Giáo dục đạo đức, lối sống: Không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học

Giáo dục đạo đức, lối sống: Không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp

“Cần một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”

Câu ngạn ngữ của Châu Phi “Cần cả một ngôi làng để giáo dục một đưa trẻ” được ông Trần Đức Cảnh – Cố vấn Hội đồng tuyển sinh đại học Havard – dẫn ra khi phát biểu. Ông Cảnh cho rằng, hệ thống giáo dục, đặc biệt từ mẫu giáo đến lớp 12 không thể tách rời khỏi các vấn đề xã hội đang diễn ra; giáo dục là một phần của xã hội.

Cùng quan điểm, ông Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh những tác động bên ngoài nhà trường đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống. Lấy ví dụ trên internet, sách tiếng Việt chiếm đến một nửa là ngôn tình, 1/3 là kiếm hiệp, sách về khoa học kĩ thuật, đạo đức rất ít, ông Phương cho rằng, học sinh tiếp cận công nghệ hiện đại nhanh nên sớm nhiễm những giá trị đó và hình như chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự xâm nhập của những giá trị này.

“Những điều đó, không nhà trường nào có thể ngăn cản được. Mong cơ quan có thẩm quyền, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có cách thức kiểm soát tốt hơn về văn hóa phẩm hiện nay” – ông Lê Đông Phương kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc họp
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc họp 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, học sinh lên mạng nhiều và không gian mạng có rất nhiều “rác”; dù đã “dọn” nhiều, nhưng vẫn có “rác”. Do đó, việc dạy học sinh kĩ năng sống là vô cùng quan trọng; học sinh phải có kĩ năng, “bộ lọc” trước những nội dung này.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Nguyễn Quý Thanh cũng khẳng định: Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học. Không nên và không thể dồn hết trách nhiệm cho các trường.

Khái niệm trường học và học tập trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác. Các hình thức giáo dục, học tập ngoài trường học phổ biến hơn bao giờ hết, cho nên, việc giáo dục về đạo đức, lối sống của học sinh cũng cần có sự tham gia với trách nhiệm của nhà trường, gia đình và truyền thông (xã hội và đại chúng).

Việc này không thể làm được bằng khẩu hiệu chung chung như từ trước này vẫn nói là “phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội” mà cần có những điều chỉnh cụ thể trong các hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật báo chí, Luật Điện Anh, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em và các quy định pháp luật khác. Các văn bản pháp quy này tạo lập khung pháp lý cho việc giáo dục.

“Nhà trường cũng khó thực hiện việc giáo dục đào đức nếu các luật liên quan không quy định trách nhiệm của các bên khác. Thí dụ, trong Luật Điện ảnh (2006, sửa đổi 2009) và Nghị định hướng dẫn 54/2010/NĐ-CP, không quy định loại phim nào thì gắn nhãn thế nào với trẻ em mà chỉ nêu về khung giờ chiếu cho trẻ.

Luật Báo chí 2016 cũng chỉ không chỉ rõ nội dung nào sẽ phải gắn nhãn để hạn chế sự tiếp cận của trẻ em theo lứa tuối. Việc dán nhãn 4 cấp độ (đó là P - phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi, C13 - phim cho khán giả từ 13 tuổi trở lên, C16 - phim cho khán giả từ 16 tuổi trở lên, C18 - phim cho khán giả từ 18 tuổi trở lên) dường như mới tập trung cho phim tại rạp, chưa thấy qui định cho các sản phẩm truyền thông đại chúng (nhất là truyền hình) và trách nhiệm của các nhà truyền thông xã hội, các KOLs” – ông Nguyễn Quý Thanh nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp 

Giáo dục bằng nêu gương

Đưa ra giải pháp, cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – cho rằng, hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phải gắn và tương đồng với thi cử ở tất cả các khối lớp. Đặc biệt, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh bắt đầu từ những người làm thầy.

“Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn” – cô Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh việc cần xử lý nghiêm trường hợp vô kỷ luật, không chỉ với giáo viên mà cả học sinh. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát tốt hơn thông tin xấu trên không gian mạng; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm tốt công tác xây dựng gia đình thành tổ ấm thực sự, bố mẹ thực sự gương mẫu, là tấm gương để giáo dục con em mình.

Để nâng hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông, ông Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới – cho rằng, cần tổ chức, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có ý nghĩa thực sự, không hình thức. Nếu người lớn gương mẫu hơn, thì chắc chắn trẻ cũng sẽ tốt hơn.

Ông Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – thì nhắc đến giải pháp qua việc môn Giáo dục công dân ở các cấp cần được tổ chức như một nội dung giáo dục kết nối chứ không phải như một môn học thuần túy. Việc tổ chức các hoạt động nên tăng tính rèn luyện dưới dạng các hoạt động bên cạnh các giờ giảng luân lý. Các giờ giảng luân lý cần đầu tư kỹ lưỡng, công phu.

Phương pháp đánh giá, theo ông Nguyễn Quý Thanh, cần “tổng thể - tích cực và khuyến khích”. Tổng thể nghĩa là phải từ nhiều chủ thể: tự học sinh, cha mẹ, bạn bè và thầy cô. Đánh giá thiên về định tính, đánh giá quá trình, tăng việc khuyến khích và thưởng cho hành vi tích cực hơn là phạt.

“Kinh nghiệm một số nước họ thưởng điểm tín nhiệm cho các hành vi tốt dưới dạng các tín chỉ. Các tín chỉ này sau này có thể được chuyển đổi thành các tín chỉ học tập ở bậc học cao hơn, hoặc thành những phần thưởng có ý nghĩa. Tuy nhiên, không nên đi theo hướng có điểm trừng phạt” – ông Thanh lấy ví dụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” 

Phải làm sao để “Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”

Phát biểu tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nguyên lý giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó, trách nhiệm của ngành Giáo dục là tập trung vào những giải pháp trong nhà trường.

“Một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục ưu tiên hàng đầu trong năm học tới là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhiệm vụ này sẽ được chúng tôi triển khai cụ thể, chi tiết từng việc, để ngay năm sau thấy sự thay đổi rõ nét từ học sinh, giáo viên cho tới nhà trường” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Mặc dù thời gian qua ngành Giáo dục đã làm được nhiều việc nhằm thực hiện hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Bước sang năm học mới, ngành sẽ triển khai những giải pháp cụ thể, trong đó bám sát “5 điều Bác Hồ dạy”, gắn với 5 phẩm chất cần đạt của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hướng tới trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.

Đề cập đến sự gương mẫu của thầy cô, Bộ trưởng nhấn mạnh, bản thân thầy cô cần ý thức được việc thường xuyên trau dồi chuyên môn, đạo đức của mình. Theo Bộ trưởng, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh về mục tiêu, bản chất là không thay đổi nhưng hình thức và phương pháp phải thay đổi để phù hợp với những thay đổi của đời sống xã hội hiện nay, trong đó tích hợp giáo dục đạo đức lối sống vào từng môn học là điều tất yếu.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực; từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp,… đã có chuyển biến. Nhưng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm…

Theo Phó Thủ tướng, ngoài những điểm còn cần thống nhất, cập nhật, thì các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn đúng như “5 điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải duy trì, phát huy và nếu cần thì điều chỉnh cho phù hợp. Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành giáo dục đi ngược lại tinh thần này thì kiên quyết bỏ.

“Đơn cử như các trường đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”, giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học… có chuyển biến trong vài năm gần đây nhưng chưa mạnh mẽ. Năm học tới Bộ GD&ĐT phải siết chặt hơn nữa. Phong trào phải thiết thực, tránh hình thức”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học với ý nghĩa đây là một thiết chế công cộng có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương. Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới.

“Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “đặt hàng” Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hoá để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức cuộc thi “em yêu trường em”, phản ánh người tốt việc tốt từ các em học sinh bằng clip, hình ảnh; phát động phong trào cô trò cùng học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ