Thu gọn đầu mối quản lý trung tâm GDNN-GDTX

GD&TĐ - Gần 10 năm qua hoạt động của hệ thống các trung tâm GDNN-GDTX đã và đang đem lại hiệu quả nhất định...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thực hiện Thông tư số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV về việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), gần 10 năm qua hoạt động của hệ thống các trung tâm GDNN-GDTX đã và đang đem lại hiệu quả nhất định.

Việc quản lý, chỉ đạo thực hiện cả hai nhiệm vụ GDTX và GDNN thuận lợi hơn, giảm biên chế quản lý, khai thác được tối đa số giáo viên của cả hai đơn vị. Các trung tâm GDNN-GDTX đều duy trì, củng cố và phát triển tốt mô hình học văn hóa kết hợp học nghề nhằm thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Nhiều trung tâm đã tổ chức được các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như giáo dục kỹ năng sống; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học… cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động.

Tuy vậy thực tiễn hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX hiện còn không ít khó khăn, thách thức. So với quy mô, nhu cầu học tập và yêu cầu đổi mới giáo dục, cơ sở vật chất các trung tâm chỉ mới đáp ứng cơ bản việc giảng dạy lý thuyết; các điều kiện khác như thư viện, phòng học bộ môn, thực hành… chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDTX cấp THPT.

Dù cũng làm chức năng đào tạo nghề ngắn hạn, liên kết nghề giống với GDNN, nhưng các trung tâm GDNN-GDTX không được coi là cơ sở GDNN, không được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra rộng khắp, nhất là giáo viên giáo dục nghề chuyên ngành. Nguồn lực hạn chế khiến các trung tâm phân luồng không tốt cũng lo, mà phân luồng tốt càng... lo hơn vì không đủ điều kiện đáp ứng tuyển sinh quy mô lớn.

Đáng chú ý nhất khi tình trạng chồng chéo trong quản lý, mỗi trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện hiện phải chịu đến ba “sếp” chỉ đạo: UBND huyện là đơn vị quản lý trực tiếp, sở GD&ĐT quản lý lĩnh vực GDTX, còn sở LĐ,TB&XH quản lý về GDNN. Không phải lúc nào ba “sếp” cũng có tiếng nói chung.

Thật khó khăn cho các trung tâm trong công tác phối hợp, khi UBND huyện giao người, giao tiền nhưng không giao việc. Ngược lại, sở GD&ĐT, sở LĐ,TB&XH là đơn vị giao việc nhưng không nắm rõ năng lực đội ngũ trung tâm và các vấn đề liên quan tài chính. Tình hình thi đua khen thưởng, kiểm định chất lượng, họp hành sau sáp nhập cũng rối theo lịch và tiêu chí ba “sếp”.

Thi đua khen thưởng của lĩnh vực GDTX tổ chức theo năm học, theo lịch chung các trường phổ thông trong khi thi đua khen thưởng đối với lĩnh vực GDNN lại tính theo năm hành chính của UBND huyện. Tiêu chí kiểm định chất lượng của ngành GD-ĐT và ngành LĐ,TB&XH cũng vênh nhau.

Tình trạng ba “sếp” cùng chỉ đạo các trung tâm GDNN-GDTX tạo ra nhiều bất cập, chồng chéo, đặt ra yêu cầu cần quy về một đơn vị quản lý để vừa phân chia nhân lực, nhiệm vụ, vừa thuận lợi trong thực hiện cấp ngân sách. Nhưng ai sẽ làm “sếp” trực tiếp các trung tâm GDNN-GDTX là vấn đề đang được thảo luận với nhiều đề xuất khác nhau.

Tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 4/11, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để xử lý vấn đề liên quan đến Thông tư 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, đồng thời đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định 127/2018/NĐ-CP về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó xem xét trung tâm GDNN-GDTX trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý.

Được biết, gần đây tại TPHCM, các sở ngành liên quan, UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện đã thống nhất đề xuất kiến nghị giao cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN-GDTX, sở LĐ,TB&XH chỉ đạo hoạt động chuyên môn GDNN.

Đây cũng là hướng đi cần nghiên cứu, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm GDNN-GDTX hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí, tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.