Thông tin tăng lên nhưng tình cảm giữa giáo viên và phụ huynh giảm xuống

GD&TĐ - Một nghịch lý trong thời đại hiện nay là: Thông tin trao đổi tăng lên song tình cảm và sự cảm thông giữa giáo viên và phụ huynh lại giảm xuống.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh (Học viện Ngoại giao) về giáo dục Pháp cho thấy, có rất nhiều tương đồng với vấn đề mà giáo dục Việt Nam đang gặp phải, đặc biệt là trở ngại trong mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình khi giáo dục giới trẻ.

Trước hết, sự phát triển của CNTT làm thay đổi nhanh chóng cách thức liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Những buổi gặp mặt trực tiếp để trao đổi tình hình hầu như được thay thế bằng hình thức liên lạc thông qua sổ liên lạc điện tử, email, điện thoại hoặc là mạng nội bộ.

Hình thức này bước đầu mang lại hiệu quả cao bởi sự truyền tải thông tin nhanh chóng và có thể lưu giữ được thông tin. Tuy nhiên, xét về khía cạnh hành vi và đạo đức, cách làm trên dần bộc lộ những điểm hạn chế và ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phối hợp giữa nhà trường, gia đình trong giáo dục đạo đức cho học sinh (HS).

Mặt trái của phương thức liên lạc này là sự giao tiếp “không hồn” giữa phụ huynh và nhà trường, không mang lại sự thấu hiểu và thông cảm.

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh cho rằng, thực tế về tâm lý học cho thấy, khi giao tiếp “vắng mặt”, người ta có thể dễ dàng đưa ra nhận xét hoặc câu nói khắt khe hơn khi gặp trực tiếp. Điều này tác động trực tiếp tới hành vi và đạo đức của đứa trẻ, khi gặp phải những vấn đề rắc rối tại trường học.

Cũng vấn đề này, bà Lê Thị Mai Hương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhắc đến một thực tế khá phổ biến hiện nay, là hầu hết các lớp đều có những nhóm kín, trong đó không có sự tham gia của giáo viên. Từ đó, các thông tin không được kiểm chứng, những quan điểm chia sẻ không có sự trao đi, đổi lại một cách chính thống cũng gây hoang mang trong phụ huynh, tạo ra một môi trường không lành mạnh và không có tác động tích cực trong việc phối hợp với nhà trường để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Cả hai chuyên gia khi chia sẻ về giải pháp đều cho rằng nên rõ ràng hơn trong các quy định về vấn đề này. PGS Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh việc “công khai hóa” các hoạt động của nhà trường để phụ huynh tham dự nhiều hơn trong các hoạt động hỗ trợ giáo dục đạo đức.

Cùng với đó là “định lượng” các quy định của nhà trường theo phương châm cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Làm rõ quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của gia đình chủ động phối hợp với nhà trường. Việc đưa rõ ràng các quy định sẽ khiến mối quan hệ nhà trường - giáo viên - phụ huynh trở nên tốt đẹp hơn.

Việc công khai đó sẽ không tạo kẽ hở cho giáo viên hoặc phụ huynh sử dụng quyền lực/quan hệ của mình để xử lí các vấn đề kỷ luật theo cách mình muốn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm ngăn ngừa những hành vi không đúng chuẩn mực trong giáo dục cả về phía nhà trường lẫn gia đình; đồng thời giúp HS hình thành tư duy đúng đắn và nhân cách tốt.

Trong khi đó, một giải pháp được bà Lê Thị Mai Hương đưa ra là nhà trường cần chia sẻ về tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu; thống nhất chi tiết với phụ huynh HS trước khi cho con nhập học về các biện pháp giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức; chia sẻ quy trình làm việc với giáo viên, nhân viên, phụ huynh...

Đặc biệt, cần có những văn bản cập nhật hơn quy định về việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng; văn bản phối hợp của nhiều ban ngành trong địa phương, cùng hướng vào mục tiêu giáo dục đạo đức HS.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức HS. Đây là mô hình hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.