Thổi tình yêu dân ca tới học sinh vùng núi

GD&TĐ - Nhằm giúp học sinh vùng núi hiểu thêm làn điệu dân ca của dân tộc mình, đồng thời cũng là cách giáo dục các em gìn giữ bản sắc văn hóa, Trường Tiểu học & THCS A Xing (Quảng Trị) đã mở lớp dân ca, dân vũ Vân Kiều, Pa Kô trong dịp hè, tạo sân chơi cho trò.

Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức (cầm đàn) đang hướng dẫn các em học làn điệu dân ca.
Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức (cầm đàn) đang hướng dẫn các em học làn điệu dân ca.

Học trò hào hứng

Thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) cho biết, 80% học sinh của trường là người Pa Kô, 10% là người Vân Kiều, còn 10% là người Kinh.

Trước nhịp sống hiện đại, thế hệ trẻ dần quên lãng những câu ca, tiếng hát, điệu nhạc của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Nhận thấy nếu không có hoạt động trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ sẽ mai một, mất đi bản sắc văn hóa của 2 dân tộc. Vì vậy, tháng 7 vừa qua, trường đã phối hợp với Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức - người con đồng bào Pa Kô khai giảng lớp dạy hát dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Ngay từ khóa học đầu tiên, đã có hơn 60 học sinh cấp THCS đăng ký tham gia.

Lớp dân ca đã thu hút hàng chục học sinh của Trường Tiểu học&THCS A Xing tham gia.

Lớp dân ca đã thu hút hàng chục học sinh của Trường Tiểu học&THCS A Xing tham gia.

Đây là sân chơi bổ ích, lý thú cho học sinh nơi rẻo cao dịp hè. Thông qua đó giúp các em hiểu và yêu hơn tiếng hát của đồng bào mình. Đồng thời, cũng là cách giáo dục các em kỹ năng khai thác văn hóa truyền thống, sống có trách nhiệm với văn hóa của dân tộc mình.

Em Hồ Thị Lịch – học sinh lớp 8, trú tại thôn A Quan (xã Lìa) chia sẻ: Nhờ tham gia lớp học, em biết được một số bài hát dân ca của người Pa Kô. Các làn điệu dân ca cất lên kết hợp cùng tiếng đàn nghe rất hay, khơi gợi trong em tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Em rất thích và sẽ cố gắng học thuộc bài hát này để chỉ dạy cho các em nhỏ ở bản.

Những nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô, Vân Kiều được nghệ nhân sử dụng kết hợp khi dạy hát dân ca.

Những nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô, Vân Kiều được nghệ nhân sử dụng kết hợp khi dạy hát dân ca.

Còn theo em Hồ Thị Thảo – học sinh lớp 6, trú tại thôn Kỳ Tăng (xã Lìa), Lúc nhỏ, em được nghe khá nhiều câu hát dân ca qua lời ru của bà và mẹ. Nay được các thầy nhiệt tình chỉ dạy khiến em thêm hào hứng trong mỗi tiết học. Những khi rảnh rỗi, em cùng các bạn lại tranh thủ tập lại lời bài hát “Đoàn kết dân tộc” vừa được học. Những câu từ trong bài này nói về Đảng, về Bác Hồ, ca ngợi đất nước quê hương và các bản làng xây dựng nông thôn mới đã giúp em thêm yêu nơi mình đang sống, yêu hơn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Các em học sinh hào hứng học lời bài hát tại một buổi học.

Các em học sinh hào hứng học lời bài hát tại một buổi học.

Giữ gìn văn hóa truyền thống qua câu lạc bộ

Tại các buổi học, học sinh được học các làn điệu, câu hát dân ca của người Pa Kô kết hợp với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc như đàn Ta Lư, khèn bè.

Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức bày tỏ: “Tôi rất vui khi được nhà trường mời tham gia truyền dạy cho học sinh cách hát bài hát dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Hàng chục năm ngược xuôi miền rừng để sưu tầm, biên chép lại các làn điệu dân ca, tôi luôn đau đáu, trăn trở suy nghĩ phải làm cách nào để thế hệ trẻ yêu thích văn hóa của đồng bào mình.

Tôi rất mừng khi học sinh của trường hào hứng và thích thú nội dung buổi trò chuyện của tôi về các bài hát dân ca của đồng bào. Tôi mong sẽ có thêm bạn trẻ biết yêu, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của người đồng bào nơi miền Tây Quảng Trị”.

Trước những hiệu ứng tích cực từ lớp học này mang lại, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học & THCS A Xing cũng đặt ra kế hoạch, trong năm học tới sẽ thành lập các Câu lạc bộ Dân ca truyền thống của đồng bào nhằm gieo niềm yêu thích nét văn hóa đẹp này trong mỗi học sinh của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ