Trong bối cảnh công tác tuyển sinh học nghề nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn, thì đây được xem là một bước tiến mạnh dạn trong việc thu hút học sinh vào học nghề.
Thay đổi đột phá
Bảo đảm đầu ra về việc làm cho HSSV các nghề trọng điểm về kỹ thuật, công nghệ sau khi tốt nghiệp, được cam kết việc làm cho HSSV ngay sau khi nhập trường, theo ông Đồng Văn Ngọc, để có được cam kết này, nhà trường đã có những thay đổi đột phá trong công tác đào tạo nghề.
Cụ thể nhà trường không tổ chức đào tạo HSSV hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo ngoài trường, đặc biệt là không liên kết và đào tạo tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - thường xuyên, sinh viên học tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội đều phải học tập trung tại trường. Bên cạnh đó trong công tác đào tạo nhà trường đào tạo hoàn toàn bằng phương pháp tích hợp lý thuyết và thực hành, trong đó 30% học lý thuyết, 70% học thực hành.
Từ năm 2017, nhà trường tiến hành đào tạo theo chuẩn cao hơn. Đó là chuẩn kiến thức kỹ năng theo chương trình đào tạo mới, sinh viên tốt nghiệp được công nhận Cử nhân và Kỹ sư thực hành. Để sinh viên đạt trình độ này phải đạt chuẩn tiếng Anh và Tin học theo tiêu chuẩn Mỹ.
Sinh viên của nhà trường khi tốt nghiệp đều được đào tạo và phải đạt chuẩn kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, tác phong công nghiệp theo tiêu chuẩn 5 Scủa Nhật Bản.
Gắn kết với doanh nghiệp
Về kinh nghiệm tuyển sinh, ông Đồng Văn Ngọc cho biết, để thu hút học sinh đi học nghề nhà trường đã đến tận trên 40 trường THPT để tiếp xúc và tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho học sinh lớp 12 trong năm 2016. Vì vậy trong năm 2016, nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu đề ra (trên 1.150 HSSV, trong đó 85% là sinh viên học sinh hệ cao đẳng, 15% hệ trung Cấp), trong đó đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu người học là 1066 người.
Điều đặc biệt trong công tác tuyển sinh năm 2016 của nhà trường có đến 30% sinh viên học nghề hệ cao đẳng có điểm tốt nghiệp THPT đủ điểm vào các trường đại học lớn ở Hà Nội nhưng không đi học đại học mà đi học nghề. Trong đó, có nhiều sinh viên có trên 20 điểm thi tốt nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, Đà Nẵng cũng nhập học tại trường. Đặc biệt nhà trường có sinh viên đã tốt nghiệp đại học và thạc sỹ vẫn quay lại học nghề.
Được biết, nhà trường đang hợp tác chặt chẽ với 106 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân... đây là nguồn bảo đảm việc làm cho HSSV nhà trường. Hiện nhà trường có 3 sinh viên được Công ty Denso Việt Nam tuyển chọn và cùng đào tạo, tài trợ 100% chi phí đào tạo chuẩn bị cho các kỳ thi tay nghề thế giới vào năm 2017 và 2019, dự kiến chi phí hỗ trợ đào tạo này khoảng trên 100 ngàn USD.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn như Toyota Việt Nam, Honda, ô tô Trường Hải, Samsung Việt Nam.... và các công ty khai thác công trình thủy lợi đồng bằng sông Hồng.... đã giúp HSSV của nhà trường thực tập, trải nghiệm thực tế, tuyển dụng sinh viên. Hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp đang là một lợi thế lớn của nhà trường trong tiếp cận và đào tạo nguồn nhân lực sát với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.
Đây được xem là một kinh nghiệm tốt trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề ở nước ta hiện nay.