Mang chuông đi đánh xứ người

GD&TĐ - Vào tháng 10 tới, đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44 tại Abu Dhabi. Trường CĐ Nghề Cơ điện Hà Nội đang dẫn dắt huấn luyện 4 thí sinh cho đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới lần này với nghề lắp đặt điện và điều khiển công nghiệp.

Mang chuông đi đánh xứ người

Huấn luyện và tuyển dụng

Ông Đồng Ngọc Văn - Hiệu trưởng trường cho biết: Hai thí sinh Chu Văn Tươi và Nguyễn Tất Toại sẽ tham gia đội tuyển Việt Nam dự thi nghề điều khiển công nghiệp tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44 tại Thủ đô Abu Dhabi của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hai thí sinh khác là Lê Tấn Tài và Lê Tấn Bửu cũng tham gia ôn luyện để chuẩn bị cho Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Liên bang Nga vào năm 2019. Kỳ thi Tay nghề thế giới là sân chơi đỉnh cao, nơi thể hiện tất cả những tinh túy nhất của những kỹ năng nghề hiện đại. Tại đây, các thí sinh Việt Nam sẽ phải đọ sức với tất cả các thí sinh đến từ các nước phát triển hàng đầu thế giới.

Chia sẻ thông tin về môn thi điều khiển công nghiệp tại kỳ thi sắp tới, ông Nguyễn Quang Huy, chuyên gia huấn luyện thí sinh dự thi nghề điều khiển điện công nghiệp, cho rằng: “Môn thi điều khiển công nghiệp sẽ kéo dài 22 tiếng trong 4 ngày. Trong thời gian đó, thí sinh phải tự thiết kế mạch điện công nghiệp, lập trình hệ thống, tìm và sửa các lỗi phát sinh của hệ thống…”.

Đánh giá điểm mạnh - yếu của thí sinh, vị chuyên gia huấn luyện cho biết: Thí sinh của Việt Nam có kỹ năng nghề tốt, chịu được áp lực cao và tuân thủ chiến lược tốt. Điểm hạn chế lớn nhất của thí sinh Việt Nam là thể lực khi phải chịu sức ép của môn thi kéo dài nhiều giờ.

Theo tìm hiểu của ông Nguyễn Quang Huy, nghề điều khiển công nghiệp vốn là thế mạnh của các nước châu Âu và các nước có nền công nghiệp phát triển như CHLB Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Hàn Quốc đã 18 lần dẫn đầu về môn thi này.

Về cơ hội việc làm, ông Nguyễn Quang Huy đánh giá cao khả năng tìm việc của sinh viên ngành điều khiển công nghiệp tại thị trường lao động hiện nay.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành điều khiển điện công nghiệp có thể làm nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa và thiết kế hệ thống điều khiển trong các nhà xưởng.

Với Nguyễn Tất Toại, sau khi tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới, em sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo và nhận bằng cao đẳng tại nhà trường, và chính thức được Công ty Denso (Nhật Bản) tuyển dụng. Còn với thí sinh Chu Văn Tươi, sau khi tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới, sẽ chính thức được tuyển dụng làm giảng viên nghề điện công nghiệp của nhà trường. Với mong muốn các em phát huy hết năng lực của mình mang vinh quang về cho Tổ quốc, gia đình và nhà trường, BGH Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội đã trao tặng cho hai thí sinh Nguyễn Tất Toại và Chu Văn Tươi, mỗi em 1 bộ máy tính và 500 USD, đây là phần thưởng động viên, khích lệ các em trong Kỳ thi Tay nghề thế giới sắp tới.

Đẩy mạnh nhân lực chất lượng cao

Năm học mới, Trường CĐ Nghề Cơ điện Hà Nội đã tuyển sinh và đào tạo 1.400 học sinh, sinh viên trong tổng số 22 nghề đào tạo. Trường đã khẳng định giá trị cốt lõi là đào tạo cho học sinh có đủ năng lực và sự tự tin, để sau khi tốt nghiệp có việc làm ở những môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập tốt và có nhiều cơ hội phát triển. Năm học 2016 - 2017 trường đã tuyển sinh được trên 90% chỉ tiêu, 100% sinh viên tốt nghiệp trong đó 125 em tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc.

Trước yêu cầu đổi mới đào tạo, thầy Đồng Ngọc Văn khẳng định: Nhà trường lấy yêu cầu việc làm, nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới chương trình đào tạo, làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, chủ động hợp tác quốc tế, tiếp cận chọn lọc các nội dung chương trình đào tạo tiên tiến vào chương trình đào tạo của nhà trường. Áp dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động quản lý, từng bước đưa tiến bộ từ cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý, quản trị và đào tạo trong nhà trường.

Nhà trường bắt đầu áp dụng chuẩn đầu ra cho các em sinh viên hệ cao đẳng khóa 11, chuẩn kiến thức kỹ năng, chuẩn kỹ năng nghề, chuẩn tin học và chuẩn tiếng Anh TOEIC 300 điểm trở lên. Với chuẩn đầu ra này, sinh viên ra trường sẽ có được thương hiệu, vị thế mới, giá trị mới với các doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội cũng là trường đầu tiên Hiệu trưởng ký cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp với 22 ngành nghề thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí, điện, ô tô và kinh tế.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang rất cần ứng viên có tay nghề, ý thức làm việc công nghiệp và hiểu biết lý thuyết chuyên sâu về nghề. Thực tế cho thấy, nhiều ứng viên dự thi nghề được nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...