Ưu đãi chính sách nhằm thu hút nhân lực công nghệ cao

GD&TĐ - Bộ Tài chính mới đây đã bổ sung quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao vào Dự thảo tờ trình Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ưu đãi chính sách nhằm thu hút nhân lực công nghệ cao

Khuyến khích sự phát triển

Giảm thuế thu nhập cá nhân cho lao động chất lượng cao được nhận định sẽ tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp các doanh nghiệp đi tắt đón đầu để có thể cạnh tranh với các nước phát triển. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại cho biết hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sự phát triển - trong đó chưa có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ vượt trội để thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại đây.

Thực tế, trong Luật Công nghệ cao của Việt Nam quy định giao Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó bảo đảm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghệ phải phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất nước, có tính khả thi và đáp ứng một trong các điều kiện cụ thể.

Tháng 5 năm 2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam, nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Điều này dẫn tới nguồn nhân lực ngành công nghệ cao ở Việt Nam hiện đang thiếu trầm trọng.

Đánh giá về việc ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao, các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút nhân lực công nghệ cao, góp phần khuyến khích sự phát triển của ngành...

Lợi cả đôi đường

Đề nghị bổ sung quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với nhân lực công nghệ cao của Bộ Tài chính được hầu hết các doanh nghiệp và chuyên gia ủng hộ. Bởi để thu hút nhân lực và người tài, điều đầu tiên cần phải có là chính sách thuế hợp lý. Ngoài ra cũng cần đơn giản phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế...

Theo các chuyên gia, song song với chính sách giảm thuế, thu nhập người lao động chắc chắn sẽ cao hơn trước, đồng thời doanh nghiệp công nghệ thông tin lại không mất thêm chi phí. Do đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ chính sách này, khi có thêm sản phẩm chất lượng, mà giá thành lại không thay đổi, giúp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, khi xây dựng chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin cần xác định những hiệu ứng lan tỏa xét trên góc độ lợi ích chung. Bởi hiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin đang thấp hơn chính sách ưu đãi trong giai đoạn 2001 - 2008. Nguyên nhân là do Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân... khi có hiệu lực đã loại bỏ các gói giải pháp của Chính phủ ưu đãi về thuế trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong khi đó, ở các nước có ngành công nghệ thông tin rất phát triển như: Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines... trong những năm gần đây họ đều dành rất nhiều chính sách ưu đãi để phát triển - trong đó có chính sách thuế, tập trung vào miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, hoàn thuế GTGT...

Báo cáo nghiên cứu mới đây của Công ty tuyển dụng trực tuyến Vietnam Works, hiện nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng. Dự kiến, đến năm 2020, sẽ thiếu hụt khoảng 500.000 nhân lực, tương đương với gần 80% tổng số nhân lực công nghệ thông tin mà thị trường cần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ