Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao

GD&TĐ - “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện chiều ngày 17/10.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Chương trình giao lưu trực tuyến nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Tham gia buổi Giao lưu trực tuyến có TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, TP Hồ Chí Minh; Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (HBA).

Phát biểu khai mạc cuộc Giao lưu trực tuyến, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: Chỉ thị 24/CT-TTg đặt mục tiêu theo lộ trình đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Trong đó đánh giá, những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN;…

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã trao đổi thắng thắn, tâm huyết, nêu ra những thuận lợi cũng như những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ. Tập trung thảo luận để tìm ra những giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để trả lời, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, chế độ, chương trình học tập giáo dục nghề nghiệp, xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động,... hiện nay.

Các chuyên gia đồng ý rằng, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, cần phải tìm ra động lực mới, và động lực chính vẫn xác định con người là nhân tố trung tâm. Đây cũng chính là khâu đột phá mà Đại hội XI và Đại hội XII đã xác định là tập trung đào tạo để có được nguồn nhân lực có chất lượng cao để có thể tạo ra bước phát triển mạnh mẽ hơn.

TS Phạm Tất Thắng cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, có một lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 56 triệu. Lực lượng này là nguồn lao động được đánh giá dồi dào, thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại.

TS Phạm Tất Thắng -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
TS Phạm Tất Thắng -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Việc đào tạo lực lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. Doanh nghiệp khi tuyển dụng còn nhiều băn khoăn về trình độ tay nghề kỹ năng lao động, ý thức lao động. 

Theo TS Phạm Tất Thắng có nguồn lực về mặt số lượng dồi dào nhưng nếu không tận dụng tốt lực lượng lao động này sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và cơ hội không quay lại nữa. Trong bối cảnh Việt Nam vừa ký một loạt định thương mại tự do thế hệ mới thì đây là một cơ hội vàng cho Việt Nam. Những hiệp định này vừa là cơ hội về cơ chế chính sách, vừa tận dụng được tốt nguồn nhân lực đang ở giai đoạn dân số vàng.

Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chỉ thị 24 trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề.

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị kiến thức, kỹ năng thái độ nghề nghiệp cho người học, mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Chính vì thế, sự ra đời của Chỉ thị này của Bộ Chính trị ngay từ cái tên đã cho thấy quan điểm này. Đây là vấn đề rất mới. 

Có ba nhóm vấn đề cần quan tâm trong Chỉ thị đã đặt ra là: Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20; triển khai nhiều chương trình, đề án, hoạt động gắn với đổi mới GDNN; và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 11/8/2020 để triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg.

Kế hoạch gồm bốn nhóm nội dung: Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường công tác truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp và Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Tổng cục GDNN đã ban hành Quyết định 607/QĐ-TCGDNN ngày 21/9/2020 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quyết định 980/QĐ-LĐTBXH. Tại Quyết định này, Tổng cục GDNN đã triển khai bốn nhóm nội dung thành 24 nhiệm vụ cụ thể và phân công cho các vụ, đơn vị của Tổng cục triển khai thực hiện.

Buổi giao lưu đã làm rõ được nhiều vấn đề về cơ chế chính sách, cũng như các vấn đề cụ thể tại nhà trường, doanh nghiệp. Bước đầu phản ánh bức tranh tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hội nhập kinh tế quốc tế trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ