Cô giáo Hà Tĩnh tâm huyết đưa dân ca ví dặm vào trường học

GD&TĐ - Với sự tâm huyết của mình, cô giáo Phan Thị Thùy Diễm, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, đã và đang nỗ lực đưa dân ca ví dặm vào trường học nhằm lưu giữ giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ.

Cô Thùy Diễm (hàng trên cùng đầu tiên bên trái) người luôn trăn trở đưa dân ca ví dặm đến với học sinh
Cô Thùy Diễm (hàng trên cùng đầu tiên bên trái) người luôn trăn trở đưa dân ca ví dặm đến với học sinh

Đưa văn hóa dân tộc vào trường học

Nhắc đến trường THCS Thành Mỹ (huyện Nghi Xuân), người ta thường nhắc đến ngôi trường với nhiều thành tích học tập luôn nằm top đầu của huyện. Ngoài ra, đây là ngôi trường có liên đội hoạt động vững mạnh nhất là phong trào dân ca, ví dặm. Trong đó cô giáo Phan thùy Diễm (Sn 1986), tổng phụ trách đội là người có công lớn trong việc truyền dạy dân ca, ví dặm cho các em học sinh tại ngôi trường này.

Cô giáo Thùy Diễm sinh ra và lớn lên xã Xuân Giang (huyện Nghi Xuân), mảnh đất nổi tiếng với di sản dân ca, ví dặm. Sau khi Tốt nghiệp khoa Sư phạm nhạc - Trường đại học Hà Tĩnh, cô được phân về công tác tại trường Tiểu học Sơn Tân Hương Sơn năm 2008. Năm 2012, Cô được chuyển về công tác tai trường Tiểu học Cương Gián 1, đến năm 2018, cô chuyển về tại trường THCS Thành Mỹ.

Cô Phan Thị Thùy Diễm, Tổng phụ trách đội trường THCS Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Cô Phan Thị Thùy Diễm, Tổng phụ trách đội trường THCS Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Dù bất kỳ ở ngôi trường nào, cô Diễm luôn tìm tòi các phương pháp để hoạt động Đội thực sự là sân chơi bổ ích cho các em học sinh. Từ suy nghĩ này, cô giáo Diễm đã lồng ghép dân ca ví dặm ở trường được học sinh đón nhận tích cực.

Cô Diễm chia sẻ: “Dân ca ví dặm là một món ăn đặc sản “văn hóa” của người Nghệ Tĩnh. Nhưng theo thời gian, giới trẻ ít mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Muốn di sản này đến gần và được học sinh tiếp nhận, cần phải nắm bắt tâm lý các em để có phương pháp phù hợp”.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các sân chơi để các em học sinh được thể hiện năng khiếu
Nhà trường thường xuyên tổ chức các sân chơi để các em học sinh được thể hiện năng khiếu

Để truyền lửa cho các em học sinh, cô đã lồng ghép hát dân ca vào trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đội, hội thi hay các tiết học âm nhạc. Tất cả những phương pháp này sau đó cũng được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh như: đề tài sáng kiến kinh nghiệm với nội dung “Một số biện pháp đưa dân ca ví, giặm vào trường học qua các tiết học tự chọn môn Âm nhạc lớp 4, 5 và hoạt động ngoại khóa có hiệu quả” đạt bậc 4 cấp tỉnh...

“Dưới sự dẫn của cô Diễm đã đưa liên đội trường THCS Thành Mỹ từ một liên đội bình thường trở thành liên đội xuất sắc trong ngành giáo dục toàn huyện Nghi Xuân. Trường chúng tôi cũng là mô hình kiểu mẫu để các trường khác trên địa bàn học tập và nhân rộng”, cô Ngụy Thị Tố Tâm, Hiệu trưởng trường THCS Thành Mỹ ghi nhận.

 “Cánh én hồng” thắp lửa đam mê

Theo cô Diễm, để dân ca ví dặm thực sự được học sinh đón nhận, bản thân mình phải là người đam mê và thường xuyên tìm tòi những tiết mục hay, gây hứng thú cho học trò. Ngoài ra, cần có sự chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của BGH nhà trường và sự phối hợp của giáo viên giữa các chi đội.

“Chính sự giúp đỡ của đồng nghiệp, sự tin yêu của học sinh, niềm đam mê với hoạt động đoàn đội là động lực lớn để bản thân vượt qua những khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao” - cô giáo Phan Thị Thùy Diễm chia sẻ.

Hiện nay, cô giáo Phan Thùy Diễm còn xây dựng Câu lạc bộ dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh ngay tại trường học với hơn 50 thành viên, trong đó có 6 giáo viên tại trường. Hằng tháng, CLB thường sinh hoạt với nhiều chủ đề chủ điểm khác nhau. Để làm mới loại hình này, cô giáo Diễm thường sáng tác các làn điệu mang nội dung thời đại, gần với giới trẻ như:  thời trang, các môn học, tình bạn, ATGT… Năm học 2021-2022 chỉ mới bắt đầu nhưng CLB đã có 50 em học sinh đăng ký xin gia nhập hội viên.

Cô Diễm còn là hạt nhân của các phong trào văn nghệ quần chúng
Cô Diễm còn là hạt nhân của các phong trào văn nghệ quần chúng

“Khi mới tiếp cận, dân ca ví dặm rất khó để hát, nên tôi thường lựa chọn những nhịp điệu dễ nhất, vui tươi để bắt đầu. Những nội dung các gần với giới trẻ càng gây hứng thú cho các em. Sau khi tập thành thạo tôi thường xin ý kiến nhà trường để tạo các sân chơi, diễn đàn để các em được thể hiện và trải nghiệm, thậm chí là thi tài…” cô Diễm cho hay.

Trong quá trình dạy hát, cô giáo Diễm phát hiện và ươm mầm cho những học sinh có năng khiếu về loại hình nghệ thuật này. Trong đó có em Lê Trần Xuân Thảo (lớp 9A), Liên đội trưởng của trường, Thảo cũng vừa giành danh hiệu Chỉ huy đội Xuất sắc của tỉnh Hà Tĩnh năm 2021.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên hoạt động của CLB trong năm học mới vẫn đang tạm thời bị gián đoạn. Để khuyến khích niềm đam mê của các em, cô giáo Diễm vẫn thường xuyên đăng tải các bài dân ca ví dặm mới trên trang cá nhân.

Ngoài phong trào ở trường, cô giáo Phan Thị Thùy Diễm còn là tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng và giành nhiều giải thưởng như:  giải A tại liên hoan “Hò ví dặm Nghệ Tĩnh” năm 2012, Giọng hát hay nhất tại liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Giải A tại liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng Quân khu 4… Năm 2018, cô Thùy Diễm đã vinh dự nhân danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Với những đóng góp của mình, năm 2021, cô giái Diễm là giáo viên duy nhất của Hà Tĩnh đạt giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2021 do Hội đồng Đội Trung ương trao tặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ