú trọng chính sách đãi ngộ để giữ chân người lao động.
Chú trọng chính sách đãi ngộ để giữ chân người lao động.

Nhờ đó, nhiều lao động không phải đi xa mà vẫn tìm được việc làm ngay tại quê hương, với thu nhập ổn định.

Gắn bó lâu dài

Anh Trương Minh Thành (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) đã có hơn 10 năm làm việc tại Công ty Cổ phần Tài Phương cho biết, trước đây anh từng làm ở một số đơn vị nhưng do xa nhà, tốn chi phí đi lại nên không tiết kiệm được. Từ khi công ty mở tại địa phương, anh xin vào làm việc để cuộc sống ổn định hơn, được ở gần nhà chăm sóc gia đình.

Hiện, anh Thành hài lòng với công việc của mình vì có thu nhập ổn định. Công ty còn hỗ trợ phụ cấp, thực hiện các chế độ khác, vì vậy anh Thành xác định sẽ gắn bó lâu dài.

“Làm việc ở ngay địa phương rất thuận lợi cho gia đình tôi. Công việc đều, thu nhập bình quân tốt, điều này giúp tôi yên tâm, đặt niềm tin vào doanh nghiệp để gắn bó lâu dài”, anh Thành chia sẻ.

Để thu hút được nguồn lao động tại chỗ, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai chiến dịch tuyên truyền, tuyển dụng về đến tận xã, phường; có chính sách đãi ngộ tốt, đặc biệt các vấn đề liên quan tiền lương, phúc lợi, chính sách làm việc linh hoạt.

Trường hợp chị Bảo Lan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) làm việc tại Công ty TNHH Huỳnh Minh trên địa bàn huyện nên thường xuyên phải ở lại công ty. Chị Lan cho biết, dù xa gia đình nhưng được công ty hỗ trợ ở tại khu tập thể công nhân, người lao động gắn bó và coi đây như ngôi nhà thứ hai. So với thuê trọ bên ngoài, môi trường ăn ở, sinh hoạt tại khu tập thể tiện ích hơn nhiều. Công ty miễn giảm các chi phí, giúp công nhân tiết kiệm được một khoản trong sinh hoạt.

“Công nhân có chỗ ở ổn định sẽ nâng cao sức lao động, năng suất làm việc. Chúng tôi yên tâm làm việc ở đây vì thu nhập khá. Việc bố trí chỗ ở hợp lý, cùng với đó chính sách với người lao động cũng được doanh nghiệp quan tâm rất nhiều”, chị Lan cho hay.

Tương tự, chị Đặng Thị Phương cùng dây chuyền sản xuất với chị Bảo Lan tâm sự: “Trước đây, tôi từng làm ở một số công ty với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, nhưng lại không tiết kiệm được nhiều do còn chi phí về nhà trọ và sinh hoạt hàng ngày. Từ khi công ty mở tại địa phương, tôi quyết định về quê xin vào công ty làm việc để cuộc sống ổn định hơn, được ở gần nhà chăm sóc gia đình và các con. Hiện nay, tôi rất hài lòng với công việc của mình. Bình quân thu nhập mỗi tháng trên 5 triệu đồng, được công ty hỗ trợ phụ cấp ăn trưa; các chế độ đối với người lao động được công ty thực hiện đầy đủ, vì vậy tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với công ty”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp “giữ chân” người lao động

Để “giữ chân” người lao động ở lại làm việc tại địa phương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cần định hướng đúng việc lựa chọn nghề nghiệp; đồng thời các công ty, doanh nghiệp cần duy trì chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo môi trường thông thoáng cho người lao động.

Ông Lê Thành Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Adoha cho biết, đầu năm 2024 đơn hàng ít nên mùng 9 Tết công ty mới khai xuân và bắt tay vào công việc. Năm 2023, dù thị trường biến động, kinh tế gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, nhưng công ty vẫn duy trì đủ việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Trước Tết, ngoài tháng lương 13, công ty còn trả trước lương tháng 1 để người lao động yên tâm và sau Tết tiếp tục làm việc. Ngoài ra, các chế độ cơ bản khác cũng được đảm bảo như thai sản, ốm đau, theo luật lao động. Trong năm 2024, công ty sẽ phấn đấu có nhiều đơn hàng hơn để người lao động đủ việc làm và cải thiện cuộc sống.

“Năm nay, chúng tôi sẽ nỗ lực lo đủ đơn hàng để cho người lao động có đủ việc làm. Tiếp đó là chúng tôi cố gắng đảm bảo mọi chế độ, tăng cường các hoạt động giao lưu trong dịp 8/3, tổ chức các giải thể thao, văn nghệ, tạo cho người lao động không khí vui tươi, phấn khởi để sản xuất kinh doanh tốt hơn. Đây là nỗ lực, phấn đấu để chăm lo và “giữ chân” người lao động của công ty trong suốt nhiều năm qua”, ông Lê Thành Vinh cho biết.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký hợp đồng và đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Đơn vị này cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp để không ai phải nghỉ làm mà duy trì đủ ngày công, đảm bảo thu nhập cho người lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với nhiều doanh nghiệp, chủ trương đối đãi thực tâm với người lao động đã giúp doanh nghiệp ổn định nguồn lực lâu dài. Những biện pháp giữ chân người lao động không chỉ tăng thu nhập cho họ, mà quan trọng hơn là cách đối đãi của đơn vị và người sử dụng lao động đã tạo tình cảm, sự yên tâm để họ gắn bó. Cùng với đó là chính sách tăng lương, tiền thưởng khuyến khích người lao động. Có như vậy, người lao động mới gắn bó lâu dài và cống hiến hết sức mình.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2024 của các doanh nghiệp cao hơn nhiều so với các năm trước. Tình trạng người lao động “nhảy việc” giảm đáng kể, đây là tín hiệu tích cực và cho thấy, thị trường lao động đang có xu hướng ấm dần lên. Qua đó, phản ánh chính sách đãi ngộ của nhiều doanh nghiệp được chú trọng, nhằm khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.