TPHCM: Chậm thông tin về ô nhiễm không khí do... bất ngờ!

GD&TĐ - Chiều 9/10, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN&MT) tổ chức họp báo về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TPHCM. 

Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường, thông tin với báo chí
Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường, thông tin với báo chí

Trả lời câu hỏi báo giới về lý do đến nay mới họp báo cung cấp thông tin, ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường (thuộc Sở TN&MT TPHCM) cho biết, hiện tượng mù quang hóa năm nay xảy ra sớm, nằm ngoài dự đoán của Trung tâm.

Cung cấp thông tin về môi trường chậm?

Theo ông Cao Tung Sơn, trong thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 18/9/2019 đến ngày 25/9/2019, xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đây là hiện tượng tự nhiên thường xảy ra ở những TP lớn, và một phần do hoạt động giao thông đô thị, xả thải của người dân TP tạo nên.

Trả lời câu hỏi báo giới về lý do đến nay mới họp báo cung cấp thông tin, ông Cao Tung Sơn cho biết, hiện tượng mù quang hóa thường diễn ra trong khoảng thời gian giao mùa (thu-đông; đông-xuân) từ tháng 10-1. Tuy nhiên, năm nay mù quang hoá xảy ra sớm vào tháng 9, nằm ngoài dự đoán của Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó, Trung tâm đã quan trắc định kỳ, thường xuyên và liên tục nhưng làm thủ công nên phải có thời gian để phân tích kết quả. Sau khi có kết quả mới thông tin đến người dân.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan thông tấn
 Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan thông tấn

Ông Cao Tung Sơn cũng cho biết các bảng thông tin điện tử do Sở Giao thông vân tải TPHCM quản lý, vận hành. Do đó để người dân nắm thông tin Sở TN&MT đã phối hợp với Sở GTVT để đưa thông tin lên 48 bảng điện tử. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế do thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu, sau đó mới đưa lên bảng điện tử.

Ô nhiễm môi trường sẽ giảm trong mùa mưa

Trả lời câu hỏi báo giới về tình hình môi trường TP trong điều kiện thời tiết hiện nay, ông Cao Tung Sơn cho hay, trong mùa mưa thì không khí dễ chịu và sạch hơn do đó ô nhiễm môi trường sẽ giảm.

Với câu hỏi “Trong thời gian sắp tới việc thông tin quan trắc đến người dân có còn chậm nữa không?”. Ông Cao Tung Sơn thông tin thêm, trung tâm sẽ cố gắng xử lý cung cấp số liệu cho người dân được nhanh hơn. Đồng thời, đến năm 2020 TP sẽ hoàn tất việc lắp đặt 9 trạm quan trắc tự động (không khí, nước mặn, lún...) để kịp thông tin môi trường đến người dân; và đến năm 2030, hệ thống quan trắc của TP sẽ có 18 trạm.

Nguyên nhân ô nhiễm do bụi lơ lửng và mức ồn gây ra?

Hiện tượng mù quang hóa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân TPHCM
 Hiện tượng mù quang hóa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân TPHCM

Hiện Sở TN&MT TPHCM đang triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí quan trắc với tần suất 10 ngày trong tháng vào 02 thời điểm (7g30 – 8g30 và 15g00 – 16g00). Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy: 

 Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 05:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và QCVN 26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn).

 Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn  cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019, vượt quy chuẩn cho phép.

Nhìn chung nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.

Theo đó, tại TPHCM, “mù quang hoá” thường được hình thành trong các ngày diễn ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ mạnh mẽ làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán ô nhiễm dẫn đến việc tích tụ ô nhiễm, đặc biệt trong khu vực nội thành.

Hiện tượng này diễn ra theo chu kỳ vào khoảng tháng 9, 10 hoặc tháng 1 hàng năm, kéo dài trong khoảng 6 – 7 ngày; trong 5 năm gần đây (2015 – 2019), hiện tượng mù quang hóa đã xảy ra vào các thời điểm như sau: Từ ngày 01/10/2015 – 7/10/2015; từ ngày 12/10/2016 – 15/10/2016; từ ngày 16 – 18/01/2018 và  từ ngày 18/9/2019 đến 25/9/2019... 

Làm gì khi xuất hiện hiện tượng mù quang hóa?

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khuyến cáo người dân (đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai) trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa:

- Hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm;

- Khi tham gia giao thông đặc biệt là trên các đường xa lộ, cao tốc người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù… để đảm bảo an toàn giao thông;

- Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý;

- Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống;

- Hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa;

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.