Kỳ vọng từ đồng Pi
Pi Network ra đời vào năm 2019 và bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam từ đầu năm 2021. Đồng tiền ảo này thu hút nhiều sự chú ý bởi nó được quảng cáo là có thể “đào” thông qua ứng dụng Pi Network trên những chiếc smartphone. Tuy nhiên, dự án này cũng gây ra nhiều tranh cãi về tính minh bạch và rủi ro pháp lý.
Sáng 12/2, đội ngũ Pi Network đã đưa ra thông báo về quá trình Open Network (mở mạng) đối với đồng tiền ảo này: “Gửi đến cộng đồng đào Pi, quá trình Open Network (mở mạng) của Mainnet (mạng chính thức) sẽ diễn ra vào 15 giờ ngày 20/2/2025 giờ Việt Nam. Với hàng triệu người trong cộng đồng Pi đã xác thực danh tính và hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, quá trình Open Network sẽ cho phép cộng đồng kết nối với các mạng bên ngoài”.
“Nhờ sự nỗ lực và cam kết của cộng đồng Pi trong 6 năm qua, chúng tôi đang thực hiện bước tiến lớn tiếp theo trong việc hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái ngang hàng và trải nghiệm trực tuyến toàn diện”, Pi Network thông báo trên mạng xã hội X và cả ứng dụng Pi Network.
Việc Pi Network thông báo mở mạng được xem là tin vui đối với những người đã khai thác Pi trong suốt 6 năm qua. Trên các cộng đồng về Pi Network, người dùng đều bày tỏ cảm xúc phấn khích đối với thông tin trên.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại bày tỏ lo ngại rằng Pi Network có thể sớm bị “sập” sau khi mở mạng. Nguyên nhân là do việc khai thác và nhận về đồng Pi đều được thực hiện hoàn toàn miễn phí trong nhiều năm.
“Hầu hết người tham gia vào mạng lưới Pi Network đều chờ đợi đến thời gian này để có thể thu lại lợi ích. Tôi tin rằng sẽ có một “cú xả” rất lớn bởi ai cũng đang mong chờ để bán Pi”, chị Phương Chi, một nhà đầu tư tiền điện tử chia sẻ.
Đánh giá về giá trị của Pi Network khi niêm yết, một số nhà phân tích đã chỉ ra các vấn đề cần lưu ý như: Về số lượng người dùng, Pi Network công bố có khoảng 60 triệu người dùng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường lớn. Đây là lợi thế về cộng đồng mạnh mẽ, nhưng cũng là thách thức vì cung lớn có thể dẫn đến áp lực bán ngay khi niêm yết.
Về cơ chế khan hiếm, không giống như Bitcoin với nguồn cung cố định 21 triệu đồng, lượng Pi Network khai thác được vẫn tiếp tục tăng lên hàng ngày. Điều này khiến giá trị của loại tiền điện từ này dễ bị pha loãng nếu không có chiến lược kiểm soát cung.
Về tính ứng dụng thực tiễn, giá trị của Pi Network phụ thuộc lớn vào hệ sinh thái ứng dụng mà đội ngũ phát triển xây dựng. Đến nay, vẫn chưa có nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ thực sự hoạt động trên nền tảng của Pi Network.
Chuyên gia Crypto, Nghiêm Xuân Đức nhìn nhận: “Thanh khoản trên thị trường đang dần cạn kiệt, những khẩu hiệu như “1 Pi bằng 1 Bitcoin” đang tạo ra hiểu lầm nghiêm trọng về giá trị thực của đồng Pi. Việc các sàn giao dịch lớn chuẩn bị niêm yết Pi tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những người khai thác Pi thiếu kinh nghiệm trong giao dịch tiền mã hóa, rất dễ dẫn đến thua lỗ”.
Tồn tại nhiều rủi ro
TS Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain đặt vấn đề dưới nguyên tắc minh bạch - yếu tố cốt lõi để đánh giá bất kỳ dự án tiền mã hóa nào, qua đó có thể thấy Pi Network không công khai mã nguồn, khiến cộng đồng không thể kiểm chứng cách thức vận hành và cơ chế phân phối đồng Pi.
Điều này dấy lên nghi ngờ về việc liệu đội ngũ sáng lập có tự ý phân bổ số lượng lớn đồng Pi cho chính họ hay không. Đây là điểm khác biệt lớn so với các dự án Blockchain có uy tín như Bitcoin, Ethereum (vốn minh bạch ngay từ khâu mã nguồn và lịch sử giao dịch).
Vị chuyên gia cũng khẳng định, giá trị của tiền mã hóa không đến từ tài sản vật chất, mà được bản vị hóa dựa trên niềm tin. Đối với các loại tiền pháp định (fiat) như USD hay VND, giá trị của chúng được bảo chứng bởi chính phủ và dự trữ quốc gia. Ngược lại, tiền mã hóa không có sự bảo chứng này mà hoàn toàn dựa trên niềm tin của cộng đồng và sự minh bạch của hệ thống.
“Có thể thấy, dù đang tạo sóng những ngày qua trước thông tin niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch tiền điện tử, Pi Network vẫn được xem là một dự án tồn tại không ít rủi ro mà người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa cũng đối mặt với rủi ro pháp lý cao, nhất là khi Pi Network chưa có cơ chế giám sát từ các cơ quan chức năng”, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền điện tử nhìn nhận.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM, quy định pháp luật về tiền ảo gần như không có. Loại tiền này không được phát hành bởi bất kỳ quốc gia hay chính phủ nào và cũng không có tổ chức trung gian đứng ra bảo lãnh. Việt Nam không coi tiền ảo là tiền tệ và là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Luật sư Bình cho biết, rủi ro về mặt kỹ thuật khi sàn giao dịch tiền ảo có thể bị “sập” bất cứ lúc nào mà nhà đầu tư không thể nào kiểm soát được. Bên cạnh đó, rủi ro về giá trị đồng tiền ảo có mức biến động mạnh khiến cho giá trị có thể tăng giảm rất lớn.
“Người dân và các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào bất kỳ loại tài sản hay sàn giao dịch nào cũng cần đặc biệt cẩn trọng và xem xét các phương diện pháp lý trước khi quyết định đầu tư. Các vấn đề xoay quanh quy định pháp luật là một vấn đề quan trọng nhưng thường bị người dân và các nhà đầu tư bỏ qua do họ thường chỉ tập trung vào lợi nhuận thu về lớn thay vì những hậu quả có thể xảy ra nếu việc đầu tư không được pháp luật bảo vệ”, luật sư Bình đưa ra lời khuyên.
Năm 2023, Bộ Công an từng phát đi thông báo đã phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Đặc biệt vào tháng 6/2023, Công an Bắc Ninh xác minh hơn 1.500 người, trong đó có không ít người lớn tuổi tham gia buổi offline tiền ảo Pi tại một nhà hàng ở TP Từ Sơn, Bắc Ninh.