Gần 20 năm “cắm bản”
Chúng tôi đến Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý (Mường Lát) đúng lúc cô giáo Mai Thị Lâm đang chuẩn bị giờ lên lớp. Sau buổi lên lớp, cô Lâm mời về phòng (nhà công vụ) và kể về chuyện nghề, chuyện đời cho chúng tôi nghe. Trong câu chuyện, đôi mắt cô Lâm ngấn lệ và đượm buồn.
Quê của cô Lâm ở vùng ven biển – xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Do hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, nên năm 1995, cô rời quê lên huyện miền núi Mường Lát ở với người chị gái đang làm công nhân ở Lâm trường Mường Lát. “Hồi ấy, đường đi lối lại vô cùng gian nan, vất vả. Để di chuyển từ huyện Nga Sơn lên Mường Lát (hơn 300km), phải mất chừng 2 ngày mới tới.
Thời gian đó chưa có cầu bê tông như bây giờ, mà phải qua sông bằng phà. Phương tiện đi lại duy nhất bằng xe ca, chứ không có xe máy hay ô tô cá nhân như ngày nay. Khi lên ở với chị gái được vài năm, được chứng kiến cảnh con em đồng bào ở đây vô cùng khó khăn, vất vả nên tôi thương lắm. Có nhiều em thất học vì cuộc sống quá vất vả, bên cạnh đó giáo viên cũng thiếu rất nhiều”- cô Lâm kể.
Sống vài năm với chị gái và chứng kiến cảnh nhiều trẻ ở tuổi đến trường thất học, nên cô quyết định quay về Trường ĐH Hồng Đức nộp đơn thi vào ngành sư phạm. Đến năm 2002, cầm tấm bằng trong tay, cô quyết định xin trở lại nơi từng chứng kiến cảnh con em đồng bào bị thất học ra sao. Và rồi, cô giáo Mai Thị Lâm được huyện phân công về nhận công tác tại Trường THCS Quang Chiểu – ngôi trường cách trung tâm huyện lỵ Mường Lát gần 30km đường rừng.
Từ khi về dạy ở Trường THCS Quang Chiểu rồi được điều động về Trường Trung Lý, đến nay đã 17 năm. Trong khoảng thời gian đấy, cô Lâm phải sống xa gia đình, xa bố mẹ già ở quê. Một mình giữa núi rừng, tránh sao những lần rơi nước mắt vì tủi thân, nhớ gia đình... Những lúc đau ốm, lúc gia đình có chuyện, chẳng làm được gì ngoài những lời động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng rồi những nỗi tủi hờn, những khó khăn, vất vả, gian truân... tất cả đã không thắng được lòng yêu nghề của cô.
Gửi tuổi thanh xuân lại cho rừng
Trong câu chuyện với chúng tôi, mắt cô đỏ hoe khi nói tới duyên phận của mình. Mặc dù năm nay đã bước qua tuổi 50, cô luôn khát khao, ước ao về thiên chức làm mẹ dẫu chỉ một lần, nhưng mãi vẫn là mơ ước. Cách đây chục năm, được bạn bè mai mối cô Lâm đã kết duyên với một người đàn ông ở huyện Lang Chánh (cùng tỉnh Thanh Hóa). Anh công tác ở Lâm trường Lang Chánh, giờ đã về nghỉ hưu. Ngần ấy thời gian, mặc dù hai vợ chồng chị chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả.
“Tôi chỉ mong những người trong gia đình luôn có sức khỏe và thông cảm cho tôi, để được an tâm công tác. Những vất vả về tinh thần, vật chất tôi cũng dần quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi. Mình vất vả thật nhưng không có những người như mình, thì nhiều em thơ ở đây sẽ không có ngày mai. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn, vất vả lắm. Chồng tôi đã về hưu, mỗi tháng lương hưu chưa đầy 3 triệu, vì vậy phải đi làm với bạn bè để kiếm thêm mới đủ chi tiêu trong tháng!
Vả lại, tôi thì ở tận trên này, anh ở nhà một mình cũng buồn, nên anh ấy đi làm thêm cho khuây khỏa. Dự định của tôi là, chừng ba năm nữa được về nghỉ chế độ, chuyển về dưới đó, vợ chồng sớm tối có nhau cho anh đỡ tủi thân. Từ khi về đây công tác, nhà trường bố trí cho tôi một phòng ở khu nhà công vụ. Dù đồng lương hiện nay cũng tạm ổn, nhưng giá cả trên này lại đắt đỏ, hơn nữa hoàn cảnh của gia đình bên chồng rất khó khăn, nên tôi cũng phải chắt chiu trong việc chi tiêu hàng ngày”, cô Lâm tâm sự.
Nói đến chuyện đời, chuyện nghề của mình dường như cô Lâm lại thấy cay cay nơi khóe mắt. Ít ai biết được đằng sau nụ cười trên bục giảng của cô giáo Mai Thị Lâm là những giọt nước mắt lăn dài và những đêm thao thức không ngủ. Cô khóc thương cho bản thân khi không thường xuyên về thăm và chăm lo cho bố mẹ già ở quê; khóc thương cho số phận của mình và khóc thương cho cả người chồng luôn phải sống xa vợ hơn trăm cây số đường rừng khi “dăm thì mười họa” mới được ở gần nhau.
Trước lúc chia tay, cô giáo Mai Thị Lâm thổ lộ một điều rằng: “Gần 20 năm sống, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng đất biên cương này, chị cũng đã nếm trải nhiều truân chuyên lắm. Đã có lần cô làm đơn xin chuyển công tác về xuôi, nhưng bất thành. Từ đó, tôi không dám làm đơn nữa và cố chờ đợi thêm thời gian nữa rồi về hưu thôi”. Bộc bạch với chúng tôi xong, bên đôi khóe mắt của cô lại ngấn lệ.
Chúng tôi hỏi cô Lâm, nếu bây giờ ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa và chính quyền địa phương giải quyết cho cô về dạy ở một ngôi trường gần nhà, để được sống chung với chồng, thì cô có về không? Cô cười gượng gạo, bảo rằng: “Em cứ hỏi đùa. Làm gì có chuyện đó, mà dám mơ”. Tôi bỗng thấy cay cay nơi sống mũi và... không dám nói gì nữa.