Sông Hồng - thương hiệu của Thủ đô!

GD&TĐ - Từ năm 2004 đến nay, có nhiều đề án liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống được đề xuất nhưng đều chưa thành hiện thực.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hai đồ án góp phần cơ bản phủ kín 100% quy hoạch phân khu trên địa bàn vừa được UBND TP Hà Nội công bố là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở và Quy hoạch phân khu sông Đuống đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng.

Theo đại diện UBND thành phố, các đồ án này là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Cụ thể, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là trục không gian đặc trưng hành lang xanh với cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm; hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa...

Với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, đây là khu vực có quỹ đất để khai thác phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, kết hợp cải tạo chỉnh trang, tái thiết làng xóm dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị...

Từ năm 2004 đến nay, có nhiều đề án liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống được đề xuất nhưng đều chưa thành hiện thực. Đặc biệt, khi Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành, có hiệu lực, việc thực hiện quy hoạch càng bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Cụ thể, theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đây là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu về không gian thoát lũ gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê; giữ nguyên vị trí, không nâng cao các tuyến đê hiện có; không xây dựng các đê bối mới; đất phát triển đô thị tại các khu vực được phép nhỏ hơn 15% diện tích bãi sông...

Những quy định này dẫn đến việc phải nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh các đồ án quy hoạch có liên quan đến khu vực ngoài bãi sông Hồng đã và đang được nghiên cứu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê.

Mặt khác, việc không cho phép xây dựng các đê bối mới, giữ nguyên các đê cũ cũng gây khó khăn và hạn chế lớn cho thành phố trong việc nghiên cứu xây dựng các tuyến đường giao thông kết hợp phòng, chống lũ và làm cơ sở cho việc tạo lập các quỹ đất phát triển đô thị, tạo không gian cảnh quan kiến trúc...

Vượt qua những khó khăn đó, đến nay, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống đã được công bố - sẽ hoạch định không gian phát triển đô thị cho dải đất hai bên bờ sông, tạo ra các không gian xanh, vui chơi giải trí vốn dĩ đang rất thiếu. Đặc biệt, như ý kiến của một chuyên gia thì đây là cơ sở, cơ hội để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Cơ hội, tiềm năng khi thực hiện các quy hoạch này là có, thậm chí rất lớn. Vấn đề còn lại là tổ chức triển khai như thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ