Uống nước nhớ nguồn và nghĩa cử của dân tộc ta

GD&TĐ - Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” việc tri ân đối với người có công không chỉ dừng ở những việc làm cụ thể, những thời điểm cụ thể mà phải trở thành ý thức, trách nhiệm, nghĩa cử mọi người trong xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ, 27/7, Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, một tác giả quen thuộc trên Giáo dục và Thời đại.

Ở bài viết này, ông nhắc tới truyền thông tri ân, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, tới các việc làm, hành động cụ thể để chăm sóc, biết ơn người có công của Đảng và Nhà nước ta.

Báo giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu.

Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Cần thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an sinh con người”. Đây cũng là nội dung quan trọng về “định hướng XHCN” trong cơ chế thị trường hiện nay.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội cần hết sức lưu ý đến chính sách người có công với cách mạng.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng giành chính quyền và qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới, biết bao gương hy sinh anh dũng, cao cả vì nền độc lập tự do và xây dựng CNXH.

Nhận rõ điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến chính sách đãi ngộ đối với người có công với cách mạng, đặc biệt là các đối tượng diện anh hùng, thương binh, liệt sĩ.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về “Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo và cải thiện đời sống người có công với cách mạng” đã được Nhà nước cụ thể hóa ở nhiều chính sách xã hội.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 51/QH10, Pháp lệnh số 26/PL-UBTVQH, Pháp lệnh số 30/PL-UBTVQH, gần đây thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều về ưu đãi người có công với cách mạng, tiếp đến là Nghị định 70/NQ-CP ngày 6/6/2017 cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống tốt hơn đối với người có công, đảm bảo đời sống của người có công và gia đình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của dân nơi trú.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Chúng ta đã chăm sóc tốt những người có công, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo thương binh, các gia đình liệt sĩ và phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc”.

Nhìn chung các chính sách hỗ trợ, chế độ ưu đãi đối với các đối tượng thuộc diện chính sách ngày càng đầy đủ, chu tất và bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống.

Mức trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, cùng với các ưu đãi về đất ở, nhà ở, chính sách sức khỏe, giáo dục… đã góp phần bảo đảm mức sống ngày càng tốt hơn cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Tính ưu việt của chế độ ta không chỉ được thể hiện ở việc chăm lo diện những người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ bằng sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) mà còn khơi dậy được phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” rộng khắp trong cả nước, bằng chủ trương xã hội hóa đã xuất hiện nhiều cách làm và việc làm tình nghĩa, sáng tạo.

Nhiều phong trào từ quy mô ở một địa phương được tổng kết, nâng lên và nhân rộng ra cả nước, như phong trào: “Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Xóa nhà tranh tre dột nát”, “Nhà đại đoàn kết”, “Nhà cho hộ chính sách, hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà”, “Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Tìm hài cốt liệt sĩ”...

Nhiều nơi đã có những sáng kiến như đỡ đầu con em thương binh, liệt sỹ, chăm sóc gia đình thân nhân liệt sĩ, chăm sóc tu tạo nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, ngày tết... góp phần lan tỏa thành nghĩa cử tri ân của toàn dân chăm sóc người có công, thương binh, thân nhân liệt sĩ.

Tuy vậy, hiện nay một số quy định liên quan đến việc xác nhận người có công, thực hiện chính sách ưu đãi vẫn còn có nhiều chồng chéo, bất cập đang gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện.

Đối tượng thuộc diện hưởng thụ chính sách ưu đãi được mở rộng, chế độ ưu đãi ngày càng được nâng cao nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ được thực trạng cũng như cầu thực tế, nguyện vọng chính đáng của đối tượng có công.

Vẫn còn nhiều đối tượng có công thuộc diện thương binh, liệt sĩ chưa được công nhận do một số điểm trong thủ tục xác minh khó có khả năng thực hiện mà vẫn chưa được điều chỉnh; bên cạnh đó còn có hiện tượng tiêu cực gây phiền hà ở một số nơi trong việc xác nhận thương binh, liệt sĩ và gia đình chính sách.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt là ở lĩnh vực về xã hội.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, trong đó có các đối tượng thuộc diện có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ và gia đình chính sách.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” việc tri ân đối với người có công không chỉ dừng ở những việc làm cụ thể, những thời điểm cụ thể mà phải trở thành ý thức, trách nhiệm, nghĩa cử mọi người trong xã hội, phải điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế, được chuẩn hóa bằng các chủ trương và giải pháp mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Điều này còn có ý nghĩa lớn ở chỗ góp phần quan trọng củng cố niềm tin vào bản chất nhân văn và tính ưu việt của chế độ, khơi dậy lòng yêu nước và ý chí cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.