Xử phạt vi phạm giao thông trực tuyến: Chặn tiêu cực ra sao?

Xử phạt vi phạm giao thông trực tuyến: Chặn tiêu cực ra sao?

Hình thức này liệu có ngăn chặn được tiêu cực trong quá trình xử phạt hay không? Đây đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Mở rộng trên cả nước

Từ 1/7, người dân cả nước có thể nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) và nhận giấy tờ tại nhà. Để hỗ trợ thuận tiện cho người dân, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp thêm 6 dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên CDVCQG. Trong đó, có nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Người dân cả nước có thể truy cập vào trang web của CDVCQG (dichvucong.gov.vn) để nộp phạt. Thời gian hệ thống cập nhật quyết định xử phạt là 7 ngày. Sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, người dân nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt. Sau đó thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai.

Từ đó, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện. Như vậy, người dân không phải đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền và đến trụ sở công an lấy lại giấy tờ, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại.

Trước đó từ tháng 3/2020, việc nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến được thí điểm tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận.

Có tiêu cực khi xử lý vi phạm?

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của thanh tra giao thông và các đơn vị thuộc cấp phòng trở lên của CSGT. Vậy khi nộp phạt trực tuyến có ngăn chặn được tiêu cực trong quá trình xử phạt hay không? Cũng đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Lý giải về nội dung trên, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng CSGT Bộ Công an cho biết: "Việc nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến là hướng rất đúng so với xu thế phát triển của công nghệ và thời đại. Mỗi năm chúng tôi xử phạt gần 5 triệu trường hợp vi phạm, nếu chỉ cần cải cách không phải in 1 quyết định xử phạt thì đã tiết kiệm cho Nhà nước 5 triệu tờ giấy và việc theo dõi".

Theo Đại tá Bình, nộp phạt qua CDVCQG góp phần phòng chống tiêu cực, ngăn ngừa tham nhũng vặt. Đại tá Đỗ Thanh Bình khẳng định: "Khi một vi phạm đã được thiết lập biên bản và ra quyết định xử phạt thì đã là giấy trắng, mực đen, người dân yên tâm là không có chuyện tiêu cực".

Thông tin về các trường hợp xử phạt trực tuyến, Đại tá Bình cho hay, tính đến 6 giờ sáng 1/7, lực lượng CSGT toàn quốc đăng vào CDVCQG là 13.000 trường hợp, trong đó có 11.000 trường hợp có quyết định. Nhiệm vụ của lực lượng CSGT là cung cấp nhanh nhất cho người dân các thông tin liên quan, để người dân lựa chọn các hình thức thực hiện quyết định xử phạt.

"Chúng tôi gặp một số vướng mắc, cụ thể Luật Xử lý vi phạm hành chính, nghị định hướng dẫn và các quy định hiện hành không quy định điền số điện thoại trong mẫu biên bản vi phạm hành chính, đây là điều rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân", Đại tá Bình nói.

Đại tá Bình cũng cho biết, một khó khăn khác là người dân phải có tài khoản, có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thì mới chủ động được. Để người dân thực hiện dịch vụ đó thì còn cần sự phối hợp và nghiên cứu rất kỹ của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đặc biệt là Kho bạc Nhà nước và các đơn vị được ủy quyền của Kho bạc Nhà nước được thanh toán.

"Chúng tôi phối hợp với Kho bạc Nhà nước định danh số hóa sẽ nộp phạt, ví dụ 981 là xử phạt trong lĩnh vực đường bộ, 982 là đường thủy, 983 là đường sắt", Đại tá Bình thông tin.

Mặc dù mã số của các đơn vị đã được mã hóa hết để người dân thuận lợi hơn, nhưng theo ông Bình, điều quan trọng nữa là phải đổi mới quy trình xử lý vi phạm hành chính hiện nay. "Ví dụ đối với trường hợp phải tước GPLX cần phải 5 ngày để giải trình thì sẽ chậm, chúng tôi đã tham mưu để Chính phủ và Quốc hội ban hành Luật Đảm bảo an toàn trật tự ATGT, trong đó thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là giảm hành vi bị tước, tăng phạt tiền và chỉ điểm", Đại tá Bình nêu ví dụ.

Còn theo Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), từ ngày 12/3/2020 đến 30/6/2020, đơn vị đã chia sẻ thông tin về gần 500 trường hợp vi phạm giao thông lên CDVCQG. Đã có gần 500 người dân đăng ký giải quyết những vi phạm liên quan đến giao thông qua dịch vụ đóng tiền phạt tại nhà.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), trong quá trình xử phạt vi phạm giao thông đều tuyên truyền, hướng dẫn người dân thông qua CDVCQG để tiến hành nộp phạt các lỗi vi phạm, tiết kiệm thời gian đi lại nhưng chưa nhiều người thực hiện theo cách này.

Đội trưởng CSGT số 1 cũng cho biết, qua thời gian thí điểm, có thể rút ra một số nguyên nhân khiến người dân chưa "mặn mà", bởi người vi phạm giao thông đều đã có tuổi, ngại sử dụng công nghệ thông tin.

Hơn nữa, một số người sinh sống quanh địa bàn Hà Nội vẫn có thói quen đến tận trụ sở của Đội giao thông hoặc ra kho bạc để giải quyết vi phạm và nộp phạt.

Trong thời gian tới, Phòng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao phương pháp tuyên truyền, ngoài tuyên truyền bằng miệng như hiện tại, có thể phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách thức để thực hiện việc nộp phạt trực tuyến như: Cách truy cập vào CDVCQG, cách đăng nhập tài khoản, cách nộp tiền phạt online...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ