Thông quan cửa khẩu Việt - Trung: Còn nhiều lo lắng

GD&TĐ - Tại cửa khẩu Lào Cai đã không còn tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo cho thương lái Việt Nam có hàng xuất khẩu đi Trung Quốc.

Hơn 500 xe container chở thanh long ùn tại cửa khẩu khi xuất hàng đi Trung Quốc. Ảnh: Tiền Phong
Hơn 500 xe container chở thanh long ùn tại cửa khẩu khi xuất hàng đi Trung Quốc. Ảnh: Tiền Phong

Thương lái thanh long “méo mặt”

Những ngày qua, khu vực cửa khẩu Lào Cai bị ùn tắc kéo dài do hàng trăm xe chở hàng không được thông quan. Trong số đó, có khoảng 500 xe container chở thanh longxuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc tại khu vực cửa khẩu đường bộ Kim Thành (thuộc Cửa khẩu quốc tế Lào Cai). Thời tiết nắng nóng càng khiến lái xe cũng như thương lái sốt ruột.

Thủ tục xuất khẩu gặp không ít khó khăn khi phía nước bạn siết chặt nguồn gốc xuất xứ. Anh Kim Phúc - chủ hàng xe thanh long tại Cửa khẩu Lào Cai cho biết, mặc dù đã làm thủ tục xuất khẩu bên phía Việt Nam xong nhưng vẫn phải cho xe nằm chờ tại cửa khẩu 2 đến 3 ngày.

“Việc phải nằm chờ tại cửa khẩu gây thiệt hại rất lớn. Chúng tôi phải trả thêm tiền để lái xe cho xe nổ máy liên tục, rất tốn xăng dầu”, anh Phúc nói. Tuy nhiên, theo anh Phúc, mặc dù đã cố hết sức để giữ tươi cho thanh long nhưng đây là loại nông sản dễ hư hỏng nên khi sang được đến Trung Quốc cũng bị ép giá thấp do chất lượng kém.

Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc thông quan, những ngày qua lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Kim Thành đã hướng dẫn xe đỗ thành hàng lối, tránh bị ách tắc cục bộ, bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, Cửa khẩu Kim Thành huy động lực lượng thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm dịch thực vật để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng nông sản thông quan nhanh nhất. Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho biết: “Hiện nay Cửa khẩu Lào Cai đã không còn cảnh ùn tắc, các xe thanh long đã được thông quan hết”.

Nguyên nhân nào dẫn đến ùn tắc?

Tình trạng ùn tắc trên có nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến việc thay đổi chính sách nhập khẩu từ phía Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc thực hiện kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ hàng nông sản. Anh Quang Diễn - một lái xe chở thanh long qua cảng Thành Đạt (Móng Cái, Quảng Ninh) cho biết: “Năm nay bên phía Trung Quốc thay đổi chính sách, mỗi ngày quy định mỗi thương lái chỉ được thu mua lượng thanh long nhất định nên rất nhiều xe bị ùn lại và nằm chờ ở cửa khẩu”. Anh Diễn nhận định, việc hàng trăm xe container bị ùn tắc tại các cửa khẩu do đang là chính vụ thanh long, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở mặt hàng này lên các cửa khẩu.

Một nguyên nhân khác là có nhiều xe chở thanh long xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Những xe này được thương lái phía Trung Quốc lo thủ tục xuất cảnh nên ít nhiều đã khiến việc nhập khẩu qua đường chính ngạch bị ảnh hưởng. Cùng với đó là tình trạng làm giả giấy tờ cho một số xe chở hàng thông quan qua cửa khẩu phía Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc kiểm soát số lượng xe.

Lâu nay, cơ quan chức năng Trung Quốc cấp cho mỗi xe Việt Nam một “biển số điện tử”, được thông quan tự động khi chở hoa quả xuất khẩu. Nhưng thời gian gần đây, một số thương lái Trung Quốc đã làm giả giấy tờ cho một số xe chở hồ tiêu xuất khẩu. Khi phát hiện, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tạm dừng thông quan tự động, chuyển sang kiểm tra trực tiếp, dẫn đến tốc độ thông quan chậm, gây ách tắc như mấy ngày qua.

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Việc thương lái Trung Quốc thu gom thanh long tại vườn và can thiệp trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu hoa quả Việt Nam đã không còn mới lạ. Anh Kim Phúc chia sẻ, trước kia anh nhận cung cấp hàng cho đối tác bên phía Trung Quốc tại cửa khẩu nên việc thông quan diễn ra khá nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, thương lái Trung Quốc đã tới tận vườn thu mua thanh long từ rất sớm nên nông dân và thương lái Việt rất khó kết nối với nhau.

Gần đây, Trung Quốc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Theo đó, bọ xít trái cây (rệp sáp) đã trở thành đối tượng kiểm dịch chính tại Trung Quốc. Nếu loại rệp này xuất hiện trên thanh long thì các công ty Trung Quốc sẽ không thu mua. Ngoài ra, Trung Quốc còn đề ra 3 tiêu chuẩn mới cho thanh long Việt Nam nhập khẩu là: Quả nặng đều, da phải tươi, màu phải đỏ (không quá xanh, không quá đỏ). 

“Việc thương lái Trung Quốc ồ ạt tràn sang các vườn thanh long khiến người dân gần như không tìm được lối ra. Hơn nữa, các thương lái Trung Quốc làm việc rất có tổ chức, tuân thủ chính sách chung thậm chí đầu tư vốn ban đầu nên giá thanh long bị ép xuống rất thấp”, anh Kim Phúc giải thích.

Theo anh Phúc, sau khi thu mua tại vườn, thương lái Trung Quốc sẽ tìm cách đi qua các đường tiểu ngạch để sớm đưa thanh long về thị trường. Việc này khiến nhu cầu thanh long của thị trường Trung Quốc bị “hạ nhiệt”. Vô hình trung, điều đó khiến xe thanh long xuất khẩu qua đường chính ngạch bị ùn ứ.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Đăng Hưng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, phía Trung Quốc cũng trồng nhiều thanh long ở Quảng Tây, nhưng do thổ nhưỡng không phù hợp nên chất lượng không thể bằng thanh long Việt Nam. Chính vì vậy, việc thu mua thanh long Việt Nam của phía Trung Quốc sẽ không hề giảm mà thậm chí ngày càng tăng cao. Nếu các cơ quan chức năng không rà soát và có chính sách hỗ trợ thì thương lái Trung Quốc sẽ ngày càng “làm chủ cuộc chơi” nhập khẩu thanh long của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.