Thủ đô ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực cốt lõi

GD&TĐ - Đầu tư xây dựng, cải tạo trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích... là những mục tiêu cần cụ thể hóa để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Quang cảnh Kỳ họp thứ tư HĐND Thành  Hà Nội khóa XVI.
Quang cảnh Kỳ họp thứ tư HĐND Thành Hà Nội khóa XVI.

Tạo nguồn lực đầu tư

Ngày 8/4, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI tổ chức Kỳ họp thứ tư để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - cho biết, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Điển hình, Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thành phố tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, thu ngân sách ước đạt 102.402 tỷ đồng, bằng 32,9% so với dự toán và tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Tại kỳ họp, ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Hà Nội đã trình bày Tờ trình về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022.

Trong đó, đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Đây cũng là thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa, đồng đều.

Đánh giá thực trạng đối với lĩnh vực giáo dục, UBND TP Hà Nội cho biết, hiện đang dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, giáo dục thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 sớm hơn mục tiêu đề ra. Tổng số trường công lập đến hết năm 2021 là 2.237 trường.

Trong đó, số trường đạt chuẩn quốc gia đến ngày 10/2/2022 là 1.766 trường (đạt tỷ lệ 79%). Dự kiến đến hết năm 2025, tổng số trường công lập là 2.400 trường. Hiện nay, tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận và tại một số huyện đang gây sức ép lớn đối với các trường học, không bảo đảm quy mô trường, lớp để bảo đảm đạt chuẩn quốc gia.

Thẩm tra về lĩnh vực này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cũng đồng tình, việc tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích là rất quan trọng.

Qua đó, tạo điều kiện để phát triển giáo dục, y tế, gìn giữ và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất cao với sự cần thiết lập kế hoạch để ưu tiên, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích như đề xuất của UBND thành phố...”, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội - Hồ Vân Nga nhấn mạnh.

Ưu tiên 3 lĩnh vực

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.

Cụ thể, Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.

Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội. Cùng với đó là Nghị quyết về các giải pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc cập nhật, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố với 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, tu bổ tôn tạo di tích. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư là 49.202,8 tỷ đồng thực hiện 1.467 dự án. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đầu tư 41.104 tỷ đồng thực hiện 1.308 dự án.

HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua việc cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và bố trí kế hoạch vốn năm 2022 đối với 8 dự án với số vốn bố trí năm 2022 là 322 tỷ đồng.

Phân bổ Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đối với 3 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, với số vốn bố trí 370 tỷ đồng.

Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho 146 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện thuộc kế hoạch đầu tư xây dựng 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tu bổ tôn tạo di tích đã đủ thủ tục đầu tư, điều kiện bố trí vốn hàng năm với tổng kinh phí là 2.000 tỷ đồng.

Tại kỳ họp, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố Hà Nội 15 giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó, giải pháp quan trọng là phân loại, rà soát các dự án đã có quyết định chủ trương đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

UBND thành phố sẽ kiên quyết thu hồi dự án đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án.

Cùng với đó, UBND thành phố cũng tiếp tục đôn đốc, giám sát đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, cam kết thực hiện để sớm đưa dự án vào sử dụng theo tiến độ và quy định của pháp luật đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng công trình hoặc đã xây dựng một phần dự án nhưng đến nay đang ngừng thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.