Thời trang xanh lên ngôi ở châu Á

GD&TĐ - Các chuỗi cung ứng thời trang tại châu Á đang dần chuyển đổi từ thời trang nhanh sang xu hướng sử dụng quần áo chất liệu bền, có thể tái chế, nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và tránh lãng phí.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thời trang nhanh là ngành công nghiệp trang phục dùng một lần, được xây dựng dựa trên thị hiếu của người tiêu dùng luôn thay đổi nhanh chóng. Xu hướng này phát triển nhờ những tín đồ thời trang luôn sẵn sàng mua hàng để chỉ dùng một lần, còn các công ty may mặc dựa vào vật liệu và nhân công giá rẻ để sản xuất nhanh đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng “xanh hóa” ngành thời trang, từ việc đánh thuế carbon vào hàng hóa nhập khẩu cho đến mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải.

Trong đó nổi bật là “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” được Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra, đang tác động mạnh mẽ đến các nhà cung ứng thời trang chính của thế giới nằm tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Theo đó, các sản phẩm dệt may muốn đưa được vào thị trường EU sẽ phải đáp ứng các yêu cầu mới như vòng đời sản phẩm dài, có thể sửa chữa, tái chế và được làm từ sợi tái chế, không chứa chất độc hại. Đồng thời sản phẩm thời trang cũng phải được sản xuất trên nền tảng bảo đảm quyền lợi xã hội và môi trường.

Qua đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lâu hơn từ hàng dệt may chất lượng cao có giá cả phải chăng. Điều này dẫn tới xu hướng thời trang nhanh không còn được ưa chuộng và các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng sẽ phát triển rộng rãi.

Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu.

Theo các chuyên gia, với các yêu cầu “xanh” do EU đang đặt ra đối với dệt may, việc kinh doanh thời trang nhanh có vòng đời ngắn với số lượng lớn sẽ dần phải nhường chỗ cho một mô hình sản xuất mới. Trong đó, các nguồn lực sản xuất và sử dụng sản phẩm dệt may sẽ được luân chuyển thông qua việc tái sử dụng.

Điều này được cho là có ý nghĩa quan trọng với môi trường và tài nguyên thế giới, vì theo thống kê của công ty McKinsey, sản lượng hàng may mặc toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 - 2014. Đây là thời kỳ mà người bình thường có tần suất mua nhiều quần áo hơn 60% nhu cầu, trong khi chỉ giữ thời gian sử dụng chúng chỉ bằng một nửa so với trước, gây ra sự lãng phí đáng kể.

Những yêu cầu mới của EU đang khiến các thương hiệu thời trang phổ thông nổi tiếng như Uniqlo và H&M phải làm việc với các nhà sản xuất châu Á để chuẩn bị áp dụng các quy định mới.

Bà Pernilla Halldin, người đứng đầu các vấn đề công của tập đoàn H&M cho biết, tất cả các sản phẩm của công ty nổi tiếng này sẽ được thiết kế để có thể tái chế vào năm 2025. Tại một số cửa hàng H&M, khách hàng có thể mua những chiếc áo khoác cũ để được giảm giá cho lần mua tiếp theo.

Còn Uniqlo đã tổng hợp dữ liệu, bao gồm cả về lượng khí thải carbon và khả năng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Nhà sản xuất quần áo Nhật Bản này cũng đang theo dõi đề xuất của châu Âu và làm việc với các nhà cung cấp châu Á để thực hiện.

Nhiều cửa hàng của Uniqlo cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ sửa chữa quần áo cũ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dệt may bắt đầu nhận thức rằng để có tồn tại trong tương lai họ sẽ phải cải tổ ngành dệt may và áp dụng các tiêu chuẩn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ