Qua những làn điệu dân ca của đồng bào thiểu số: Thầy giáo “truyền lửa” đến học trò

Qua những làn điệu dân ca của đồng bào thiểu số: Thầy giáo “truyền lửa” đến học trò

Có những phút nản lòng

Thầy Hoàng sinh ra và lớn lên tại xã Đại Tiến thuộc vùng khó khăn của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Trong gia đình không có ai theo nghề nhà giáo nhưng bố mẹ thầy Hoàng luôn cố gắng để nuôi các con ăn học nên người.

Trong những năm tháng đi học, hình ảnh các thầy cô dạy học trò ở những lớp học đơn sơ, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, nhưng đã không quản ngại khó khăn để truyền lửa cho các trò. Điều đó đã thôi thúc thầy Hoàng phải cố gắng để sau này được giống như thầy cô giáo của mình.

Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của thầy Hoàng là năm tốt nghiệp lớp 9. Lúc đó, mọi người ở quê có suy nghĩ là chỉ cần học xong lớp 9 là đủ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi trường cấp 3 cách nhà 8 km nên nếu theo học, thầy sẽ phải đi bộ đến trường hằng ngày. Và điều lo nhất của nhiều bạn học là lấy tiền ở đâu đóng học phí? Một số bạn đã quyết định dừng việc học để ở nhà làm ruộng. Thật may mắn, thầy Hoàng đủ điều kiện được vào học Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng.

Đi học xa nhà nhưng được thầy cô giáo chăm sóc dạy dỗ như trong gia đình, được bạn học coi như anh em ruột, điều đó đã chắp cánh cho thầy Hoàng thực hiện ước mơ. Kết quả sau 3 năm rèn luyện, thầy Hoàng đã thi đỗ Khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc - Thái Nguyên. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp loại giỏi, thầy Hoàng đã nộp hồ sơ dự thi tuyển viên chức ngành Giáo dục và trúng tuyển.

Thầy Hoàng nhận quyết định công tác tại Trường Tiểu học Vân An, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngôi trường ở trên vùng Lục Khu – nơi có 6 xã vùng cao biên giới của huyện Hà Quảng và nổi tiếng vì quanh năm thiếu nước. Lục Khu là những xã vùng núi cao nên giao thông đi lại rất khó khăn. Thầy Hoàng cảm thấy may mắn khi được về công tác gần huyện nhà nhưng từ nhà đến trường là cả chặng đường hơn 50km, đi nhanh cũng phải mất 3 tiếng đồng hồ.

Những ngày đầu công tác, thầy Hoàng không tránh được những phút giây nản lòng, bởi đường sá đi lại vất vả. Việc đến trường dạy học hằng ngày không thể đảm bảo sức khỏe. Nếu ở lại trường thì ở đâu, sinh hoạt hằng ngày thế nào? Lương giáo viên tập sự liệu có trang trải đủ cuộc sống? Thế nhưng, chỉ đến khi ở lại trường, thấy học sinh quá khó khăn mà vẫn ham học, thầy Hoàng lại tạm gác ý định ấy.

“Hoàn cảnh của tôi ngày xưa còn khó khăn hơn các em bây giờ, nếu không có thầy cô giáo lặn lội vài trăm cây số để lên đây dạy học thì làm sao mình có ngày hôm nay. Thế là từ đó tôi càng quyết tâm phải bám trụ ở mảnh đất này”, thầy Hoàng bộc bạch.

Thầy Hoàng cùng HS tham gia chương trình trải nghiệm
Thầy Hoàng cùng HS tham gia chương trình trải nghiệm 

Thầy Hoàng kể: “Nhớ lại dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đầu tiên trong đời dạy học, tôi nhận được sự tri ân của các học trò là những đóa hoa dại ven đường. Những chùm hoa cải dại được các em bọc đơn sơ trong túi nilon, mang đến xếp đầy trên bàn của giáo viên. Tôi còn được xuất hiện thành nhân vật trong những bài văn tả về người mà em yêu quý của HS! Điều đó làm tôi tự hào và hạnh phúc.

Hai năm gắn bó ở nơi đây, đã cho tôi nhiều sự trải nghiệm thú vị cùng rất nhiều kỷ niệm đẹp với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và người dân xung quanh trường. Kỷ niệm đó sẽ theo tôi mãi, không thể nào quên” – thầy Hoàng tâm sự.

Tháng 8/2014, thầy Hoàng được luân chuyển từ Trường Tiểu học Vân An đến Trường Tiểu học Nặm Nhũng (trường thầy Hoàng đang công tác). Trường Tiểu học Nặm Nhũng cũng là trường vùng cao biên giới, điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, khó khăn hơn trường cũ. Nhưng những khó khăn bây giờ không thể cản được ý chí phấn đấu của thầy giáo trẻ.

Dành nhiệt huyết của tuổi trẻ để cống hiến

Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Hoàng đã gắn bó được 5 năm tại ngôi trường này. Vì trường xa nhà, thầy Hoàng quyết định ở lại trường, chỉ cuối tuần mới về thăm gia đình. Với giáo viên xa nhà, phải ở nhờ trong trường cũng có nhiều điều thuận lợi. Hằng ngày, thầy Hoàng cùng đồng nghiệp có cơ hội chăm sóc học sinh bán trú, dạy các em nấu ăn, cách tổ chức cuộc sống tập thể.

Các thầy cô giáo ở lại trường còn có điều kiện hỗ trợ học tập cho những HS yếu và bồi dưỡng thêm cho HS khá. Ngoài thời gian dạy học, thầy Hoàng cùng đồng nghiệp còn thường xuyên đến tận nhà vận động những em có nguy cơ bỏ học. Những buổi chiều, sau khi tan học thầy thường đi bộ theo chân các em đến tận nhà, mục đích để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em.

Thầy Hoàng trong tiết mục văn nghệ
 Thầy Hoàng trong tiết mục văn nghệ

Qua mỗi lần tiếp xúc với phụ huynh học sinh, thầy Hoàng cố gắng tìm hiểu phong tục, tập quán, những phương ngữ dân tộc khác nhau để bổ sung vào vốn kiến thức của mình.

Là giáo viên âm nhạc và Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh của trường, thầy Hoàng đã mạnh dạn đưa các bài dân ca địa phương vào trong giảng dạy, cùng với những bài múa dân gian để hướng các em yêu thích dân ca địa phương. Thầy Hoàng cũng là người sáng tác bài hát truyền thống của trường trên nền nhạc dân ca được mang tên: Bài ca Trường Tiểu học Nặm Nhũng.

Thầy Hoàng cũng từng đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ca khúc lấy nguồn cảm hứng từ phong cảnh rừng núi, tình cảm của người dân vùng cao, từ học sinh thân yêu với thầy giáo. Qua những ca khúc này, thầy Hoàng muốn truyền cảm hứng cho học sinh và nói với các em rằng: Quê hương của chúng ta thật tươi đẹp! Các em cần phải tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Không chỉ tích cực trong phong trào dạy và học, thầy Hoàng còn tham gia công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Thầy đã tổ chức một số chương trình theo chủ điểm từng tháng, để các em được tham gia trải nghiệm, sáng tạo, rèn các kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, lành mạnh được các em hưởng ứng tích cực.

Thầy Hoàng chia sẻ: “Hành trình 7 năm công tác, tôi tự nhủ với lòng mình là phải thật sự cố gắng, đem nhiệt huyết của tuổi trẻ bằng tất cả tình thương cho học trò. Truyền nguồn cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực để các em phấn đấu và quên đi những khó khăn, biết vươn lên trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Các em không được chọn nơi mình sinh ra nhưng các em có quyền được đón nhận và tận hưởng mọi sự quan tâm của cộng đồng và xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ