Thông điệp 5 K

GD&TĐ - Bộ Y tế vừa gửi đến người dân thông điệp chống dịch trong tình hình hiện nay bằng 5 chữ K. Đó là: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong 5 từ/cụm từ bắt đầu bằng chữ K nói trên, một số đã được “nới lỏng” do chúng ta đã kiểm soát được dịch từ nhiều tháng qua nhưng có một từ mà dù ở bất cứ trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng phải nhất mực tuân thủ, đó là “khẩu trang”.

Sau TPHCM và Hà Nội, mới đây, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra quy định bắt buộc về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nhiều nơi ở các địa phương này, ban phòng chống dịch Covid-19 đã canh gác rất nghiêm ngặt. Ví dụ như ở một số chợ trên địa bàn Hà Nội, những ai không đeo khẩu trang thì không được vào!

Trừ nhân viên y tế thường xuyên phải sử dụng đến mức thành thói quen, còn chúng ta, đeo khẩu trang như một điều gì đó xa lạ vì nó vướng víu, ngột ngạt, luôn mang lại cảm giác không thoải mái. Vì vậy, không mấy người chịu đeo khẩu trang, ngay cả trong thời điểm đang có dịch.

Thế rồi, sự kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan phòng chống dịch các tỉnh, đặc biệt là ở những nơi công cộng như bến tàu, bến xe, nhà ga, bệnh viện…, việc đeo khẩu trang đối với mọi người đã vào nền nếp. Đến mức, mỗi khi ra đường, không đeo khẩu trang thì cảm thấy “thiêu thiếu” một điều gì, như đội mũ bảo hiểm mỗi khi ra đường vậy.

Tuy nhiên, đó là trong những ngày giãn cách xã hội khi đất nước đang có dịch, sau khi chúng ta kiểm soát được dịch Covid-19 trong cộng đồng, việc đeo khẩu trang cũng bắt đầu… giãn ra. Đây là một dấu hiệu rất đáng quan ngại.

Cũng là bắt buộc nhưng đội mũ bảo hiểm khác với đeo khẩu trang. Mũ bảo hiểm là bảo vệ cho chính cái đầu của mình nếu chẳng may bị tai nạn khi đi xe máy, còn đeo khẩu trang là vừa bảo vệ cho chính mình lại vừa bảo vệ cho cộng đồng.

Đúc rút kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch Covid-19 ở các nước cho thấy, cùng với rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang là một giải pháp tối ưu trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Ban đầu, nhiều nước ở châu Âu và cả ở Mỹ, họ cứ để ai muốn làm gì thì làm, đeo khẩu trang hay không là sự chọn lựa cá nhân, vì vậy, dịch tăng phi mã. Khi mọi người nhận ra tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang thì số người bị dịch đã ngoài tầm kiểm soát.

Vì vậy, ở các nước đang có dịch, thậm chí đã kiểm soát cơ bản được dịch Covid-19 nhưng người dân đã ý thức việc phòng ngừa nên ai ra đường cũng đeo khẩu trang. Ngay cả các nguyên thủ quốc gia, các chính khách “lẫy lừng”, mỗi khi hội họp hoặc tiếp xúc song phương, họ đều đeo khẩu trang. Đến cái bắt tay xã giao quen thuộc, họ cũng thay đổi bằng cách “đụng cùi chỏ” mà thôi.

Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đã kiểm soát tốt được dịch Covid-19 dù nó cũng làm cho đất nước điêu đứng sau mấy lần dịch xuất hiện trong cộng đồng. Đất nước đang bình yên trước dịch Covid-19 như hiện nay là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của toàn dân. Vậy thì không cớ gì chúng ta lại lơi lỏng với chiếc khẩu trang để rồi phải khốn khổ thêm lần nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.