Trước khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước với gần 3.000 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh và hơn 140.000 cán bộ, giáo viên.
Khi sắp xếp lại bộ máy hành chính, TP.HCM (hợp nhất TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu) xếp trên Hà Nội về số lượng trường học và học sinh phổ thông. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là trung tâm giáo dục lớn nhất khi tiếp nhận thêm 29 trung tâm GDNN-GDTX và 355 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó là hơn 1 triệu sinh viên đang theo học các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc, đặc biệt là việc đầu tư cho giáo dục STEM - một lĩnh vực quan trọng, mang tính liên ngành, tích hợp giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - là minh chứng cho tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và chủ trương hội nhập quốc tế của Hà Nội.
Năm học vừa qua, Hà Nội đã xây mới, thành lập mới được 35 trường học; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt gần 80%; công nhận được 23 trường chất lượng cao; công tác triển khai đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn thành phố được tập trung thực hiện.
Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố được tăng cường. Ngành GD-ĐT Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 40 quy định mức tiền thưởng đối với học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi trong nước, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng học sinh đoạt giải cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và giải Nhất cấp thành phố.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại Sở được thực hiện chủ động. Sở đã hoàn thành công tác rà soát, chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Sở; chuẩn bị tốt các điều kiện tiếp nhận nhiệm vụ quản lý về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH về Sở GD&ĐT đảm bảo công việc được thông suốt, liền mạch.
Sở đã tham mưu trình UBND Thành phố ban hành Quyết định về việc tổ chức lại Trường THPT Chu Văn An thành Trường THPT chuyên Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây thành Trường THPT chuyên Sơn Tây, đưa tổng số Trường THPT chuyên của Hà Nội lên 4 trường.
Ngành GD-ĐT Thủ đô đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội: Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025; phong trào “Tháng tự học ngoại ngữ”.
Hợp tác về giáo dục và đào tạo của Thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên Thế giới được tăng cường và đẩy mạnh, khẳng định vai trò tiên phong trong chia sẻ nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong bối cảnh sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp, Hà Nội đã tổ chức an toàn, hiệu quả công tác tuyển sinh đầu cấp, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Công tác tuyển sinh thuận lợi, không còn hiện tượng xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh, đề thi được dư luận đánh giá cao.
Sau khi vận hành chính quyền hai cấp, các cơ sở giáo dục tiếp tục hoạt động ổn định, không có xáo trộn lớn. Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn giữ nguyên tên và chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Các địa phương cấp xã, phường khẳng định luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục.