Chữ “NẾU” gửi gắm theo Thông tư 30

GD&TĐ - Cô Thanh Liễu - Giáo viên Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Đối với tôi, một giáo viên có gần 20 năm thâm niên dạy tiểu học và cũng gần chừng ấy năm dạy học sinh lớp 1, Thông tư 30 thực sự là “luồng gió mới” trong cải cách giáo dục ở bậc tiểu học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

""Sau một thời gian Quy định về đánh giá học sinh tiểu học đi vào thực tế và hiện nay đang là thời điểm các giáo viên tập trung hoàn thành cuốn Sổ nhận xét học sinh, cách đánh giá học sinh theo phương thức mới đã trở thành công việc rất quen thuộc và khá “thuận tay” đối với mỗi giáo viên tiểu học.

Tuy nhiên, tinh thần cũng như ý nghĩa của thông tư này sẽ thực sự phát huy hết tác dụng nếu các giáo viên có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ các chỉ dẫn"" - Cô Liễu nhấn mạnh.

Theo cô Liễu, khi tiếp nhận, làm quen với cách đánh giá mới, giáo viên Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng đều có cảm giác “hơi run” nhưng khi đã nắm vững tinh thần của Thông tư thì tự mỗi giáo viên đều ý thức tìm tòi phương án và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để tìm cách thực hiện tốt nhất hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

"Trên thực tế, Thông tư 30 không có vấn đề gì là “làm khó” giáo viên cả, mà chỉ đòi hỏi giáo viên phải thêm say mê, tâm huyết với công việc của mình. Vì đang quen với nếp cũ đã tồn tại nhiều năm nên một số giáo viên ban đầu cũng khá lúng túng khi bỗng nhiên “buộc phải vất vả hơn”.

Chia sẻ về quá trình thực hiện phương pháp đánh giá mới này, cô Thanh Liễu cho biết: Được Phòng GD&DT và trực tiếp Ban giám hiệu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên đã giúp giáo viên thực hiên, rút kinh nghiệm nên hiện nay, chỉ sau một thời gian ngắn mọi việc đã thực sự đi vào ổn định.

Cách đánh giá mới mang lại nhiều cái lợi cho học sinh, trong đó có việc giảm áp lực học tập mà lâu nay vẫn là đề tài “ca thán” của không ít các bậc phụ huynh. 

Đặc biệt, việc giảm áp lực học tập cho học sinh lại không làm triệt tiêu tinh thần học tập mà ngược lại, nhờ những lời nhận xét, động viên kịp thời của giáo viên mà học sinh cũng kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, chính việc đầu tư thời gian, kỹ càng trong từng nhận xét, đánh giá học sinh mà giáo viên nắm rõ hơn về từng học sinh trong lớp, biết điểm mạnh, điểm yếu để tập trung giúp đỡ học sinh tiến bộ hơn.

Theo cô Liễu, công việc của một giáo viên tiểu học bình thường là tương đối bận bịu, bên cạnh việc phải đảm đương công việc gia đình thì phần việc của giáo viên làm dược đúng theo tinh thần Thông tư 30 rất cần có chữ “NẾU”. Đó là “NẾU giáo viên có nhiều thời gian hơn, được đãi ngộ tốt hơn để có thể toàn tâm toàn lực với công việc…”.

“Tôi và đồng nghiệp đánh giá tinh thần Thông tư 30 là rất tốt cho học sinh tiểu học, lứa tuổi rất cần nâng đỡ về mặt tinh thần, cần những lời động viên, những uốn nắn kịp thời. 

Giáo viên chúng tôi mong ước có thêm quỹ thời gian để thực hiện đầy đủ hướng dẫn nhằm đạt đúng mục đích và ý nghĩa sâu sắc mà tinh thần Thông tư hướng tới”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ