Thử giải mã nguồn gốc Tết Trung thu

Nguồn gốc Trung thu là câu chuyện cổ tích giải thích về hình ảnh cây đa chú Cuội, những vệt lồi lõm trên mặt trăng mà mắt thường nhìn thấy rất rõ trong dịp trăng tròn.

Trung thu là đêm trăng tròn nhất trong năm.
Trung thu là đêm trăng tròn nhất trong năm.

1. Xưa nay, đêm Trung thu luôn được coi là lễ hội Trăng tròn, là dịp mọi người quây quần bên nhau cùng ngắm vầng trăng tròn nhất, sáng rõ và đẹp nhất trong năm. Vậy vì sao dịp Trung thu vầng trăng lại viên mãn nhất?

Các nhà khoa học hiện đại giải thích rằng, thường ngày, trục xoay của mặt trăng không thẳng góc, sức hút của trái đất và các thiên thể xung quanh lại không đồng đều nên ánh sáng mặt trời rọi chiếu vào phần nhìn thấy được của mặt trăng thường chênh chếch.

Chỉ vào thời điểm rằm tháng 8, thường trùng với ngày thu phân, lúc ấy mặt trời dọi tương đối thẳng vào mặt trăng, nên nó nhận được nhiều ánh sáng mặt trời hơn tất cả thời khắc khác trong năm.

Vì vậy, bằng mắt thường từ trái đất chúng ta nhìn thấy vầng trăng đêm Trung thu tròn hơn trăng của những đêm rằm khác. Người xưa đã nhận thấy chu kỳ này khi theo dõi quy luật không thay đổi của mặt trăng theo ngày, tháng Âm lịch.

2. Hầu khắp các nước vùng Đông Á, Nam Á từng tính ngày tháng theo lịch Âm (hoặc Âm dương) đều tổ chức ngày tết Trung thu linh đình, trang trọng, theo quan niệm và nghi lễ truyền thống của mình.

Ngoại trừ người Campuchia tổ chức vào ngày 15/10 Âm lịch, có 11 nước khác ở châu Á chọn ngày rằm tháng 8 làm tết Trung thu. Dù có khác nhau bởi những lễ tiết, nhưng cùng ngắm trăng rằm tròn đẹp nhất vẫn là điểm chung.

Người Hàn Quốc coi ngày Trung thu như một dịp đoàn viên, cùng dâng các loại quà bánh hoa quả mới thu hoạch để tạ ơn tổ tiên. Người Nhật Bản đón trăng thu với những chiếc đèn lồng hình cá biểu tượng của lòng dũng cảm cầu phúc cho trẻ em, nhất là với các bé trai.

Lại có quốc gia coi Trung thu như lễ hội tôn vinh vầng trăng, cầu trăng (Thái Lan, Lào, Myanmar…). Nhiều quốc gia ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc (hoặc có nhiều người Trung Quốc sinh sống) thì màu sắc của lễ hội Trung thu khá gần gũi nhau.

3. Ở Việt Nam, đón Trung thu là một dịp đặc biệt trong các lễ tết truyền thống, mức độ trang trọng dường như chỉ đứng sau dịp Tết Nguyên đán đón năm mới cổ truyền.

Đây là dịp lễ hội quan trọng của người Việt từ hàng ngàn năm trước, sử sách còn ghi. Nguồn gốc Trung thu là câu chuyện cổ tích giải thích về hình ảnh cây đa chú Cuội, những vệt lồi lõm trên mặt trăng mà mắt thường nhìn thấy rất rõ trong dịp trăng tròn.

Ngoài hình ảnh chú Cuội chăn trâu (con vật gắn bó chặt chẽ với cư dân lúa nước) thì hình ảnh cây đa có những chiếc lá cải tử hoàn sinh dường như là sự gửi gắm về khát vọng trường tồn, vĩnh cửu của con người, dòng tộc và dân tộc.

Điều này khác với những câu chuyện ghi chép về nguồn gốc Trung thu của Trung Quốc, như câu chuyện huyền thoại về Hậu Nghệ - Hằng Nga, hay dã sử về ông vua nổi tiếng phong lưu Đường Minh Hoàng…

4. Bên cạnh đó, ngoài niềm vui đoàn viên trong dịp trời thu tháng 8 mát mẻ, người Việt còn gửi gắm những niềm tin và thông điệp khác như cầu cho mùa màng bội thu, con cái thành đạt trong đường công danh sự nghiệp...

Dường như chỉ ở nước ta mới có tục nhìn trăng Trung thu dự báo thời tiết, mùa màng, vì so với những quốc gia khác, các chu kỳ này có sự chính xác rất cao, được đúc kết thành kinh nghiệm truyền thống về nghề nông của nước ta xưa nay.

Theo đó, đêm 14, trăng sáng vàng thì tằm kết nhiều tơ, trăng hôm rằm vàng đục thì vụ lúa chiêm sẽ tươi tốt. Nếu trăng rằm ngả sắc xanh thì là điềm đói rét, cơ hàn trong mùa vụ tới, là câu chuyện đáng bàn của người làm nông nghiệp...

So với kinh nghiệm nhìn trăng lo mùa vụ của người Việt xưa nay, đây chỉ là một nét chấm phá. Trông trăng, các cụ đã đúc kết thành quy luật muôn đời không đổi: “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm...”.

5. Trong các đồ chơi Trung thu của người Việt, ngoài những trò chơi truyền thống như múa lân, thả diều, nặn tò he, làm bánh nướng bánh dẻo, kết đèn ông sao, đèn kéo quân, gõ trống ếch..., đáng chú ý còn có những chiếc đèn lồng hình cá chép đan bằng tre nứa dán giấy màu.

Các quốc gia khác cũng có những đèn lồng hình cá chép, thậm chí là nhiều hơn, phong phú hơn, quan trọng hơn. Nhưng cách lí giải về sự xuất hiện của chúng lại tương đối khác.

Hình tượng con cá chép vượt Vũ Môn nuôi mộng hóa rồng đã được các nhà Nho nhắc đến nhiều trong các sử sách, như biểu tượng về con đường khoa cử tiến thân của các học trò xưa. Cha mẹ không bỏ qua dịp vui vẻ sum vầy này để nhắc nhở việc học đối với con cái.

Chính sử của triều Nguyễn còn ghi, ở miền lưu vực sông Lam, sông Đà còn các dấu tích những ngọn thác lớn được cho là khởi nguyên của truyền thuyết ấy. Sử Trung Quốc cũng ghi nhận các dấu tích ấy chính là “Vũ môn” trong huyền thoại cá chép hóa rồng.

Lý giải này khác với câu chuyện yêu tinh cá chép cùng bầy đảng thường quấy nhiễu dân làng đêm trăng tròn, nên người dân phải làm đèn lồng hình cá chép để thoát thân mà những cư dân các nước khác trong khu vực.

6. Đặc biệt hơn, hình nộm các ông Tiến sĩ bằng giấy bồi phết lên khung nứa được bày bán rất nhiều, chủ yếu được các bậc cha mẹ mua cho con trẻ. Đây vừa là món đồ chơi riêng dịp Trung thu mới bán, nhưng có thể gìn giữ cả năm như một vật quý.

Hình ảnh ông Tiến sĩ giấy dịp Trung thu từng được các nhà thơ lớn như Nguyễn Khuyến, Tú Xương nhắc đến, tự thân nó đã thể hiện mong muốn đỗ đạt, hoạn lộ thênh thang. Ngày nay, món quà này ít được sử dụng, nhưng vẫn còn đâu đó trong các vùng quê Bắc Bộ.

Về nguồn gốc của việc các Tiến sĩ giấy thường xuất hiện vào dịp này, nhiều người cho rằng nó liên quan đến việc xét tuyển các tân khoa ngày xưa, thường được tổ chức vào dịp Trung thu mát mẻ, trăng thanh gió mát.

Không thấy các học giả giải thích vì sao ở nước ta, từ đêm cả gia đình quây quần cùng ngắm trăng, nhà nông xem xét việc mùa màng, tết Trung thu đã trở thành tết của Thiếu nhi?

Phải chăng chính từ truyền thống hiếu học mà người xưa muốn gửi gắm vào các thế hệ học trò đang tuổi cắp sách đến trường ê a học chữ? Cũng như những dấu hỏi khác, câu trả lời cuối cùng vẫn còn chưa đủ thỏa đáng...

Theo Tấm gương/Tiền phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ