Mô hình kết nghĩa hộ gia đình giúp dân thoát nghèo

Các cán bộ Đoàn Kinh tế quốc phòng 92 thường xuyên tới từng hộ gia đình kết nghĩa để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước, kịp thời giúp đỡ họ trong làm ăn, kinh tế.
Các cán bộ Đoàn Kinh tế quốc phòng 92 thường xuyên tới từng hộ gia đình kết nghĩa để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước, kịp thời giúp đỡ họ trong làm ăn, kinh tế.

Đặc biệt là sự thay đổi nhận thức làm ăn, xóa đói giảm nghèo. Sự thay đổi này là nhờ vào mô hình kết nghĩa hộ gia đình của Đoàn Kinh tế quốc phòng 92.

Giúp dân tổ chức cuộc sống

Tên địa bàn các xã A Roàng, A Đớt, Hương Lâm, Hương Phong và Đông Sơ, huyện A Lưới có đồng bào DTTS sinh sống chiếm hơn 89%. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống nhân dân còn bấp bênh, nghèo khó nên tỷ lệ hộ nghèo trong nhiều năm luôn ở mức 30%, số hộ cận nghèo gần 15 %.

Đối với đồng bào ở đây, một việc tưởng chừng đơn giản, đó là trồng rau quanh nhà để có thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hàng ngày, cũng mới xuất hiện trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của lực lượng bộ đội Đoàn Kinh tế quốc phòng 92 (KT - QP 92).

Đơn vị đã triển khai mô hình kết nghĩa hộ gia đình nhằm giúp các hộ nghèo ở A Lưới thoát nghèo, đẩy lùi lạc hậu tận “gốc rễ” nên đời sống của bà con ở đây đã có nhiều biến chuyển tích cực, đặc biệt là trong nhận thức, tư duy làm ăn.

Gia đình bà Kăn Tơi là hộ nghèo của thôn Chi Lanh- A Ro, xã biên giới A Đớt. Bà đã già yếu nhưng phải cùng con dâu, nuôi người con trai bệnh tiểu đường biến chứng và cháu nội. Theo mô hình kết nghĩa hộ gia đình, Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT - QP 92 (thuộc Quân khu 4) cùng 2 đảng viên trong đơn vị đã đồng hành cùng gia đình bà Kăn Tơi bằng việc hỗ trợ, giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo.

Được các anh hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc hoa màu, cho vay vốn để gia đình chăn nuôi nên năng suất thu hoạch của gia đình bà Tơi từng bước tăng lên. “Từng lứa heo 5 con xuất chuồng, gia đình lại “gối” lứa khác...”, đã giúp bà có chi phí sửa lại căn nhà chắc chắn, từng bước cải thiện đời sống kinh tế.

Được biết, trong 5 năm Đoàn KT - QP 92 thực hiện mô hình kết nghĩa: 3 đảng viên kết nghĩa với 1 hộ gia đình; chi bộ kết nghĩa với hộ gia đình đã tạo được nhiều cách sinh kế cho người dân.

Theo đó, Đoàn KT - QP 92 đã tổ chức các tổ đội công tác xuống các xã, các thôn để tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn các mô hình phát triển kinh tế.

Hiện nay, tất cả các hộ ở các thôn trong 5 xã đều trồng lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi. Có hộ gia đình có chuồng nhưng không có vốn, Đoàn đã kịp thời hỗ trợ cho vay, thậm chí có những chi bộ vận động anh em đóng góp tiền lương cho đồng bào phát triển chăn nuôi.

Với cách làm này, đã có khoảng 30 hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ thực hiện dự án dân cư khu vực biên giới, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, đơn vị đã giúp từ 15 đến 20 hộ xây dựng nhà với số tiền hỗ trợ từ 35-45 triệu đồng/hộ.

Nâng cao hiệu quả mô hình kết nghĩa

Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT - QP 92 tặng quà tết cho gia đình kết nghĩa
Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT - QP 92 tặng quà tết cho gia đình kết nghĩa 

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả 5 xã chỉ còn gần 26% theo chuẩn nghèo đa chiều. Đoàn KT - QP 92 vẫn đang tiếp tục phương châm: cán bộ bám nắm từng hộ dân, hướng dẫn cung cách làm ăn, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt mô hình “kết nghĩa hộ gia đình” để giúp các hộ nghèo và gia đình chính sách vẫn đang được các phòng, ban và đội sản xuất duy trì có hiệu quả.

Đại tá Nguyễn Trọng Phương chia sẻ: Đảng ủy Đoàn KT - QP 92 đã ban hành nghị quyết, chủ trương năm 2019 là tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình đảng viên, các chi bộ trong toàn Đảng bộ kết nghĩa với hộ nghèo, chính sách, neo đơn... Trước đây, chi bộ 10 đảng viên kết nghĩa với 1 hộ gia đình, thì nay, sẽ kết nghĩa với 2-3 gia đình, nỗ lực hơn nữa trong việc gắn bó, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.

A Lưới đặc trưng là đất cao lanh, khó trồng cây ăn quả nên hiện nay đơn vị đang sản xuất thử nghiệm mô hình trồng gừng trong bao xi măng, thành phẩm sẽ được chế biến thành trà gừng để giải bài toán đầu ra cho sản phẩm. Nếu hiệu quả sẽ hướng dẫn người dân thực hiện, nhân rộng.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư huyện ủy A Lưới, tỉnh Thừa Thiên –Huế cho biết, sự hỗ trợ của Đoàn KT - QP 92 đã giúp cho đời sống nhân dân ngày một nâng cao; đặc biệt là ý thức tổ chức sản xuất để phát triển kinh tế hộ phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết khí hậu địa phương.

Đơn vị đã đồng hành với các chương trình chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nâng cao chất lượng giáo dục; đào tạo cho người dân trên địa bàn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ