Tái đề xuất miễn học phí THCS
Tái đề xuất miễn học phí THCS là thông tin mới nhất liên quan đến Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018. Thông tin này được đưa ra trong phiên họp giữa Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng với Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 6/7.
Cổng thông tin điện tử Quốc hội đưa tin: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát toàn diện các điều, khoản của Luật Giáo dục hiện hành, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trên tinh thần kế thừa cấu trúc cơ bản của Luật Giáo dục hiện hành, tránh sự xáo trộn không cần thiết, trong đó chuyển một số điều khoản ở chương quy định chung xuống chương quy định cụ thể: Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 17; bổ sung một số điều và sắp xếp lại một số mục; nâng mục 2 quy định đầu tư cho giáo dục thành một chương riêng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp |
Trong quá trình soạn thảo, rà soát, Ban soạn thảo đã tổ chức đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng những quy định trong các văn bản dưới luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, thực hiện ổn định lên thành quy định của luật; giảm tối đa các văn bản hướng dẫn luật.
Đặc biệt, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung: nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở trường công lập. Đại diện Ban soạn thảo cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với hai chính sách này và báo cáo, xin ý kiến Chính phủ.
Trước đó, đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS của Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Khi đưa dự thảo Luật thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội, trong đó có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất cần miễn học phí cho học sinh THCS.
Nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có vov.vn ghi lại ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân: Trong giai đoạn 2012-2013, thu học phí cả năm đối với cấp học này khoảng vài nghìn tỉ đồng, tức chỉ bằng chi phí xây 10-15km đường cao tốc.
Như thế, đến giờ ngân sách vẫn chịu đựng được số tiền này. Vì, tỉ lệ sinh đã ổn định nên tỉ lệ học sinh không tăng. Do đó, chúng tôi thiết tha đề nghị kiểm tra về mặt tài chính, xem có thể miễn thu học phí cho lớp 6-9 được không? Nếu làm được thì có thể khẳng định số lượng nhân lực có trình độ sẽ ngày càng cao. Việc này là vì lợi ích của đất nước và nhà nước phải tham gia đảm bảo.
Điểm thi ban đầu thể hiện sự phân hóa tốt
Cho đến thời điểm này, công tác chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại nhiều địa phương cơ bản đã hoàn tất. Một số thông tin ban đầu về điểm thi được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông cho thấy phổ điểm năm nay khá tốt.
Zing.vn trao đổi với ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, và được biết đã có thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, Địa lý, Ngoại ngữ, Hóa học, Giáo dục Công dân. Riêng môn Giáo dục Công dân có 17 thí sinh đạt điểm 10. Với môn Ngữ văn, Phú Thọ có 2 thí sinh đạt 9,5 điểm; thí sinh đạt điểm cao nhất là 9,75; phổ điểm trên trung bình chủ yếu từ 5 đến 8; một số ít bài thi bị điểm dưới 2; có 5 học sinh bị điểm liệt (0,75 điểm).
Cũng theo Zing.vn, ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho hay địa phương này đã chấm xong 3.000 bài thi môn Ngữ văn. Điểm cao nhất của môn này là 8,75 điểm và có 2 bài thi bị điểm liệt. Tỉnh có thí sinh đạt điểm 10 môn Toán. Tại Hà Nam, điểm thi Toán cao nhất theo thống kê ban đầu là 9,2; có 4 bài thi từ điểm 9 trở lên, chưa có điểm 10.
Vov.vn thông tin về điểm thi từ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh với môn Toán có 1 học sinh đạt điểm 10; 63,04% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, 1,19% thí sinh đạt điểm 8 điểm trở lên. Đối với môn ngoại ngữ, có 20 thí sinh đạt điểm 10; 6,96% thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên), 43,57% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Môn Ngữ văn có 5 thí sinh làm bài đạt điểm 9; có 532 thí sinh đạt điểm giỏi từ 8 trở lên (chiếm tỷ lệ 0,6%); số bài thi đạt điểm từ 5 trở lên chiếm tỷ lệ khoảng 68,86%...
Báo Giáo dục và Thời đại thông tin về điểm thi Ngữ văn tại Hưng Yên. Theo đó, đến ngày 3/7, Hội đồng thi tỉnh Hưng Yên ghi nhận 9 bài Ngữ văn (chấm vòng 2) có điểm trên 9. Số điểm tập trung nhiều nhất nằm trong dải từ 5 đến 6,5 (với 3325 bài), từ 1 đến 5 điểm có 3.552 bài (chấm vòng 2).
Chấm thi nghiêm túc, đúng kế hoạch
Trong thời gian chấm thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã có nhiều đoàn kiểm tra đến các địa phương. Trong quá trình làm việc, các đoàn kiểm tra cũng đồng thời ghi nhận thực tế tại địa phương, trao đổi với cán bộ làm công tác chấm thi để rút kinh nghiệm cho năm sau.
Theo báo Giáo dục và Thời đại, trong 2 ngày 4-5/7/2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác kiểm tra chấm thi tại Hưng Yên và Nam Định.
Tại đây, Thứ trưởng đã trao đổi, nắm bắt công tác triển khai chấm thi từ thành viên Ban Chấm thi, lực lượng thanh tra, công an cắm chốt tại Hội đồng chấm cũng như các giám khảo trực tiếp chấm thi... Đưa ra lưu ý hết sức cụ thể, chi tiết về quy trình chấm đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế; lưu ý việc chấm kiểm tra; giao nhận bài thi; quy trình nhập điểm chặt chẽ để tránh sót... Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời ghi nhận ý kiến trực tiếp từ những người làm công tác chấm thi để rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Nam Định. |
Báo cáo Thứ trưởng, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - cho biết, ngay khi kết thúc 3 ngày thi, Hội đồng thi Hưng Yên tổ chức làm phách theo phương án 2 vòng độc lập. Hưng Yên cũng đã tổ chức khai mạc Ban Chấm thi, phổ biến, quán triệt kĩ các quy định về chấm thi, kĩ thuật chấm thi, cách thức tổ chức chấm thi; quy định về thanh tra, an ninh, giờ giấc làm việc… Công tác chấm thi đến thời điểm này diễn ra thuận lợi.
Nhận định của Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, đề thi năm nay rất khoa học, phân hóa được học sinh qua phổ điểm. Đề ứng dụng thực tiễn trong dạy học rất tốt, khẳng định được định hướng dạy học theo phát triển năng lực; tăng thêm niềm tin của giáo viên trong dạy học theo định hướng này. Việc kiểm tra, đánh giá như vậy sẽ có tác động tích cực đến dạy học trong những năm tới.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Bộ GD&ĐT) dẫn đầu cũng đã đi kiểm tra công tác chấm thi nhiều địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Lai Châu… Trong đó, Lai Châu là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ trong những ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia.
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu Đinh Trung Tuấn – khẳng định: Không vì điều kiện khó khăn do thiên tai, mưa lũ gây ra mà ảnh hưởng đến công tác chấm thi. Theo đó, công tác chấm thi được diễn ra theo đúng quy chế, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ông Mai Văn Trinh kiểm tra thực tế công tác chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình |
Tại Hà Nội, công tác chấm thi cũng được triển khai nghiêm túc. Chiều 27/6, Sở GD&ĐT họp lãnh đạo các ban để triển khai công tác chấm thi. Sáng 28/6, ban làm phách và bộ phận chấm bài thi trắc nghiệm tiến hành học tập quy chế, nghe hướng dẫn nghiệp vụ làm phách, chấm bài thi trắc nghiệm và tiến hành làm phách, xử lý bài thi trắc nghiệm. Bộ phận làm phách thực hiện theo phương thức 2 vòng độc lập, cán bộ làm phách vòng 2 cách ly triệt để.
Sáng 30/6, lãnh đạo ban chấm bài thi Ngữ văn thảo luận đáp án, vận dụng biểu điểm của Bộ GD&ĐT. Chiều cùng ngày, cán bộ giáo viên ban chấm thi học tập quy chế, nghe phổ biến và thảo luận đáp án, vận dụng biểu điểm. Ban chấm bài thi tự luận chia thành 16 tổ chấm và 1 tổ chấm kiểm tra. Ngày 1/7, mỗi tổ chấm chấm chung 10 bài, sau đó tiến hành ch ấm thi theo quy định. Ngoài ra, ban thư ký có 20 cán bộ tham gia công tác giao nhận bài thi, kiểm soát điểm bài thi của 2 cán bộ chấm thi và 11 cán bộ phục vụ nhập điểm bài thi theo quy định của quy chế...
Đánh giá một cách tổng quát, ông Mai Văn Trinh nhận định: cho đến giờ phút này, các địa phương đã triển khai công tác chấm thi một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm việc chấm thi an toàn, khách quan, chất lượng và tin cậy. Tinh thần là đặt chất lượng lên hàng đầu, không vì sức ép về mặt thời gian…