(GD&TĐ) - Hiện nay, ở nước ta có 28 cửa khẩu quốc tế đường bộ nằm trên địa bàn của 20 tỉnh xuyên suốt biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Các cửa khẩu là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu kinh tế quốc tế và xuất, nhập khẩu hàng hoá hết sức sôi động và đa dạng nhưng cũng là địa bàn mà tội phạm kinh tế lợi dụng hoạt động, trong đó nổi bật là tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; trốn thuế.
Lực lượng CSĐT TP về KT và Chức vụ CATPHCM trong những lần đột kích điểm nóng hàng lậu tại huyện Hóc Môn. (Ảnh minh họa/internet) |
Tại các cửa khẩu, mặt hàng vi phạm thường rất đa dạng, phong phú về chủng loại. Tùy theo quan hệ cung cầu và các chính sách thuế quan về xuất, nhập khẩu ở từng thời điểm và lợi nhuận thu được mà bọn tội phạm tổ chức đường dây buôn lậu để kiếm lời.
Hàng lậu (cả xuất và nhập) thường chủ yếu tập trung vào các loại như : Vàng, đá quý, ngoại tệ; ô tô, mô tô, hàng phụ tùng ô tô, xe máy, phụ tùng máy móc; hàng điện tử, điện gia dụng, điện lạnh, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động; vải, thuốc lá, rượu ngoại, sữa, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng (quần áo, vải, giày dép..) ; đồ cổ; động vật hoang dã, lâm thổ sản; xăng dầu; khoáng sản, gỗ...
Các điểm nóng là các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh); Tân Thanh (Lạng Sơn); Tà Lùng (Cao Bằng); cửa khẩu quốc tế Lào Cai; cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An); cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình); cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh); cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị); cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang)...
Bọn tội phạm đã triệt để khai thác lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong các văn bản, quy định của pháp luật và các mặt công tác quản lý về đầu tư phát triển kinh tế, về xuất nhập khẩu để hoạt động phạm tội như lợi dụng nhập khẩu hàng hóa chính ngạch để buôn lậu. Ví dụ như được phép nhập máy nông ngư, đối tượng buôn lậu lại nhập ô tô, hàng điện tử, điện lạnh, máy giặt. Các đối tượng khai báo hải quan nhập hàng bách hóa nhưng lại nhập máy lạnh, phụ tùng ô tô vì các khu này hàng nhập khẩu không bị kiểm tra, hải quan chỉ quản lý đầu ra của hàng hóa…, lợi dụng chính sách ưu đãi trong XNK, miễn thuế, sự yếu kém trong quản lý chất lượng hàng hóa để nhập, kinh doanh hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý của lãnh đạo các cấp có thẩm quyền để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, cố ý làm trái. Như việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, cho phép kiểm hóa, làm thủ tục hải quan sâu trong nội địa, tại các Khu kinh tế cửa khẩu, hàng tạm nhập để chuyển tiếp không tái xuất, cho hàng lậu vào để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Lợi dụng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư gia công còn thiếu sót, các đối tượng mở công ty sản xuất gia công (chủ yếu may mặc) tại các khu kinh tế cửa khẩu rồi gian lận về số lượng nguyên liệu tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ, nhập hàng lậu rồi gian lận để được cấp ưu đãi thuế, quota rồi xuất khẩu Lợi dụng những điều kiện tự nhiên về địa lý, hành chính ở các vùng biển có nhiều hòn đảo đan xen là nơi ẩn nấp, phân tán hàng, tuyến biên giới phía Bắc có nhiều đường mòn hiểm trở đồi núi, sông, tuyến biên giới Tây Nam bằng phẳng có nhiều luồng lạch, sông ngòi…
Các đối tượng triệt để lợi dụng các vùng biển có nhiều hòn đảo đan xen, các tuyến biên giới phía Bắc có nhiều đường mòn hiểm trở đồi núi, sông, suối, các tuyến biên giới Tây Nam bằng phẳng có nhiều luồng lạch, sông ngòi...để làm nơi ẩn nấp, tập kết, phân tán hàng hoá. Bọn tội phạm thường xé lẻ hàng hóa, thuê lực lượng cửu vạn, là người thông thuộc địa bàn, thương binh nặng, gia đình chính sách, trẻ em để vận chuyển hàng lậu.
Tại các khu vực đường mòn, tiểu ngạch số đối tượng mang vác hàng thuê cho đầu nậu thường chẻ nhỏ, xé lẻ hàng. Tại các khu vực Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang), Khu thương mại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chúng thường sử dụng tuyến xe buýt để vận chuyển hàng hóa đến khu vực chợ là xuống hàng. Với những thủ đoạn trên không những gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ của các cơ quan chức năng mà còn rất phức tạp trong việc xử lý, giải quyết các đối tượng bị bắt.
Thủ đoạn cất giấu hàng lậu cũng rất tinh vi, thường vận chuyển hàng rời, vận chuyển nhiều chuyến khác nhau, lợi dụng những nơi kín đáo của mọi phương tiện để cất giấu hàng như thành ô tô, đầu tàu hỏa, khoang chứa hành lý, hầm nước ngọt trên tàu biển, bình xăng… để vận chuyển hàng lậu.
Bọn tội phạm còn sử dụng mạng thông tin ngầm khá rộng, chúng nắm bắt chính xác từng thời gian tàu đi, đến, về, địa điểm tập kết phân tán hàng. Hoạt động của chúng không tuân theo một quy luật nào, giữa các chủ hàng đều có hệ thống thông tin liên lạc để điều phối tiếp nhận hàng lậu, nếu phát hiện có lực lượng chống buôn lậu thì ngưng hoạt động hoặc vận chuyển hàng lậu vào nội địa qua địa bàn có lực lượng chống buôn lậu mỏng.
Tội phạm buôn lậu tại các cửa khẩu thường sử dụng thủ đoạn cất giấu hàng rất tinh vi như hàn gắn thêm ngăn, thùng trên xe ô tô buýt, xe tải, trà trộn vào trong hành lý khó kiểm đếm, sử dụng phương tiện của những người là cán bộ công nhân viên trong khu vực cửa khẩu…gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện, đấu tranh của các cơ quan chức năng.
Các đối tượng này cũng dùng hóa đơn, chứng từ quay vòng nhiều lần, dùng các loại giấy tờ giả mạo, giấy tờ phô tô, hợp đồng khống chỉ có sẵn cả con dấu, chữ ký của người nước ngoài để hoạt động phạm tội.
Số đối tượng ở các Khu thương mại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang), Khu thương mại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) thường sử dụng hóa đơn chứng từ quay vòng nhiều lần, giả mạo giấy tờ, hóa đơn, hạ giá sản phẩm…
Tại Khu kinh tế mở quy định các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực được miễn thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng, mỗi cá nhân (có chứng minh nhân dân) được mua một số lượng hàng hóa tại khu vực này trị giá 500.000 đồng, người nước ngoài được mua hàng hóa trị giá 5 triệu đồng, quá số lượng trên sẽ phải đóng thuế.
Do đó, một số doanh nghiệp đã lợi dụng đặt chi nhánh tại các cửa khẩu để được nhập hàng miễn thuế. Các doanh nghiệp này thường nhập các mặt hàng có thuế nhập khẩu cao, khan hiếm ở nội địa như rượu ngoại, sữa, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh… vào các kho. Sau đó thuê số cư dân ở xung quanh (từ 8.000-15.000 đ/lần) sử dụng chứng minh nhân dân của mình hoặc của người khác vào mua hàng rồi mang ra khỏi khu vực kiểm sóat Hải quan.
Số hàng hoá này sẽ được tập kết, thu gom cho một đối tượng đầu nậu rồi sử dụng hệ thống xe buýt vận chuyển về các thành phố lớn để giao lại cho chính doanh nghiệp đã bán ra rồi tiêu thụ ra thị trường nội địa. Các chủ doanh nghiệp thường tổ chức thu gom chứng minh nhân dân (mỗi lần 500-600 chiếc bằng cách thuê của những người khác) và thuê trực tiếp khoảng 20-30 người chuyên làm nhiệm vụ mua hàng (nếu lực lượng hải quan không kiểm tra và đóng dấu “Đã kiểm tra”), xoay vòng mua hàng nhiều lần đưa ra ngoài cho số đối tượng đầu nậu thu gom.
Để lách quy định giới hạn mức mua 500.000 đồng/người/ngày, các chủ doanh nghiệp thường hạ giá hàng hóa xuống dưới 500.000 đồng để có thể mang ra ngoài (thông thường khách hàng thật sự thì chúng không bán vì đây là giá để chúng “tự mua”) những mặt hàng có giá trị lớn như hàng điện tử, máy lạnh… chúng thuê số đối tượng là người nước ngoài mua hàng mang ra.
Khi bị phát hiện, bắt giữ những đối tượng là chủ hàng thường bỏ trốn, người vận chuyển thì khai không biết hàng hoá của ai. Sau đó chủ hàng thường tìm cách lo lót, chạy chọt, móc nối tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ về nguồn gốc hàng hoá. Cá biệt có những trường hợp bọn buôn lậu còn trực tiếp hoặc thuê đầu gấu đe dọa, uy hiếp cán bộ nhân viên chống buôn lậu, thậm chí chống trả quyết liệt bằng mọi vũ khí công cụ sẵn có.
Linh Hằng