Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng

Nhìn nhận về cuộc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá: "Cuộc triển lãm có ý nghĩa rất lớn, giúp người Việt Nam cũng như quốc tế thấy rõ hơn cơ sở khoa học, pháp lý về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam".

Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng
Câu chuyện cảm động của nhân chứng lịch sử
Từ 15/7- 15/8, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam".
Tại triển lãm, hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật giới thiệu những bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy.

Nhìn lại những bức ảnh chụp của gia đình mình tại Hoàng Sa hơn 70 năm về trước, Đại tá Trần Quân Bảo - nhân chứng lịch sử tỏ ra vô cùng xúc động. 

Ông kể: "Vào cuối năm 1938, bố tôi là cụ Trần Văn Phước (1906 - 1978) là cán bộ chuyên môn kỹ thuật về vô tuyến điện do Pháp đào tạo, được chính quyền bảo hộ Pháp bổ nhiệm làm ở trạm Vô tuyến điện đảo Hoàng Sa (khi đó gọi là đảo Paracels) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày nay. 

Họ đã đồng ý để bố tôi được đưa gia đình đi theo, vì lý do cả ba anh em tôi đều còn rất nhỏ, mình mẹ ở lại Hà Nội không thể chăm sóc được. 

Vì thế, gia đình tôi gồm bố mẹ và ba anh em chúng tôi đã trở thành những cư dân sinh sống và làm việc ở đảo Hoàng Sa từ những năm 1938 đến giữa năm 1940. 

Nhiệm vụ của bố tôi khi ấy là chuyển tải những thông tin về thủy văn của trạm thủy văn tại Hoàng Sa cũng như những thông tin về việc thực thi chủ quyền của người Việt dưới thời Pháp thuộc tại quần đảo này. Cảnh vật và cuộc sống trên đảo đã để lại trong ký ức tuổi thơ của tôi nhiều ấn tượng sâu đậm".

Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng - Ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Anh hùng vũ trụ Liên xô Giéc-man-ti-tốp trên tàu Hải lâm đi thăm vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, tháng 1/1962.

Nhìn vào hình ảnh trưng bày khu Trung tâm hành chính của Quân đội Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên đảo Hoàng Sa, Đại tá Bảo nói, ông có thể nhận ra một số hình ảnh quen thuộc đã khắc sâu vào trí nhớ của ông, dù khi đó ông mới chỉ lên 5, lên 6. 

"Khi mới ra Hoàng Sa, cảnh vật trên đảo đều hết sức lạ lẫm với một đứa trẻ như tôi. Mẹ và hai em tôi cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên, thích thú với những cột vô tuyến điện cao hàng chục mét, cao hơn cả những cột điện ở Hà Nội. 

Tôi cũng thắc mắc với bố về những "ngôi nhà không mái" dựng khắp đảo, sau đó ông giải thích tôi mới biết, nhà mái bằng là để tránh bị tốc gió và hứng được nhiều nước mưa. 

Dưới nền nhà bao giờ cũng có hầm chứa nước luôn, để tích trữ nước ngọt dùng quanh năm. Mỗi lần mẹ dắt ba anh em chúng tôi đi dạo quanh đảo là mọi người rất quý, hay bế chúng tôi đi chơi. 

Khi gia đình tôi bắt đầu ra đảo thì lúc đó tôi mới 5 tuổi, em gái thứ hai 3 tuổi, còn em trái út mới 1 tuổi. Hiện nay, hai em tôi đều đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh", vị Đại tá già nhớ lại.

Theo lời kể của ông Bảo, những năm gia đình ông ra ở Hoàng Sa, ông nghe người lớn nói, ở đó vốn có một trung đội lính Việt do một chỉ huy người Pháp giữ đảo. Tàu cá của các ngư dân Việt Nam cũng dừng chân trên đảo xin nước ngọt hay trú bão thường xuyên. 

Trong hồi ức của ông: "Trước khi gia đình tôi ra đảo Hoàng Sa đã có rất nhiều người Việt Nam ở ngoài đấy, có rất nhiều công trình kiên cố, ví dụ lúc đó Pháp đã xây xong trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện... Cả nhà tôi ra đảo ở gần hai năm, sau đó có người khác ra làm nhiệm vụ thay bố tôi thì cả gia đình lại về đất liền. 

Sau này, nghe bố kể lại, tôi mới biết, người ra đảo Hoàng Sa làm ở trạm Vô tuyến điện đầu tiên là ông Ngô Thế Duông, người Đáp Cầu, Bắc Ninh. ông Duông ra đó làm nhiệm vụ lắp đặt máy, khi lắp đặt xong thì chuyển giao cho bố tôi tiếp nhận và khai thác sử dụng".

Những bằng chứng không thể chối cãi
Chia sẻ cảm xúc với chúng tôi, Đại tá Trần Quân Bảo khẳng định: "Những điều tôi được thấy, được biết trong hai năm gia đình mình ở Hoàng Sa là những bằng chứng khẳng định từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước đã có rất nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc chúng ta. Cái gì đã là của Việt Nam, sẽ mãi mãi thuộc về Việt Nam".

Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng - Ảnh 2

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu cùng quan khách thăm triển lãm.
Tại cuộc triển lãm, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu cũng thẳng thắn: "Chúng ta khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở các tư liệu lịch sử của Việt Nam cũng như tư liệu lịch sử của quốc tế như Pháp, Đức, Ý...

Chủ quyền của chúng ta đối với hai quần đảo này là có cơ sở pháp lý, không thể tranh cãi. Về khách quan mà nói thì đó là cơ sở quốc tế, từ thời Pháp thuộc hoặc các nước thường xuyên có hoạt động giao thương trên Biển Đông, họ đã lưu lại các bản đồ trên sách đều thể hiện điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. 

Thứ hai, về bản đồ của Trung Quốc cũng như của Việt Nam, ở các triều đại từ khi dựng nước đến bây giờ, thì bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc, điểm cực Nam cũng chỉ đến đảo Hải Nam. Còn bãi cát vàng (nay gọi là Trường Sa, Hoàng Sa) thuộc về chủ quyền của Việt Nam.

Thứ ba, các nhân chứng lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn có cả các nhà khoa học, sử học của rất nhiều nước trên thế giới, họ vẽ bản đồ thế giới đều thể hiện chủ quyền của Trung Quốc điểm cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam. 

Năm 1974, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để đánh chiếm Hoàng Sa của chúng ta, chủ quyền đó đã được Chính phủ của Việt Nam Cộng hòa làm chủ rồi, chứ không có cơ sở nào thể hiện Hoàng Sa là của Trung Quốc.

Thứ tư, khi khẳng định chủ quyền thì phải tôn trọng các văn bản mà chính Trung Quốc đã ký như: ở Hiệp định Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) năm 1954, chính Chính phủ Trung Quốc đã ký, họ thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; rồi Luật Biển 1982 Trung Quốc cũng ký hay Hiệp ước DOC họ cũng ký... Ta có cơ sở pháp lý liên tục, chứng cứ đầy đủ về lịch sử cũng như các văn bản".
Theo tướng Hiệu, cuộc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam" rất có ý nghĩa để cho không những người Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như quốc tế thông qua đó thấy rõ hơn cơ sở khoa học và pháp lý về vấn đề chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề này chính những học giả và các nhà khoa học Trung Quốc họ cũng thừa nhận.
"Tôi tin tưởng cuộc triển lãm sẽ giúp người Việt Nam cũng như người nước ngoài, trong đó có cả người Trung Quốc có cái nhìn khách quan, trung thực về cơ sở khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chân lý, pháp lý và chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng", tướng Hiệu khẳng định.
Thượng tá Phạm Văn Phi, Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm và hướng dẫn nghiệp vụ thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, để có hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày trong cuộc triển lãm, các cán bộ chiến sỹ của Phòng phải đi sưu tầm rất nhiều nơi trong thời gian ngắn như Bộ Tư lệnh Hải quân, vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...

Trong đó, có rất nhiều hiện vật quý giá, lần đầu tiên công bố, như những hiện vật phản ánh hoạt động từ năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. 

Rồi, những hiện vật phản ánh Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma năm 1988, có 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, những hiện vật liên quan vẫn lưu giữ được đến bây giờ như: Cáng thương, bi đông, mặt nạ, ống thở của chiến sỹ dùng... Dự kiến, cuộc triển lãm mở cửa trong vòng một tháng.

Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

Chính ủy Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Lê Văn Hoàng chia sẻ: "Tôi thực sự xúc động trước những hình ảnh, tư liệu, hiện vật đã tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Đây là những bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, đã tôn vinh, tri ân những cống hiến, đóng góp to lớn của các lực lượng giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ghi nhận sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, bạn bè quốc tế".

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.