Ngày 10/7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021 – 2026) bước vào ngày họp thứ 2, Kỳ họp thứ 31. Đây là kỳ họp đầu tiên sau khi Nghệ An hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính và hoạt động theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu có 38 lượt ý kiến.
Trong đó, có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có giải pháp phân làn trên các tuyến đường, tạo điều kiện cho xe điện hoạt động, lưu thông theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, phát triển du lịch tại phường Cửa Lò.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, theo quy định, từ 1/1/2025 trở đi, hoạt động thí điểm xe điện 4 bánh có gắn động cơ hoạt động trong phạm vi hạn chế trên địa bàn cả nước nói chung và Cửa Lò nói riêng chấm dứt việc thí điểm.
Xe 4 bánh có gắn động cơ hoạt động theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Nghị định số 158/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 và Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ.
Trong đó quy định, đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30km/h, áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông.
Đối với xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 50km/h, áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông.

Qua rà soát, khó khăn vướng mắc đối với xe điện hoạt động ở phường Cửa Lò là việc lựa chọn tuyến đường để cắm biển báo tốc độ khai thác tối đa 30km/h, vì sẽ ảnh hưởng đến những phương tiện khác.
Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, thời gian qua, vấn đề này nhận được nhiều ý kiến từ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp, trên cơ sở bám sát quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn tại địa phương để đề xuất giải pháp tối ưu nhất.
"Nếu cắm biển 30km/h trên đường Bình Minh thì sẽ gây ùn tắc giao thông. Còn nếu làm một làn đường riêng để xe điện chạy thì cũng rất khó bố trí. Sở sẽ phối hợp với lãnh đạo phường Cửa Lò, cơ quan chức năng để đưa ra giải pháp tối ưu nhất", ông Phạm Hồng Quang cho hay.

Năm 2011, UBND thị xã Cửa Lò (nay là phường Cửa Lò) trình UBND tỉnh Nghệ An và Chính phủ cho phép thí điểm quản lý hoạt động xe điện 4 bánh để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch tại địa phương và được chấp thuận.
Từ năm 2016, tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép xây dựng quy chế quản lý xe điện từng năm một, với số lượng xe hoạt động là 558 chiếc.
Cuối năm 2022, UBND thị xã Cửa Lò yêu cầu các chủ xe điện phải đăng ký, đăng kiểm đảm bảo theo thông tư 86/2014 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) và thông tư 58/2020 của Bộ Công an. Điều đáng nói, hầu hết xe điện lúc đó không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm nên phải dừng hoạt động.
Tháng 8/2023, có 278 xe điện (hầu hết là xe mới) của người dân đăng ký, đăng kiểm và được phép hoạt động chở khách du lịch ở Cửa Lò.
Tuy nhiên, Nghị định 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/1/2025, yêu cầu xe điện 4 bánh chỉ được hoạt động trên tuyến đường có biển báo tốc độ không quá 30km/h, trong khi ở Cửa Lò chưa có tuyến đường nào cắm biển báo này.