1 năm thực hiện Thông tư 30: Học trò thêm ham học

GD&TĐ - Sau một năm triển khai thực hiện Thông tư 30/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá năng lực học sinh tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum ghi nhận: Đã có những chuyển biến bước đầu như giảm áp lực về điểm số, tăng lời viết nhận xét động viên để kích thích sự say mê học tập cho học sinh.

Đổi mới đánh giá HS tiểu học từng bước đạt hiệu quả cao trong GD phát huy năng lực người học
Đổi mới đánh giá HS tiểu học từng bước đạt hiệu quả cao trong GD phát huy năng lực người học

Giảm áp lực điểm số

Năm học 2013 – 2014 trở về trước, điểm số luôn là thước đo giá trị của việc học, nên mỗi khi Hùng – học sinh Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum đi học về, chị Thương (mẹ của Hùng) thường hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Những hôm được điểm cao, Hùng rất tự tin để trả lời cho mẹ biết, nhưng khi điểm số chỉ ở ngưỡng trung bình khá, Hùng rất lo lắng và đáp lại lời mẹ hỏi với tâm trạng căng thẳng, sợ bị quở trách.

Chị Thương cho biết, trước kia là thế, nhưng năm học 2014 – 2015 đến nay, phụ huynh được tuyên truyền, giảng giải về mô hình giáo dục mới gắn với Thông tư 30 có thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học từ điểm số chuyển sang lời nhận xét động viên, khuyến khích. Do đó, các bậc cha mẹ và học sinh không còn áp lực về việc chạy theo thành tích học tập vì điểm số.

“Mỗi ngày về nhà, thay vì hỏi điểm để đánh giá việc học tập của Hùng, tôi thường mở trang vở của con để xem lời nhận xét của cô giáo. Có hôm, Hùng hoàn thành bài tập làm văn tả về người mẹ ở lớp và được cô giáo nhận xét: Bài viết có nhiều ý tả về mẹ chân thật, cảm động về những việc mẹ đã làm cho em.

Tuy nhiên, chữ viết còn chưa đẹp, đôi chỗ chưa sạch sẽ. Em cố gắng hơn nữa nhé…Với nhận xét của cô giáo, tôi rất hài lòng và có nhắc nhở cháu khắc phục hạn chế của bản thân. Mỗi ngày đi học về, cháu hay kể việc học ở lớp, luôn tự tin đưa ra các lời nhận xét về những bạn tham gia học tập tốt, có lời giải bài tập thông minh, sáng tạo được nhiều bạn bình chọn ở lớp…” - chị Thương nói.

Cô Thân Thị Phượng - giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Ia H’Drai) cho hay: “Sau 1 năm tham gia tập huấn, dự thao giảng và trực tiếp đứng lớp giảng dạy, tôi luôn tìm các phương pháp mới nhằm chuyển tải kiến thức chuẩn đến học sinh.

Ở đây, không áp dụng việc ghi điểm số đối với các em, nên các câu hỏi nêu ra được các em xung phong trả lời, làm cho giờ học sôi nổi hơn… Cuối mỗi tiết học, tôi luôn dành vài phút đưa ra nhiều ví dụ từ thực tiễn gắn với bài học, giúp các em nắm kiến thức sâu hơn, khơi gợi thêm việc đưa phần ứng dụng bài tập, hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống”.

“Không chỉ đổi mới trong cách nhận xét, trường còn thực hiện đổi mới toàn diện trong dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm. Trường còn tăng cường mở các câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật, toán, tiếng Việt…

Qua đó, tạo sự hứng thú cho các em trong học tập và biết cách giúp đỡ lẫn nhau để tiến bộ, cũng như phát huy những sở trường của mỗi cá nhân. Với các em học sinh DTTS, các em được khơi gợi từ những câu hỏi nhỏ để tự tin trả lời. Dần dà, tạo cho các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp” - thầy Nguyễn Văn Diện, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Đăk Long, huyện Kon Plông cho biết.

Tháo gỡ vướng mắc để hiệu quả hơn

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum ghi nhận còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện. Chia sẻ với chúng tôi, cô Lê Thị Nhung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đắk Hà nói: Do chưa quen, chưa nhận thức đúng nên phụ huynh vẫn có ý kiến trái chiều. Không ít phụ huynh băn khoăn, lo ngại việc nhận xét bằng lời thay cho điểm số, không định lượng được kết quả, không định hướng được năng lực, khó nhận biết, theo dõi khả năng học tập của con em mình trong việc rèn luyện.

Cùng với đó, toàn huyện có 60% học sinh là người DTTS nên việc liên lạc, kết hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong việc đánh giá tiến bộ các em rất khó. Nhiều phụ huynh không biết cách đáp từ nhận xét của giáo viên từ sổ liên lạc chuyển về cho cha mẹ. Trong khi, người dân sinh sống không tập trung, việc giáo viên tìm gặp phụ huynh rất khó khăn.

Mặt khác, có không ít giáo viên phản ánh, công tác ghi nhận xét trong vở của học sinh hàng ngày, hàng tuần cũng là một áp lực lớn chi phối thời gian trên lớp. Một số giáo viên có ghi lời nhận xét vào vở học sinh còn quá dài, nên thời gian dành cho các em ôn bài cũ, hoặc mở rộng bài học cho các em chưa chu đáo. Đối với giáo viên bộ môn phải dạy nhiều lớp, nên việc đánh giá vào sổ theo dõi tiến bộ trong giáo dục đòi hỏi thời gian nhiều hơn, ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Thậm chí có giáo viên đánh giá chung chung “tốt”, “hoàn thành”, “bài làm khá”… chưa giúp học sinh biết mình tốt đến đâu, hoàn thành đến mức độ nào tạo ra tâm lý “an toàn”, khiến học sinh chưa thật sự cố gắng phấn đấu, thi đua học tập. Có những nơi nhiều em học sinh chưa quen với phương pháp học nhóm, chưa chủ động tự đánh giá kết quả học tập.

Trước một số vướng mắc trên, Sở GD&ĐT cho biết đã tiếp thu những hạn chế, đồng thời sẽ nhân rộng những kinh nghiệm, sáng kiến hay. Hiện tại, ngành cũng đã có văn bản chỉ đạo thời gian đến, đối với các trường tiểu học và giáo viên tiếp tục thực hiện tốt hơn việc đánh giá học sinh theo quy định.

Cùng với đó, cán bộ quản lý phải hỗ trợ giáo viên trải nghiệm thực tế giảng dạy để chia sẻ cách đánh giá bằng nhận xét học sinh; kịp thời tư vấn đúng hướng, phát huy được vai trò then chốt của giáo viên và khuyến khích họ luôn tự học tập, trau dồi sử dụng ngôn ngữ dùng trong đánh giá học sinh bằng lời. Trong sinh hoạt chuyên môn định kỳ, các trường dành thời gian nghe giáo viên phản ánh những vướng mắc, chia sẻ các lời nhận xét ngắn gọn, rõ ý, sát hợp với nội dung bài học, bài làm của học sinh...

Đối với các bậc phụ huynh, các trường tiểu học phải tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để góp ý về lời nhận xét của giáo viên dành cho học sinh, hoặc nhận xét vào sổ liên lạc thay vì điểm số như trước đây…

Tại Hội nghị đánh giá một năm thực hiện Thông tư 30 vừa qua, Sở GD&ĐT Kon Tum thông tin, kết thúc năm học vừa qua, học sinh đạt yêu cầu các môn học và có thực hành kỹ năng, năng khiếu tăng khá nhiều.

Cụ thể chất lượng giáo dục học sinh đạt yêu cầu trở lên (tương đương ở thang điểm 5 trở lên, theo Thông tư 32/TT-BGDĐT/2009 về đánh giá học sinh), đối với môn Toán chiếm 97,79%, tăng 0,59%; Tiếng Việt đạt yêu cầu trở lên chiếm 97,66%, tăng 0,60% (so với năm học 2013 – 2014). Trong đó, học sinh có môn Toán đạt loại xuất sắc trở lên là 37,62% (tương đương ở thang điểm 9, 10 của Thông tư 32), tăng 0,85%; môn Tiếng Việt đạt xuất sắc chiếm 32,69%, tăng 0,59%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ