Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhận định, ngày càng có nhiều con bị áp lực với chính những điều đơn giản nhất xung quanh mình, ngày càng có nhiều con bị âm ỉ tổn thương sâu về tâm lý từ khi còn rất nhỏ mà cha mẹ không nhận ra, để đến tuổi trưởng thành thì nói mới bộc lộ trong sự bĩ cực đến nặng nề.
Và các cha mẹ càng loay hoay hơn thì càng luẩn quẩn hơn trong sự luôn muốn con mình tốt nhất với những điều cao siêu nhất là phải thông minh, phải thành thiên tài… mà bỏ quên đi những điều con cần ngay xung quanh mình.
Chị từng viết sách “Mặt trái của yêu thương” cũng như các dự án test miễn phí cho cộng đồng với mong muốn cha mẹ Việt có thể nhìn nhận lại thói quen, tâm lý, quan điểm… trong dạy con cái, để có sự khách quan trong thay đổi tư duy sống, tư duy dạy con, vì đó là cái gốc mà các con không thể thiếu, để có thể tự mình phát triển toàn diện nhất và tốt nhất! Cha mẹ là những người thầy đầu tiên, là những người quyết định đầu tiên cho mỗi đứa con của mình sẽ ra sao, sau đó mới đến sự ảnh hưởng từ trường học và xã hội.
Muốn con thay đổi bất cứ điều gì, cha mẹ cần thay đổi trước trong từng lời nói, cách ứng xử, lối suy nghĩ, hành động… để con có cơ hội được nghĩ, hiểu, ứng dụng và thực tế có chiều sâu.
Tương lai để con trở thành thiên tài là một thử thách rất lớn và chưa thể nhìn thấy ngay, chưa thể chắc chắn… nhưng để trở thành một đứa con ngoan, biết yêu thương chia sẻ, có ý thức trách nhiệm, có khả năng kiên trì vượt khó, có khả năng độc lập và bản lĩnh, có sự tự tin và thích nghi mọi lúc mọi nơi… thì trong hiện tại cha mẹ và con luôn làm được nếu nỗ lực trong sự tỉ mỉ cùng nhau.
Với những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và nghiên cứu cũng như tiếp xúc với hàng nghìn người gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con, mâu thuẫn quan hệ cha mẹ và con cái, vợ chồng, định hướng giáo dục con cái trong một gia đình… chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho biết: “Cha mẹ giáo dục con cái là rất khó. Nó giống như thầy dạy môn nghệ thuật múa chuyên nghiệp”.
Phải biết khi nào cứng, khi nào phải mềm dẻo, phải di chuyển từng bước thận trọng, thật sâu thật chậm và phải ép dẻo đến mức đau đớn nên phải vượt khó mới có thể hiểu hết các con. Vì vậy, các cha mẹ hãy thấu hiểu con cái như những người bạn của mình, đừng bao giờ áp đặt con cái theo ý kiến cá nhân sẽ khiến con và cha mẹ có thể cùng rơi vào sự loay hoay bế tắc…
Quan niệm “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” liệu có còn chính xác trong thời điểm hiện nay khi mà trẻ nhận thức rất sớm, chịu tác động từ bên ngoài nhiều. Có rất nhiều trường hợp các con khi tìm đến chuyên gia tâm lý đã chịu rất nhiều sự tổn thương từ chính các phương pháp sai lầm của cha mẹ. Thực tế, không có con trẻ nào hư hỏng, bất trị, cũng không có cha mẹ nào không thương con. Chỉ có cha mẹ chưa biết yêu thương đúng cách và chưa thực sự thấu hiểu tâm lý để giúp con phát triển tốt nhất mà thôi.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền chia sẻ: “Tài sản của cha mẹ là những đứa con phát triển toàn diện, sổ tiết kiệm của một đời cha mẹ đó chính là con. Vì vậy, tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới các cha mẹ rằng: Với xã hội đầy rẫy sự phức tạp không biết đâu là đúng là sai, đâu là thật, là ảo thì các cha mẹ Việt ơi, hãy lắng xuống chậm lại để dành thời gian để thấu hiểu con yêu gì, thiếu gì, cần gì… để giúp cho con, đó là điều tuyệt vời nhất cho con phát triển toàn diện tốt nhất”.
Thạc sĩ thực hành Tâm lý học Phát triển trẻ em và thanh thiếu niên Phạm Lê Hoàng Minh cho biết, mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có các mốc phát triển khác nhau. Từ 2 - 7 tuổi, trẻ tư duy cụ thể. 7 đến 11 tuổi, trẻ tư duy trừu tượng. Sau 12 tuổi, các em có thể giải quyết được vấn đề phức tạp. Cha mẹ có thể dạy con tự học từ 7, 8 tuổi. Lớn hơn một chút, tuổi vị thành niên, trẻ thường mong muốn được công nhận là người lớn. Cha mẹ nuôi con như chơi trò thả diều. Để diều bay cao, tay cầm dây phải lỏng. Nếu nắm quá chặt, dây sẽ đứt.
Mách lẻo là xấu
Cha mẹ thường hay cảnh cáo trẻ “Con bỏ cái thói mách lẻo đấy đi” và trẻ sẽ thực sự cho rằng bản thân cần tuân theo quy tắc đó. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khá quan ngại về vấn đề trẻ không được phép chia sẻ với cha mẹ về những vấn đề trẻ gặp phải ở trường vì sợ bị gắn mác là “mách lẻo”.
Thay vào đó, cha mẹ nên dạy trẻ cách chia sẻ về các tình huống bất thường và ủng hộ nếu trẻ muốn tìm đến cha mẹ và thầy cô để giải quyết vấn đề.
Không cho trẻ khóc lóc, cáu giận
Không ít cha mẹ cảm thấy bực bội mỗi khi trẻ khóc lóc, cáu giận hay ném đồ chơi lung tung, thường quát mắng bắt trẻ im lặng thay vì tìm ra nguồn gốc vấn đề.
“Bắt” trẻ phải ngoan với tất cả mọi người
Nhiều cha mẹ muốn con phải được lòng tất cả mọi người, từ thầy cô đến bạn bè, hàng xóm. Đây là điều rất quan trọng, nhưng đừng bắt trẻ làm hài lòng tất cả mọi người, bởi vô tình, cha mẹ sẽ bắt trẻ phải hy sinh những lợi ích, mục tiêu của bản thân chỉ để làm hài lòng người khác.
Đừng chỉ nhìn vào điểm số
Vẫn nhiều phụ huynh cho rằng thành tích học tập ở trường của trẻ tỷ lệ thuận với thành công trong sự nghiệp khi trẻ trưởng thành. Mặc dù vai trò của giáo dục là không thể phủ nhận, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến thành công.
Phạt con bằng cách tước đoạt món đồ yêu thích của trẻ
Các nhà tâm lý học khẳng định hình thức phạt trẻ bằng cách tước đoạt thứ gì đó của trẻ không đem lại hiệu quả như nhiều phụ huynh mong đợi. Lấy của trẻ đồ vật trẻ yêu thích hay tước đi thời gian chơi với bạn bè không hề giúp trẻ nhận ra lỗi sai. Ngược lại, trẻ sẽ tin rằng người có quyền lực có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn.
Trẻ không còn thời gian tự chơi
Nhiều phụ huynh lên lịch học cho con kín mít, từ học chính khóa đến ngoại khóa, âm nhạc, mỹ thuật… nhằm bổ sung kiến thức và cho con vui vẻ khi đi sinh hoạt. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khẳng định rằng trẻ sẽ không bao giờ học được cách tự làm hài lòng bản thân nếu cha mẹ không cho trẻ cơ hội rảnh rỗi hay tự chơi.
Phải chia sẻ đồ chơi, đồ dùng
Một trong những quan niệm dạy con phổ biến đó là trẻ nhỏ cần học cách chia sẻ với người khác. Điều này chưa hẳn là đúng. Trên thực tế, ép một đứa trẻ chia sẻ đồ chơi khi chúng không muốn càng khiến trẻ ích kỷ hơn bởi trẻ sẽ không bao giờ biết được khi nào cha mẹ muốn chúng thể hiện sự hào phóng của bản thân.