Thông tư 30: Từ thay đổi phương pháp đến thay đổi nhận thức

GD&TĐ - Thông tư quy định đánh giá HS tiểu học số 30/2014/TT (thường được gọi là Thông tư 30) do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/8/2014, bắt đầu có hiệu lực thực hiện từ năm học 2014 - 2015.

Giáo viên và học sinh cũng chủ động trong các tiết học
Giáo viên và học sinh cũng chủ động trong các tiết học

Trải qua thời gian đầu bỡ ngỡ, sau một năm học, việc triển khai đánh giá HS theo phương pháp mới đã đi vào nền nếp, góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương pháp dạy học và quản lý GD trong các nhà trường tiểu học.

Các bậc phụ huynh cũng thay đổi nhận thức về sự học của con em mình từ mục đích học để lấy điểm, nay chuyển sang học để phát triển toàn diện.

Tăng cường tương tác GD nhà trường và gia đình

Theo Thông tư 30, HS thường xuyên được đánh giá, nhận xét qua từng bài học, bài kiểm tra và sổ liên lạc về gia đình. Bản thân các em HS tiểu học sẽ không gánh nặng áp lực điểm số và ganh đua.

Các phụ huynh nắm rõ được từng bước tiến bộ, đổi thay của con em mình, tăng cường mối tương tác giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình.

Cô Dương Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: Thực hiện Thông tư 30 ban đầu cả thầy cô, phụ huynh và HS có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Thông tư 32 trước đó cũng đã có bước đầu thay đổi về việc nhận xét, đánh giá HS bên cạnh việc chấm điểm. Vì thế, Thông tư 30 ra đời không quá đột ngột.

Trong thời gian đầu nhiều giáo viên sẽ không tránh khỏi lúng túng, còn ảnh hưởng của cách đánh giá, xếp loại truyền thống và có tình trạng quy điểm ra nhận xét: ví dụ nếu chấm điểm được 9, 10 thì sẽ khen “Em làm bài rất tốt”, điểm 7, 8 thì “Cô khen” nếu thấp hơn thì “Em cần cố gắng”…

Sau các đợt tập huấn của Phòng GD&ĐT, thăm lớp dự giờ của chuyên viên, cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô đã chủ động, linh hoạt và sát sao hơn trong việc đánh giá HS.

Cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu phó Trường Tiểu học Mường Lống 2 (Kỳ Sơn, Nghệ An) - cho biết: “Dân cư tại đây đa phần là bà con dân tộc thiểu số. Các em HS tiểu học nhiều khi tiếng Kinh chưa thông thạo.

Vì vậy, trong nhận xét, đánh giá HS, thầy cô phải “lựa lời” làm sao câu từ ngắn gọn, nhưng dễ hiểu nhất. Không ít lần, các cô phải giải thích cho phụ huynh những nhận xét của mình.

Tuy nhiên, qua đó, tăng cường sự quan tâm, theo dõi của phụ huynh đối với con cái, cũng như với nhà trường. Bởi tâm lý của bà con dân tộc thiểu số thường phó mặc con cái cho nhà trường”.

Trên thực tế, theo nhận định của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý, thực hiện Thông tư 30, các thầy giáo, cô giáo phải vất vả hơn rất nhiều.

Cô Dương Thị Thủy chia sẻ: Vất vả nhất có lẽ là những giáo viên 2 (giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…), mỗi cô dạy 18 lớp, thì sẽ có 18 quyển sổ và nhận xét hàng trăm HS. Tuy nhiên, các thầy cô xác định nhận vất vả về mình, nhưng sẽ được nhiều cái lợi, cái tốt cho học trò đó là điều quan trọng nhất.

“Các em HS tiểu học đều xứng đáng được khen thưởng”

Kết thúc năm học 2014 - 2015, nhiều phụ huynh bậc tiểu học băn khoăn với kết quả đánh giá học lực của con em mình không giống như những năm trước đây.

Các em được khen ở các mặt như: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trường khác lại ghi là “HS giỏi tiêu biểu”, “HS xuất sắc tiêu biểu”, “HS vượt khó vươn lên”, “HS hăng say với công tác Đội”, “Học khá môn Toán”, “Có năng khiếu ca hát”... khiến các phụ huynh bối rối.

Sở dĩ có tình trạng này là bởi các phụ huynh chưa hiểu về bản chất của các loại khen thưởng, các danh hiệu mà con em mình nhận được.

Theo đó, quy định của Sở GD&ĐT Nghệ An tại Công văn số 573/SGD&ĐTGDTH, có 5 nhóm khen thưởng gồm:

HS có quá trình hình thành và phát triển tốt về phẩm chất, năng lực và kết quả học tập các môn học, có điểm kiểm tra định kỳ các môn học đều đạt từ 9,0 trở lên được xếp danh hiệu “HS tiêu biểu năm học 2014 - 2015”;

HS có thành tích cao ở một mặt nào đó trong 3 nội dung giáo dục được xếp danh hiệu “HS có thành tích về… năm học 2014 - 2015”;

HS có quá trình và kết quả học tập vượt trội ở một hay một số môn học được xếp danh hiệu “HS có thành tích về môn học hay hoạt động giáo dục….. năm học 2014 - 2015”;

HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng vượt khó học tập được xếp “HS tiêu biểu về tinh thần vượt khó học tập năm học 2014 - 2015”.

Thầy Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn - cho biết: Việc khen thưởng theo từng nhóm sẽ công bằng và có ý nghĩa động viên, khích lệ được nhiều HS, phụ huynh.

Không chỉ khen thưởng về học lực, mà còn ở năng khiếu, kỹ năng khác, cũng như khả năng vượt khó vươn lên của từng HS.

Thực hiện điều đó không quá khó khăn. Mỗi Phòng GD&ĐT theo đúng quy chế và vận dụng vào từng hoàn cảnh đặc thù, thực tiễn của cơ sở, để đánh giá, khen thưởng HS.

Ví dụ như đối với HS miền núi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm chỉ biết làm nương rẫy, nhưng các em không bỏ học, đi học chăm chỉ và chuyên cần, là đáng được khen thưởng.

Thầy Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD&ĐT Nghệ An - nhận định: Theo quan điểm đánh giá HS theo Thông tư 30 thì việc khen thưởng không đánh giá kết quả học tập, mà là biểu dương quá trình về thành tích, về sự tiến bộ và đánh giá cả một quá trình của HS.

Mỗi sự tiến bộ, năng khiếu vượt trội, sự vượt khó, nỗ lực vươn lên trong học tập đều được biểu dương, do đó số lượng HS được khen sẽ nhiều hơn so với những năm trước. Tất cả các HS tiểu học đều đáng được khen ở từng mức độ khác nhau. Điều đó sẽ đem lại niềm vui cho các em và phụ huynh.

Đồng thời, mỗi năm học, có 5 môn học được đánh giá bằng điểm 2 lần một năm: Toán, Tiếng Việt, Địa lý– Lịch sử, Khoa học, Ngoại ngữ. Như vậy, việc đánh giá HS sẽ bao gồm cả định tính và định lượng, chứ không phải là khen thưởng tràn lan.

Thầy Nguyễn Thế Sơn - Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD&ĐT Nghệ An - cho rằng, Thông tư 30 là một chủ trương mới nên một số cán bộ quản lý và giáo viên chưa quen, chưa nhận thức đầy đủ về Thông tư 30 (mục đích đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá...). 

Một số lớp vì có sĩ số quá đông nên việc theo dõi kết quả học tập, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của từng HS khó khăn, tính chính xác, khách quan chưa cao.

Phương hướng trong năm học tới, các trường cần sớm khắc phục những lúng túng, khó khăn của giáo viên về nhận thức và kỹ thuật, đánh giá, khen thưởng HS; đồng thời, điều chỉnh hồ sơ đánh giá HS, không làm khó giáo viên, giảm thời gian lao động hành chính cho giáo viên, giảm sĩ số lớp theo theo quy định của điều lệ do Bộ GD&ĐT quy định. Làm được những điều này sẽ giúp việc thực hiện Thông tư 30 đạt hiệu quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ