Thứ dễ cho mà người nhận không cần

GD&TĐ - Thời nay, quá nhiều người thích nói, thích thể hiện mà quá ít người chịu lắng nghe và thấu hiểu người khác.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Thông thường, trong một cuộc gặp gỡ, bạn vừa cất tiếng nói, chưa kịp trình bày hết ý của mình thì người khác đã vội chen ngang, nói ngay ý của họ, cứ như sợ không nói ngay thì quên mất hoặc có cảm giác thua thiệt.

Dễ thấy, trong các cuộc họp lớp, tụ tập bạn hữu hoặc người thân, ai cũng tranh nhau nói và muốn giành ưu thế về phía mình.

Và trong các cuộc trò chuyện ấy, nếu chẳng may ai đó muốn nêu ra vấn đề của mình, thì lập tức người khác chưa kịp nghe hết câu chuyện đã vội cho lời khuyên. Những lời khuyên ấy được cho thật nhiều, kể cả khi người nhận có vấn đề về sức khỏe chẳng hạn. Họ sẵn sàng cho lời khuyên cứ như mình là bác sĩ vậy.

Đơn giản thôi, vì “tôi cũng đã từng gặp vấn đề như thế, và tôi đã khỏi nhờ dùng thuốc này, nhờ làm cách này". Họ đâu biết rằng triệu chứng có thể gần như nhau, nhưng căn bệnh thực sự hoàn toàn khác, và thêm nữa, cơ địa mỗi người mỗi khác, không thể cứ áp dụng một bài thuốc như nhau được.

Cái dễ cho nhất trên đời mà người nhận không muốn, ấy là LỜI KHUYÊN. Vậy nên, trong giao tiếp với người khác, khi nhận thấy người ta muốn than thở với bạn vấn đề gì đó của họ, bạn hãy tỉnh táo và biết kiềm chế chính mình, để không vội tung ra một lời khuyên dễ dãi, mà đối tượng hoàn toàn không cần đến.

Trong thời buổi nhiễu loạn thông tin này, khi mỗi ngày ta tiếp nhận không biết bao nhiêu là thông tin từ báo chí, từ đồng nghiệp, người thân, từ mạng xã hội, thêm vào những rắc rối bất chợt đến, hoặc âm ỉ lâu ngày, khiến ta có nhu cầu tự nhiên là xả bớt ra ngoài. Ta cần ai đó chịu lắng nghe ta kể lể dông dài, lắm khi câu chuyện rất lộn xộn, không đầu không cuối.

Ta không cần lời khuyên của người khác, ta chỉ cần người khác lắng nghe cho ta nhẹ lòng. Còn vấn đề của ta, ta thừa biết nguyên nhân từ đâu, cách giải quyết thế nào, ta chẳng cần làm theo lời khuyên của ai cả.

Hiểu biết tâm lý chung đó, bạn sẽ trở thành một người nghe hoàn hảo, trở thành người tri kỷ của bất cứ ai bạn muốn. Hãy lắng nghe kiên nhẫn, đừng ngắt lời và vội cho lời khuyên, cho đến khi đối tượng thực sự mong muốn một lời khuyên từ bạn và chủ động hỏi xin lời khuyên.

Người biết lắng nghe một cách nghệ thuật là người trong câu chuyện với đối tượng, không chỉ im lìm lắng nghe và ừ hữ cho qua, mà phải lắng nghe bằng cả trái tim mình, biết cách đặt câu hỏi gợi mở để người đang chia sẻ câu chuyện, hay vấn đề của họ với bạn trải lòng thêm nữa, để cuối cùng họ bật ra được chân tướng của vấn đề, lộ ra cốt lõi sâu kín mà chính họ có khi cũng chưa sáng tỏ.

Khi ấy, bạn không chỉ thám hiểm và phát hiện ra con người thật của đối tượng, mà chính đối tượng cũng nhận ra bản chất của chính mình, cái tôi sâu kín của mình.

Sự thỏa mãn sẽ lên tới đỉnh điểm và mang lại sự thay đổi sâu sắc từ chính bản thân người chia sẻ câu chuyện, mang lại sự dịch chuyển lên một tầm cao mới trong mối quan hệ của bạn với đối tượng.

Nếu bạn đã từng xem bộ phim Mỹ “Kẻ đâm lén” thì sẽ rõ, cô y tá Mác-ta đã bất ngờ nhận được thừa kế cả gia tài kếch xù của ông chủ – người thuê cô chăm sóc sức khỏe - trong khi các con ruột tham lam của ông đã không nhận được một xu nào.

Tại sao ư? Bởi trong thời gian cuối đời, chỉ có cô y tá Mác-ta chịu lắng nghe ông chủ kể chuyện, lắng nghe bằng cả trái tim và sự thấu hiểu mà thôi.

Vậy đó, không cần cho lời khuyên, bạn chỉ cần chịu lắng nghe người khác và thấu hiểu sâu sắc, bạn sẽ có cả thế giới trong tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.