Vậy, gần 2.000 con bò còn lại đã được cấp sẽ thế nào, ai chịu trách nhiệm trong câu chuyện này?
Không đảm bảo nguồn gốc
Trong các ngày 9 và 12/1, Báo GD&TĐ đăng tải các bài viết: “Nhập nhèm trong cấp bò dự án giảm nghèo ở Điện Biên?” và “Văn bản lạ của cơ quan quản lý”. Nội dung 2 bài viết trên đề cập đến tồn tại trong việc triển khai dự án cấp bò cho người nghèo từ 2 nguồn vốn: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày 15/1, ông Trần Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên xác nhận, xã đã thống nhất với cộng đồng dân cư trả lại 185 con bò đã cấp. Nguyên nhân trả bò dự án là do đơn vị cung ứng (Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Đại Thành) không chứng minh được hồ sơ về nguồn gốc con giống.
“Lý do thu hồi là bởi hồ sơ nguồn gốc con giống không đảm bảo. Vì vậy xã xin dừng dự án, chuyển nguồn sang năm 2024 sẽ triển khai cho bà con. Sau khi làm việc với đơn vị cung ứng xong, ban chỉ đạo của xã làm việc với các tổ cộng đồng và thống nhất rồi”, Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông.
Theo ông Tới, cuối năm 2023, xã triển khai dự án cấp bò cho người dân theo hai Chương trình Mục tiêu quốc gia nói trên. Toàn xã có 185 hộ thuộc 9 tổ cộng đồng thụ hưởng chương trình; mỗi hộ được cấp 1 con bò cái sinh sản.
Trước đó, ngày 10/1, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thực hiện các dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên khẳng định, huyện sẽ kiên quyết trả bò của dự án nếu không đảm bảo chất lượng và nhà cung ứng không đảm bảo hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Theo UBND huyện Điện Biên, sau 3 năm triển khai thực hiện nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nội dung văn bản còn chung chung, thiếu đồng bộ. Điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương triển khai thực hiện; đặc biệt là việc triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân.
Toàn bộ nguồn vốn sự nghiệp năm 2021, 2022 của huyện Điện Biên không thực hiện được, phải chuyển nguồn sang năm 2023. Việc không triển khai thực hiện được nguồn vốn này ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như đời sống của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Bùi Hải Bình - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên trả lời tại buổi họp báo hôm 10/1. |
Ai chịu trách nhiệm?
Cũng theo UBND huyện Điện Biên, tính đến ngày 10/1, có 85/86 cộng đồng đã lựa chọn đơn vị cung ứng và thực hiện cấp phát con giống cho các hộ dân tham gia dự án. Toàn huyện đã cấp phát được 2.160 con giống gia súc cho người dân.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của báo chí, UBND huyện Điện Biên đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế việc thực hiện dự án tại một số cộng đồng thuộc các xã: Hua Thanh, Mường Pồn, Thanh Yên, Noong Hẹt.
Qua kiểm tra cho thấy có những tồn tại về hồ sơ, chất lượng con giống chưa đảm bảo (trọng lượng, độ tuổi). Một số con có biểu hiện lạ nước, kém ăn, tiêu chảy dẫn đến tình trạng gầy, suy nhược, yếu.
“Các dự án đang trong thời gian bảo hành con giống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư tổ chức kiểm tra việc thực hiện của cộng đồng dân cư để đánh giá cụ thể. Trên cơ sở đó, sẽ yêu cầu đơn vị cung ứng thực hiện đúng, đầy đủ cam kết về bảo hành đối với những con giống không đủ tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định”, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Điện Biên thông tin.
Trước đó, trong các ngày 20/6 và 25/10/2023, Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên lần lượt ban hành các Văn bản 296 và 567 giới thiệu Công ty CP TM Duy Khánh (phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La); Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Đại Thành (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) về các xã để tham khảo, triển khai dự án.
Tuy nhiên, thực tế khi cấp có 5 đơn vị cung ứng gồm: Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Đại Thành, Công ty Cổ phần Nông nghiệp 1 Hà Nội (Gia Lâm, Hà Nội), Công ty Cổ phần thương mại du lịch và chuyển giao công nghệ nông lâm nghiệp Minh Long (huyện Ba Vì, Hà Nội); Công ty TNHH Đặng Anh Sơn La và Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Trang Anh (phường Lào Cai, TP Lào Cai).
Trong số những doanh nghiệp kể trên, theo xác minh ban đầu của Báo GD&TĐ thì chính quyền các xã nơi mà Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Đại Thành (Lào Cai) và Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Trang Anh được cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi” đều thừa nhận trên địa bàn không có trang trại chăn nuôi nào của những đơn vị này.
Theo “hồ sơ năng lực” của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Trang Anh mà UBND xã Mường Pồn cung cấp, tại Giấy chứng nhận số 12/005/2023/ĐKCN do bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai) cấp ngày 26/5/2023 thì Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Trang Anh có trang trại chăn nuôi tại Km15, QL70, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Quy mô trang trại là 300 con, gồm: Trâu, bò, ngựa, dê, lợn.
Tuy nhiên, ngày 15/1, ông Lùng Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm khẳng định trên địa bàn xã hiện không có trang trại chăn nuôi nào của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Trang Anh.
“Xã chúng tôi không có trang trại nào có quy mô 300 con cả. Chỉ có trang trại nhỏ. Cái quy mô nhất thì cũng chỉ đến 32 con thôi, chứ làm gì có trang trại nào có đến hàng trăm con như thế! Nếu có thì chúng tôi phải biết chứ!”, ông Lùng Văn Đoàn thông tin.
Trong buổi họp báo hôm 10/1, trả lời câu hỏi của Báo GD&TĐ: “Huyện Điện Biên sẽ làm gì với 2.160 con bò đã cấp phát cho dân nếu như con giống không có nguồn gốc rõ ràng và nhà cung ứng không đủ điều kiện?”, lãnh đạo UBND huyện Điện Biên khẳng định, sẽ trả lại con giống nếu không đảm bảo về hồ sơ và chất lượng.
Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cũng cho rằng, có 2 vấn đề mà huyện Điện Biên sẽ phải làm rõ, đó là: “Con người và con giống”. Nếu như để xảy ra tình trạng cấp con giống không đảm bảo, huyện sẽ xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong quá trình triển khai. Kết quả của đợt rà soát này sẽ được công bố chậm nhất đến ngày 31/1.
Liên quan đến dự án cấp bò giống sinh sản ở huyện Điện Biên, có nhiều ý kiến cho rằng giá bò được cấp cao hơn nhiều lần so với giá cả thị trường tại cùng thời điểm. Lý giải cho băn khoăn trên, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho rằng, giá thóc giống phải khác với giá thóc thịt. Tiền Nhà nước đã bỏ ra để mua “thóc giống” thì đã rõ, các hộ dân nghèo nhận lại là “thóc” gì rất cần được làm rõ.