Sa Ná hoang tàn sau lũ dữ

GD&TĐ - Trận lũ kinh hoàng quét qua vùng đất biên cương Sa Ná, thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) để lại cảnh hoang tàn, đổ nát. Cơn “đại hồng thủy” đã cướp đi mạng sống của nhiều người, gây ra những nỗi đau không thể bù đắp...

Lũ về, kéo theo vô số cây gỗ tràn xuống bản Sa Ná.
Lũ về, kéo theo vô số cây gỗ tràn xuống bản Sa Ná.

Cao Phong Sa Ná hoang tàn, đau thương

Những ngày qua, vùng trời biên giới Na Mèo mưa vẫn đổ. Nước sông Luồng từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, đỏ ngầu. Muốn đến được với bản Sa Ná, phải vượt sông Luồng từ bản Bo Hiềng, xã Na Mèo để đi vào. Thế nhưng, con đường này đã bị nước lũ san phẳng. Chúng tôi phải lùi xuống xã Sơn Thủy, qua bản Xuân Thành, rồi cắt rừng đi bộ chừng 3 giờ đồng hồ.

Chạm chân vào Sa Ná, tôi không tin vào những gì diễn ra trước mắt mình. Cảnh hoang tàn, đổ nát, tang thương trải dài cả một thung lũng vốn dĩ yên bình. Hàng chục ngôi nhà của người dân bị dòng lũ dữ cuốn trôi, xô sập, xiêu vẹo. Đường đi, lối lại tràn ngập bùn đất lẫn vô số thân cây gỗ lớn bị lũ cuốn từ trong rừng sâu ra. Những ánh mắt thẫn thờ, ngơ ngác của người dân trước sự mất mát, đau thương vừa xảy ra đầy ám ảnh.

Sa Ná có 72 hộ dân, gần 300 nhân khẩu, được chia làm 3 khu. Vùng đất này từ khi lập bản đến nay vốn dĩ rất bình yên. Bỗng dưng, trận lũ lịch sử kinh hoàng ập về, khiến hơn 20 ngôi nhà của người dân bị cuốn trôi, xô sập. Bao nhiêu mồ hôi, công sức, tài sản của bà con bỗng chốc trôi theo dòng lũ. Đau thương hơn, Sa Ná có tới 15 người dân bị mất tích từ ngày 3/8. Đến ngày 4/8, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã tìm thấy, cứu sống được 5 người. Còn lại 10 người, thì tới ngày hôm qua (5/8), lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực tìm kiếm.

Cụ bà Hà Thị Yến đau xót trước cảnh mất mát do lũ gây ra
  • Cụ bà Hà Thị Yến đau xót trước cảnh mất mát do lũ gây ra

Ông Lương Văn Định (52 tuổi), người chứng kiến khoảnh khắc dòng lũ đổ về bản kể: Khoảng gần 8 giờ sáng, ngày 3/8, nước từ con suối Son và sông Luồng dâng lên cao lắm, rồi tràn vào nhiều nhà ở của bà con. Sau đó, mọi người thấy nước rút xuống, nên cùng nhau ra dọn dẹp nhà cửa. Khoảng 15 phút sau, trong lúc mọi người đang lúi húi dọn nhà, thì trận lũ từ trên đỉnh núi ập xuống. Một số người có nhà ở trên cao hơn chạy kịp lên rừng, còn nhiều người có nhà ở mép suối Son không kịp chạy, đã bị cuốn trôi. “Thật khủng khiếp. Tôi sống chừng này tuổi mà chưa bao giờ thấy cảnh nước lũ đổ về nhanh như vậy. Cả bản Sa Ná chỉ còn là đống đổ nát và đau thương. Chỉ trong vài phút, cả khu dân cư tan hoang, nhiều gia đình mất nhà, mất người đau đớn quá”!

Ở Sa Ná thời khắc này dường như hoàn cảnh của gia đình anh Hà Văn Vân (29 tuổi), là đau thương nhất, khi có tới 6 người vẫn đang mất tích. Nhìn Vân ngồi thẫn thờ, đôi mắt đờ đẫn mà chúng tôi không kìm nén được nỗi xót xa. Bằng giọng nghèn nghẹn, anh Vân kể lại rằng, mấy ngày trước anh đi Hà Nội kiếm việc làm. Thế nhưng, vừa tới Hà Nội chưa được một ngày, anh nhận được tin báo toàn bộ người trong gia đình mình gặp nạn, nên tức tốc trở về. “Lúc về tới đầu bản, tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy cảnh tượng hoang tàn như vậy. Đến bây giờ, cũng không biết là bố, mẹ, vợ, con và chị gái tôi đang ở đâu nữa”, anh Vân nghẹn ngào.

Ông Hà Văn Toan (54 tuổi), chú ruột anh Vân nói: “Đau đớn lắm các chú ơi! Chỉ trong phút chốc, gia đình anh trai tôi đã mất sạch cả người lẫn tài sản rồi. Không biết giờ này anh trai, chị dâu, các cháu của tôi đang ở đâu nữa”. Theo lời ông Toan kể, những người thân của gia đình ông đang mất tích, gồm: Ông Hà Văn Tiệu (56 tuổi); bà Hà Thị Thắm (55 tuổi), chị Hà Thị Vững (31 tuổi), Vi Thị Sống (29 tuổi), cháu Hà Văn Quỳnh (10 tuổi), Hà Văn Chấn (7 tuổi).

Người dân ở bản Sa Ná nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ
  • Người dân ở bản Sa Ná nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ

Dồn sức cứu dân

Bưng mặt ngồi khóc bên cạnh đống đổ nát từ ngôi nhà của người con gái, cụ Hà Thị Yến (80 tuổi), vẫn không nghĩ rằng ở nơi này lại xảy ra chuyện động trời như thế. Cụ bảo, chưa bao giờ thấy cảnh kinh hãi như vậy. Nước đổ từ trên núi về ầm ầm. Tiếng va đập của nước, của vô số cây gỗ rừng, kéo theo bùn, đất đá lẫn tiếng la lối của bà con, nghe ghê rợn lắm.

“Từ xưa đến nay, tôi chưa từng thấy có trận lũ lớn như vậy. Thường ngày, dòng nước ở con suối Son hiền hòa, trong lành lắm. Cả bản đều nhờ vào nguồn nước ở con suối này để sinh hoạt. Bà con trong bản đi làm nương, rẫy đều có thể lội qua suối. Vậy mà hôm nọ, nước từ đâu đổ về khiến dòng suối dâng lên, cuốn trôi hết tất cả. Ở bản Sa Ná này, bà con sống cũng có sung sướng gì đâu. Hằng ngày, các gia đình đều sống dựa vào mấy cây nứa, cây luồng trên rừng. Bây giờ, nhà cửa, tài sản, lương thực trôi hết sạch, bà con trong bản không biết lấy gì để gây dựng lại cuộc sống. Chẳng biết bao giờ, bản Sa Ná mới gượng dậy được!”, bà Yến vừa nói, vừa khóc.

Cảnh hoang tàn, đổ nát ở bản Sa Ná
Cảnh hoang tàn, đổ nát ở bản Sa Ná 

Chủ tịch UBND xã Na Mèo Phạm Văn Tiệu cho biết, sau khi lũ xảy ra, nhận được thông tin về những người mất liên lạc, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm các nạn nhân. Thế nhưng, do nước lũ quá lớn, trời mưa to, khiến công tác tìm kiếm hết sức khó khăn. Hiện tại, khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng trong tỉnh, trong huyện tập trung tìm kiếm người mất tích.

“Cái khó khăn nhất hiện nay là lối vào Sa Ná hết sức gian nan, vất vả. Bởi vì, bản Sa Ná nằm cách quốc lộ 217 khoảng gần chục cây số. Từ sáng ngày 4/8, lực lượng cứu hộ, cứu nạn từ tỉnh, đến huyện và chính quyền địa phương phải sử dụng tàu cao tốc để vượt sông Luồng. Sau đó, tiếp tục đi bộ khoảng 5 km đường rừng mới có thể tiếp cận được bản Sa Ná. Vì vậy, công tác ứng cứu cho người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại” - ông Tiệu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ