Thông tư 30 - Trải nghiệm 1 năm của cô giáo tiểu học

GD&TĐ - Tính nhân văn - đó là nhận xét đầu tiên được cô Đào Thị Hằng - Giáo viên Trường tiểu học Bích Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang - khi nhắc tới việc triển khai cách đánh giá mới đối với học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Cô Đào Thị Hằng cùng học sinh Trường tiểu học Bích Sơn
Cô Đào Thị Hằng cùng học sinh Trường tiểu học Bích Sơn

Cô Hằng gửi đến báo GD&TĐ bài viết tâm huyết của mình, chia sẻ những cảm nhận của giáo viên sau 1 năm trực tiếp đánh giá học sinh theo Thông tư 30. 

Các con nhẹ nhõm đến trường

 Khi giáo viên đánh giá học sinh theo Thông tư 30, học sinh không bị áp lực về điểm số trong mỗi bài chấm thường xuyên của thầy cô. Trước đây, tôi thấy mỗi khi bài làm của các em bị điểm kém, nỗi buồn, sự lo lắng của học sinh thể hiện ngay qua nét mặt.

Qua nghiên cứu và sau hơn một năm thực hiện Thông tư 30, tôi nhận thấy, điểm cốt lõi của quy định mới này là đánh giá học sinh tiểu học không chỉ chú trọng đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh thông qua điểm số mà đánh giá mang tính tổng hợp, toàn diện cả về ba mặt: kiến thức kĩ năng – năng lực và phẩm chất của học sinh. Chính vì thế dẫn đến sự thay đổi về hình thức đánh giá học sinh và nội dung khen thưởng học sinh.

Không chỉ học sinh thảnh thơi, hứng thú đến lớp, đến trường, phụ huynh cũng không còn áp lực khi con bị điểm kém. Thường, các bậc cha mẹ chỉ biết rằng, con bị điểm kém là học chưa tốt mà không biết con mình còn bị vướng mắc, không hiểu bài ở chỗ nào để phối kết hợp cùng giáo viên giúp đỡ con mình học tập tiến bộ.

Nhưng, thực hiện theo Thông tư 30, thay việc chấm điểm số thường xuyên, học trò sẽ nhận được ở thầy cô những lời nhận xét thật tỉ mỉ, cụ thể, chi tiết sao cho vừa chỉ ra những phần các em làm được, làm tốt để động viên, khích lệ vừa khéo chỉ ra những phần các em chưa hiểu dẫn đến giải bài tập sai để các em nhận biết và điều chỉnh cho tốt.

Học sinh của tôi đến nay đã có thói quen đọc kĩ lời nhận xét sau những bài chấm hàng ngày của thầy cô, để từ đó khắc phục những tồn tại, sai sót trong học tập. Phụ huynh cũng thường xuyên theo dõi lời nhận xét của thầy cô với con mình để cùng phối hợp với giáo viên giúp con em họ học tập, rèn luyện tốt hơn.

Một điểm thể hiện rõ nhất tính nhân văn của Thông tư 30 là không còn sự so sánh giữa học sinh này với học sinh khác trong quá trình học tập, do đó tránh được sự tự ti, mặc cảm hoặc chủ quan, tự mãn của học sinh; giúp các em tự tin, từng bước vượt qua khó khăn, tạo hứng thú trong học tập.

Là giáo viên nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi thấy rõ sự khác biệt. Trước đây, học sinh tiểu học chỉ chú trọng đánh giá việc tiếp thu kiến thức. Ngày nay, các em được đánh giá thường xuyên về sự tiến bộ trong học tập theo chuẩn kiến thức kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác.

Học sinh còn được đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển năng lực cũng như phẩm chất. Chính vì vậy, giáo viên chúng tôi thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm để học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm trong thực tế cuộc sống.

Ví dụ học sinh được tự mình đưa ra các ý tưởng sáng tạo trong việc trang trí lớp học thân thiện, sáng tạo; được tự mình bày, trang trí mâm ngũ quả trong ngày Tết Trung thu. Các em còn có ý thức tham gia vào việc vệ sinh, chăm sóc, bảo vệ tượng đài; được trải nghiệm làm việc đồng áng cùng bà con nông dân, từ đó biết yêu quý, kính trọng người lao động và rèn luyện những kĩ năng sống để được phát triển một cách toàn diện.

Phụ huynh nhiệt tình vào cuộc 

Một trong những điểm tôi tâm đắc với cách đánh giá theo Thông tư 30 là học sinh được tham gia vào quá trình đánh giá các bạn. Bằng việc này, không chỉ bản thân mỗi học sinh phải tự phấn đấu rèn luyện để vươn lên đạt được kết quả tốt trong học tập mà còn hình thành sự mạnh dạn, tự tin, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Học sinh luôn tự phấn đấu để trở thành những tấm gương sáng, từ đó các em sẽ hoàn thiện mình hơn.

Cũng từ cách đánh giá mới, mối quan hệ thầy trò ngày càng trở nên thân thiện hơn. Học sinh mạnh dạn chia sẻ với thầy cô, tự tin trong giáo tiếp, bộc lộ khả năng tự học của bản thân.

Đánh giá học sinh theo Thông tư 30 còn có sự phối hợp chắt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh, phụ huynh cũng được tham gia vào quá trình đánh giá con em mình. Qua thực tế trải nghiệm, bản thân tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh. Ví dụ trong những buổi họp phụ huynh, tôi thường tạo điều kiện để phụ huynh được kiểm tra sách vở của các con, được đọc những lời nhận xét của cô giáo trong vở viết của các em.

Phụ huynh rất hài lòng và tin tưởng với kết quả đánh giá của các bài kiểm tra cuối học kì, cuối năm học của con mình, được minh chứng bằng những điểm số và những lời nhận xét của thầy cô. Chính vì thế, chúng tôi rất vui khi nhận được sự phối hợp rất nhiệt tình, hiệu quả từ phía gia đình, cùng tham gia vào đánh giá học sinh.

Lãnh đạo đồng hành

Khi triển khai đánh giá học sinh theo Thông tư 30, Sở GD&ĐT Bắc Giang, phòng GD&ĐT Việt Yên đã mở các lớp tập huấn để hướng dẫn giáo viên thực hiện, cùng chia sẻ những thuận lợi, vướng mắc, băn khoăn khi thực hiện.

Ngoài ra, phòng GD&ĐT Việt Yên còn mở các cuộc hội thảo để giáo viên cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; tổ chức rút kinh nghiệm để thực hiện cho tốt. Ban giám hiệu nhà trường cũng luôn cùng đồng hành, sát cánh cùng giáo viên thực hiện tốt việc đánh giá học sinh.

Cũng trong quá trình thực hiện, nhận thấy việc ghi chép đánh giá của giáo viên quá nhiều, giáo viên gặp khó khăn về thời gian để làm việc, năm học 2015- 2016, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã nghiên cứu giảm bớt việc đánh giá của giáo viên từ 9 lần theo tháng học xuống 4 lần theo 4 định kì (giữa kì I, cuối kì I, giữa kì II và cuối năm).

Mong muốn giảm việc ghi chép hồ sơ, sổ sách 

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng hiện nay giáo viên vẫn gặp khó khăn bởi sĩ số học sinh trong lớp đông; giáo viên mất nhiều thời gian trên lớp cho việc chấm bài thường xuyên, nhận xét trong vở học sinh.

Bên cạnh đó, vì hồ sơ sổ sách vẫn nhiều nên giáo viên phải viết nhiều, đánh giá nhiều, từ đó, phải làm việc ngoài giờ nhiều dù đã được giảm số lần đánh giá từ 9 lần xuống 4 lần.

Tôi thấy giáo viên tiểu học vẫn vất vả trong việc đánh giá học sinh. Bản thân tôi cùng nhiều đồng nghiệp mong muốn cơ quan quản lý quan tâm nghiên cứu để giảm việc ghi chép hồ sơ sổ sách, giảm số tiết trên một tuần cho giáo viên tiểu học.

Đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, tăng cường đổi mới phương pháp, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành tốt nội dung chương trình học tập, rèn học sinh phát triển năng lực, phẩm chất, giúp các em ngày càng tiến bộ, phát triển toàn diện. Đồng thời, giúp giáo viên có thời gian đánh giá học sinh theo Thông tư 30 thực sự chất lượng, hiệu quả đúng với ý nghĩa của nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ