Nhà khoa học nữ: Bất ngờ từ những con số bất bình đẳng giới trong NCKH

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Qua tìm hiểu cho thấy bất bình đẳng giới trong khoa học có con số bất ngờ...

Học viên, nghiên cứu viên trong phòng thí nghiệm của Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng
Học viên, nghiên cứu viên trong phòng thí nghiệm của Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng

Từng tham gia các bài viết chia sẻ kinh nghiệm, cảm nhận cá nhân về những khó khăn gặp phải trong sự nghiệp của nhà khoa học nữ, tôi có dịp đọc, tìm hiểu nhiều thông tin về vấn đề này và nhận thấy bất bình đẳng giới trong khoa học có con số bất ngờ.

Vẫn còn bất công

Theo báo cáo của UNESCO năm 2021, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 30% tổng số người làm nghiên cứu. Ở các cấp học, tỷ lệ nữ sinh hoặc giới nữ có bằng cấp cao không thua gì nam giới nhưng số nắm vị trí lãnh đạo trong tổ chức khoa học còn thấp. Cũng theo báo cáo của UNESCO, tỷ lệ thành viên nữ của Viện Hàn lâm Quốc gia là 12%.

Trên thế giới, sử dụng thuật ngữ “leaky pipeline” để nói về tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý còn thấp trên mọi lĩnh vực và giảm ở bậc quản lý cấp cao, lãnh đạo. Tại Việt Nam, tôi không có thống kê tỷ lệ nữ làm lãnh đạo khoa học. Tuy nhiên, qua quan sát có thể thấy, số nữ giới trong các hội đồng khoa học khá thấp, thậm chí không có.

Từ thực trạng trên, tôi đúc rút ra 2 khó khăn và rào cản lớn nhất với nữ giới khi hoạt động khoa học và công nghệ.

Thứ nhất, đó là định kiến giới và rào cản văn hóa. Ở nhiều nơi, đặc biệt châu Á vẫn tồn tại quan điểm vai trò lớn nhất của phụ nữ là “xây tổ ấm”. Họ thường phải gánh vác việc nhà, trách nhiệm với gia đình nhiều hơn nam giới. Một nghiên cứu cho thấy, 35% nhà khoa học nữ không có con; khoảng 43% phụ nữ làm khoa học thay đổi công việc hoặc giảm thời gian làm việc khi sinh con đầu tiên. Nghiên cứu khác về nhà khoa học nữ từ 55 quốc gia cũng chỉ ra, hơn 71% nhà khoa học bị căng thẳng, mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Từng học ở Nhật Bản nhiều năm, tôi chứng kiến nhiều phụ nữ đang thành công trên con đường nghiên cứu nhưng phải nghỉ làm việc vài năm để chăm sóc con cái. Ngoài ra, vẫn tồn tại định kiến với phụ nữ tham vọng hay muốn có vị trí cao trong xã hội và khoa học, thậm chí còn quan điểm nửa đùa nửa thật phụ nữ khó thành công vì ghen ghét nhau.

Những định kiến kiểu “gender bias” (thiên vị giới tính) vẫn xuất hiện hằng ngày, kể cả trong môi trường học thuật và nghiên cứu. Ở nhiều nơi, thông báo tuyển dụng ưu tiên nam với lý do “vị trí đòi hỏi sức khỏe, di chuyển nhiều”. Điều này khiến phụ nữ mất tự tin, phương hướng trong công việc.

Thứ hai, chính sách, đãi ngộ nữ giới thấp hơn đồng nghiệp nam ở nhiều phương diện: Tỷ lệ nguồn kinh phí nghiên cứu (grant), tham gia các hội nghị khoa học, báo cáo hội nghị, hội thảo, công bố khoa học; đặc biệt với tư cách tác giả chính, lương bổng, thu nhập (dù phụ nữ dành nhiều thời gian cho giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, hoạt động hàn lâm không thua nam giới).

Chưa kể, nữ giới nói chung, nhà khoa học nữ nói riêng đối mặt với tình trạng đối xử bất công, thậm chí bị bắt nạt hay quấy rối nơi công sở. Bạn có thể tưởng tượng 50% phụ nữ làm khoa học và 58% phụ nữ giới hàn lâm từng đối diện với quấy rối tình dục. Ngoài ra, phụ nữ cảm thấy bị coi thường, không tôn trọng trong công việc. Ở nhiều nơi, có quy định “ngầm” về việc không bầu nữ giới khi mới tuyển dụng hay vừa nhận học bổng.

PGS. TS Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

PGS. TS Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Thay đổi nhận thức

Thế giới ngày nay đang hướng đến công bằng giới (gender equity) chứ không đơn thuần là bình đẳng (gender equality). Do đó, để xóa bỏ rào cản, khó khăn mà nhà khoa học nữ phải đối mặt, không chỉ là “không phân biệt đối xử” mà phải có chính sách phù hợp để họ phát triển.

Thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi nhận thức, thái độ của xã hội là việc làm quan trọng. Theo đó, cần tuyên truyền và giáo dục rộng rãi về bình đẳng giới, nhằm xóa bỏ định kiến với phụ nữ. Các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt từ phụ nữ thành công, “role model” (hình mẫu)… trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cần tổ chức rộng rãi để tạo động lực, tìm giải pháp cho khó khăn công việc và cuộc sống của nhà khoa học nữ.

Ngoài ra, cần có thêm chính sách xã hội giúp đỡ phụ nữ thời kỳ thai sản và chăm con nhỏ. Hiện, phụ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng nhưng thực tế, họ mất nhiều năm chăm sóc con nhỏ. Tôi tin chắc đa số phụ nữ khi đi làm lại sau khi sinh khó toàn tâm toàn ý.

Họ phải tranh thủ buổi trưa về cho con bú, tìm góc nào đó, thậm chí vào nhà vệ sinh để vắt sữa, hay thường xuyên phải xin nghỉ vì con ốm. Phụ nữ có con nhỏ cần được ưu tiên, chứ không phải nhận điểm trừ lúc tuyển dụng, khi xem xét cấp kinh phí hay nghiệm thu đề tài nghiên cứu.

Bên cạnh nâng cao nhận thức, các chính sách xã hội ưu đãi nữ giới trong hoạt động nghiên cứu khoa học cần xứng đáng. Tôi lấy ví dụ từ mô hình Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với những quy định cụ thể, khuyến khích sự phát triển nhà khoa học nữ.

Chẳng hạn, những đề tài nghiên cứu có số điểm đánh giá ngang nhau, dự án của nhà khoa học nữ sẽ được ưu tiên khi xét duyệt kinh phí nghiên cứu. Việt Nam có thể học tập một số mô hình hay trên thế giới. Nhiều tổ chức khoa học hiện có quy định bắt buộc phải có sự tham gia của nhà khoa học nữ báo cáo trong các hội nghị, hội thảo hay đề tài nghiên cứu.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành Sinh học tại Nhật Bản, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, kiêm giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Các nghiên cứu của bà tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong nông nghiệp nhằm tạo ra các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; và trong y học, với mục tiêu phát triển sản phẩm chẩn đoán, điều trị bệnh và hỗ trợ sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Phương Thảo đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng cho việc giảng dạy và phát triển khoa học công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ