Nghịch lý dưới đỉnh “Sương Mờ”

GD&TĐ - Hơn 400 con người ở làng Húng, xã Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) - nơi có đỉnh núi “Sương Mờ” cao chót vót, đang hằng ngày, hằng giờ sống trong cảnh  khó khăn, vất vả dẫu nơi họ sinh sống chỉ cách trung tâm xã chưa đầy chục cây số. Bởi, ở vùng rừng núi non điệp trùng ấy, mà không có cả miếng đất để “cắm dùi”, trồng cây... hay kể cả chỗ chôn cất mỗi khi có người về  cõi vĩnh hằng.  

Một ngôi nhà của người dân làng Húng được xây dựng trên đất trồng lúa 	Ảnh: T.G
Một ngôi nhà của người dân làng Húng được xây dựng trên đất trồng lúa Ảnh: T.G

“Hai không” ở bản nghèo

Cung đường từ trung tâm xã Giao Thiện đi làng Húng chỉ ngót nghét chục cây số, nhưng chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi. Bởi lẽ, lối lên làng Húng mùa này vô cùng khó khăn, vất vả vì cung đường rừng, ngoằn ngoèo, đá sỏi gập ghềnh. Mặc dù trời không mưa, nhưng sương mù giăng mắc lối đi, khiến bùn, đất trên mặt đường nhão ra, quện lại như bột nhào ướt.

Làng Húng, là địa điểm cao, xa, heo hút và khó khăn nhất của xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh. Ở nơi ấy, hiện có 122 hộ dân, với hơn 420 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái) sinh sống tách biệt hẳn với phần còn lại của xã Giao Thiện.

Làng Húng chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm một nửa trong tổng số 122 hộ dân nơi đây. Hầu như gia đình nào cũng thiếu đất để sản xuất, trồng cây, gieo lúa. Cũng vì chưa có điện lưới quốc gia, nên gia đình có điều kiện kinh tế thì mua máy tua-bin phát điện rồi dựa vào nguồn nước mà sử dụng. Có nhiều gia đình hiện nay, lũ trẻ học đêm bằng ánh sáng leo lét của đèn dầu. Thế hệ nam thanh, nữ tú ở đây không biết “smartphone” hay điện thoại thông minh là gì. Nếu có cũng chỉ là cục “đá mồ côi” và chẳng có sóng để liên lạc.

Ông Vi Thanh Hùng- Trưởng thôn Húng tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn mà gia đình ông được dựng theo chương trình “nhà 167”. Chỉ tay về phía trước mặt ngôi nhà của mình, ông bảo: “Bà con ở đây vất vả lắm. Điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn, lại thêm đất đai thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt. Con em trong bản học đến bậc THCS đều phải ra trung tâm xã ở bán trú, cuối tuần mới về. Nhà nào có điều kiện sắm xe máy, thì cha mẹ chạy ra đón con, còn gia đình nào không có xe máy, các cháu tự đi bộ về nhà. Khổ nhất là mỗi khi trong làng có người ốm hay phụ nữ trở dạ. Nếu ban ngày còn đỡ, chứ xảy ra vào đêm tối, mà buộc phải đưa người đi trạm y tế xã thì cơ cực lắm. Mấy năm nay, bà con trong làng cũng nghe cấp trên nói là ngành điện lực sẽ đưa điện lưới quốc gia về làng Húng, thế nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Và, ước mơ về ánh điện của người dân làng Húng đến bây giờ vẫn chỉ là... giấc mơ”.

Khó khăn vậy nhưng lũ trẻ con ở làng Húng ham học cái chữ. Vì thế, ngoài số trẻ đi mầm non, nhà trẻ và bậc tiểu học (có gần trăm em) ở điểm trường tại làng, thì bậc THCS, THPT cũng có tới hơn ba chục em, chưa kể một số con em làng Húng đang theo học ở các trường cao đẳng và đại học. “Dù cuộc sống vẫn còn nghèo khó, nhưng bà con ở làng luôn bảo ban nhau, động viên con em chịu khó theo học cái chữ. Sau khi học xong chương trình THPT, mà không vào được các trường cao đẳng, đại học, thì các cháu cũng có cơ hội đi làm công nhân ở công ty, xí nghiệp sẽ dễ dàng kiếm ra tiền, đổi thay cuộc sống của mình hơn” - ông Hùng bộc bạch.

Những nghịch lý buồn

Trưởng thôn Vi Thanh Hùng (ngoài cùng bên trái) trao đổi với phóng viên Ảnh: T.G
 Trưởng thôn Vi Thanh Hùng (ngoài cùng bên trái) trao đổi với phóng viên Ảnh: T.G

Nói về những nghịch lý buồn đang diễn ra ở ngôi làng của mình, ông Vi Thanh Hùng tâm sự: “Cũng như các thế hệ cha ông, người dân làng Húng chúng tôi đã sinh sống ổn định nơi đây nhiều đời, qua hàng trăm năm. Ấy vậy mà người dân làng Húng, lại trong cảnh: Sống trên mảnh đất không được cấp sổ đỏ, khi làng có người chết phải đi chôn nhờ đất rừng phòng hộ, đất sản xuất, phát triển kinh tế thì phải đi thuê mới có”.

Nguồn cơn của câu chuyện này xuất phát từ việc, vùng đất mà người dân làng Húng đang sinh sống ổn định đời đời lại được quy hoạch vào khu vực rừng phòng hộ. Nếu nói về lý, thì việc quy hoạch, phân định đâu là đất rừng phòng hộ được thực hiện cách đây chừng vài chục năm, còn các thế hệ người dân làng Húng đã sinh sống ở đây hàng trăm năm.

Theo ông Hùng, từ khi làng Húng “bị” quy hoạch vào đất rừng phòng hộ, thì 48 hộ dân làng phải thuê đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh để làm kinh tế. Như gia đình tôi đây, thuê được 5ha đất, sau 7 năm trồng thì thu hoạch một lứa keo, chúng tôi phải trả phí thuê đất là 10 triệu đồng cho diện tích 5ha. Khi thu hoạch cây keo, cũng phải cam kết bán cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh”, ông Hùng cho hay.

Sự bế tắc của người dân làng Húng còn thể hiện ở việc mỗi khi trong làng có người qua đời, người dân lại phải mượn đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, mới có nơi chôn cất. “Nguyện vọng của người dân nơi đây là mong các cấp chính quyền nhanh chóng có biện pháp để cấp đất ở, đất sản xuất cho chúng tôi. Người dân đã sinh sống ổn định bao đời nay chứ có phải xâm chiếm đất rừng phòng hộ đâu. Chúng tôi sống phải có đất để ở, đất sản xuất, chết phải có đất chôn, chỉ mong thế thôi” - một người dân làng Húng tâm sự.

Theo thống kê của trưởng thôn Húng, trong số 122 hộ dân ở làng, thì có khoảng 40% được cấp “sổ đỏ” cho mảnh đất gia đình đang sinh sống. Các hộ còn lại do nhà ở nằm trong khu vực rừng phòng hộ, nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nhiều gia đình muốn vay vốn ngân hàng để làm kinh tế, nhưng không có “sổ đỏ” để thế chấp với ngân hàng.

Cũng vì sinh sống trên đất rừng phòng hộ, người dân làng Húng không thể cải tạo đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Khi nhà ở hư hỏng, xuống cấp, muốn thuê máy móc về cải tạo nền đất, xây dựng nhà cũng không được phép, người dân làng Húng chỉ còn cách chắp vá tạm bợ cho căn nhà ở của mình. “Do bức bách về việc tách hộ cho con cái ra ở riêng sau khi dựng vợ, gả chồng, nhiều gia đình ở đây không có đất để làm nhà, nên bà con buộc phải san lấp ruộng lúa đi để làm nhà. Hiện nay, trong làng Húng đã có khoảng 8 sào (4.000m2) ruộng bị lấp đi, thay vào đó là nền đất và những ngôi nhà kiên cố. Trong khi đó, đất canh tác của làng đã ít lại ngày một ít đi do nhu cầu nhà ở quá bức thiết. Bà con cũng biết lấp ruộng làm nhà là vi phạm Luật Đất đai, nhưng không vi phạm thì lấy đâu ra chỗ mà ở” - ông Hùng phàn nàn.

Điệp khúc... chờ đợi

Khu vực người dân làng Húng an táng người qua đời là đất rừng phòng hộ Ảnh: T.G
 Khu vực người dân làng Húng an táng người qua đời là đất rừng phòng hộ Ảnh: T.G

Trước những khó khăn, vướng mắc về đất ở, đất sản xuất… mà người dân làng Húng đang phải đối mặt, ông Lê Văn Tá - Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, cho rằng: Thực trạng này đang gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vì mộ táng nằm rải rác, gần khu dân cư. “Thời gian qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện, tỉnh và đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương và người dân đã kiến nghị nhiều lần về việc chính quyền các cấp cần phải có ngay giải pháp để khắc phục. Chính quyền tỉnh, huyện cũng đã tiếp thu ý kiến và giao cho đơn vị, chức năng tập trung giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, những kiến nghị của người dân thôn Húng vẫn chưa được thực hiện” - ông Tá nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, năm 2017, đơn vị cũng đã rà soát lại 3 loại rừng trên địa bàn. Theo đó, Ban quản lý đã đề xuất với UBND tỉnh, thu hồi một khu đất rừng nghèo kiệt không có giá trị, để giao lại cho xã Giao Thiện quản lý và làm khu nghĩa trang cho người dân làng Húng. Việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, để tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết. Hiện nay, lãnh đạo huyện cũng đề xuất với các cơ quan liên quan của tỉnh giải quyết dứt điểm thủ tục pháp lý để sớm bàn giao đất cho địa phương, giúp bà con ổn định đời sống.

Liên quan đến vấn đề người dân làng Húng tự ý san lấp mặt ruộng lúa để làm nhà, ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Huyện chưa nắm được thông tin này. Trong khi đó, UBND xã Giao Thiện cũng không báo cáo huyện về tình trạng người dân lấp đất ruộng để làm nhà. “Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra việc người dân ở làng Húng tự ý san lấp ruộng để làm nhà. Nếu diện tích đất bị san lấp thuộc diện đất nông nghiệp, thì như vậy là sai quy định, huyện sẽ xử lý những cá nhân, tổ chức có liên quan đã để xảy ra việc làm sai quy định này”- ông Tiến nói.

Rời làng Húng, tôi mang theo câu hỏi của vị trưởng thôn  thay mặt cho bà con gửi tới huyện lãnh đạo huyện Lang Chánh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND tỉnh Thanh Hóa, rằng: “Bao giờ người dân làng Húng mới có đất để làm nhà, để sản xuất và có đất để chôn cất mỗi khi có người về với tổ tiên của họ một cách đúng nghĩa, mà không vi phạm vào đất rừng phòng hộ?”. Bất chợt, tôi ngước lên nhìn đỉnh núi “Sương Mờ”, mà thấy cao vòi vọi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.