Giáo dục hướng nghiệp: Đòi hỏi tất yếu phải đổi mới

GD&TĐ - Nhiều năm trước đây, các trường THPT đã có nhiều cố gắng triển khai hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và bước đầu đạt được thành tựu nhất định. 

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Tuy nhiên, đứng trước quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD; thực hiện đổi mới chương trình GDPT… thì công tác GDHN cần được các trường THPT chú trọng và đổi mới hơn nữa.

Bất cập nhìn từ hướng nghiệp

TS Lò Mai Thu – ĐH Tây Bắc chỉ ra: GDHN thông qua giảng dạy các môn văn hóa theo tinh thần giáo dục kỹ thuật tổng hợp chưa có sự chỉ đạo thống nhất và chặt chẽ, còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và sáng kiến của từng giáo viên bộ môn, nên hiệu quả giáo dục hướng nghiệp thông qua tiết học các môn văn hóa (Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Sinh…) còn rất thấp.

GDHN thông qua giáo dục công nghệ và lao động cũng chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên và bài bản. Trang thiết bị phục vụ cho giáo dục lao động và dạy nghề ở các trường THPT còn thiếu thốn.

GDHN đã được các trường THPT triển khai nhưng hầu như chưa có GV được đào tạo chuyên biệt để giảng dạy môn học này. Thay vào đó nhiệm vụ này được giao cho GVCN, các GV dạy các môn học khác nhưng chưa đủ giờ chuẩn theo quy định… Hơn nữa, tài liệu, sách tham khảo, các thiết bị cần thiết phục vụ cho dạy và học môn học này thiếu thốn, dẫn đến chất lượng dạy và học môn học khá thấp, không kích thích được tính tích cực và hứng thú học tập môn học của HS.

Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động GDHN cho học sinh THPT chưa được chú ý đúng mức, thiếu những hình thức phối hợp cụ thể được tổ chức một cách bài bản nhằm giáo dục động cơ nghề nghiệp của học sinh.

Tư vấn hướng nghiệp là một trong ba nội dung đặc biệt quan trọng của hoạt động GDHN cho HS THPT, song trong thực tế việc triển khai thực hiện trong các trường THPT chưa được chú trọng. Đây là một thiệt thòi lớn cho HS trong việc chọn nghề cho bản thân một cách chính xác, khoa học.

Hoạt động GDHN được tiến hành lồng ghép với dạy học các môn khoa học cơ bản, môn Công nghệ, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục nghề phổ thông, thông qua hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp, sinh hoạt lớp. Thời lượng ít và dạy học lồng ghép nên khó để HS được thực sự trải nghiệm trong hoạt động GDHN.

Cũng theo đánh giá chung khi thực hiện chủ trương giảm tải nên thời lượng hoạt động GDHN trong thực tiễn dạy học chỉ còn khoảng 1/2 số tiết học quy định trong chương trình.

Cách thức tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp chưa đa dạng, giáo viên, học sinh chưa thực sự hứng thú với hoạt động hướng nghiệp. Nội dung hướng nghiệp còn chung chung, chưa thiết thực với học sinh, chưa đi sâu vào việc giúp học sinh giải tỏa về mặt tâm lí và giải quyết những băn khoăn, lo lắng, thắc mắc khi các em chọn nghề, chưa cập nhật với thay đổi nghề nghiệp trong thực tiễn. Do đó, chưa thực sự hữu ích trong việc giúp học sinh định hướng, lựa chọn nghề phù hợp với năng lực của bản thân, gia đình và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông còn thiếu, chưa bảo đảm cho công tác tư vấn hướng nghiệp, tham vấn học đường.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Đổi mới GDHN trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục căn bản toàn diện, thực hiện đổi mới chương trình GDPT; công tác hướng nghiệp, phân luồng được chú trọng ở cấp THPT đồng thời đưa mục tiêu chương trình GDHN giúp HS có hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động… các trường THPT cần có sự đổi mới trong GDHN.

Các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục cho rằng, về nội dung hướng nghiệp bên cạnh những kiến thức, kĩ năng cơ bản nhằm định hướng nghề nghiệp, HS cần được học ít nhất là một nghề thực sự phù hợp với sức khỏe, sở thích, điều kiện và khả năng của bản thân. Do đó, cần tích hợp một số ngành, nghề trong nội dung chương trình từng môn học, phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương, nhà trường. Chú trọng đồng thời lý thuyết và thực hành kĩ năng nghề nghiệp.

Trong phương pháp giảng dạy, học qua trải nghiệm thực tế tại chính các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi và trồng trọt… vừa giúp HS hình dung cụ thể về ngành, nghề tương lai, vừa giúp các em khám phá năng lực học tập nhằm hiểu thêm về khả năng, thế mạnh, sở thích của chính bản thân.

Cần khuyến khích HS tự học, làm việc theo nhóm, thảo luận, thực hiện dự án học tập, thực hành thí nghiệm ở phòng học bộ môn, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan văn hoá… Tăng cường học qua dự án với các tình huống, vấn đề thực tiễn nhằm rèn luyện kĩ năng hướng nghiệp cho học sinh dựa trên việc học sinh tự phát hiện ra khả năng của bản thân, khơi gợi sự đam mê, khả năng sáng tạo, sự đồng cảm, khả năng học được những điều thực sự có ích cho lựa chọn nghề từ cuộc sống.

Đặc biệt, đối với GV làm công tác GDHN phải được đào tạo cơ bản, chuyên sâu và được bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên. Giáo viên dạy nghề, đặc biệt là dạy thực hành cần thực sự giỏi nghề mình giảng dạy, do vậy cần có cơ chế tăng cường GV thỉnh giảng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài nhà trường. Có thể kết hợp giữa GV trong trường dạy lý thuyết và người của địa phương giỏi nghề dạy thực hành.

Nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động GDHN cho cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông bằng giám sát chặt chẽ việc “thực hiện hóa” các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của bản thân và đơn vị đối với công tác GDHN trong trường trung học…

Việc vận dụng các phương pháp dạy học hướng nghiệp cho HS cần thay đổi căn bản trong cách nghĩ, cách chuẩn bị, cách làm của GV mới mang lại kết quả như mong đợi. Do những đòi hỏi về đổi mới toàn diện, nhiều GV thấy không dễ để thực hiện các phương pháp dạy học hướng nghiệp mới. Để giúp GV nắm vững cách thiết kế hoạt động GDHN cần tổ chức bồi dưỡng và đa dạng phương pháp mới như: Phát triển mở rộng của Internet, triển khai bồi dưỡng qua mạng e-learning...

GDPT đang thay đổi tích cực theo hướng chú trọng đến công tác hướng nghiệp, phân luồng, tham vấn học đường cho học sinh phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới xác định rõ giai đoạn định hướng nghề nghiệp… điều đó đòi hỏi những người làm công tác giáo dục nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác GDHN ở trường phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.