Mạng xã hội Việt chưa tạo được niềm tin

GD&TĐ - Gần đây, nhiều mạng xã hội (MXH) “Made in Vietnam” đã ra mắt. Thế nhưng, các MXH được coi là “thuần Việt” ấy nếu không dính “lùm xùm” về quảng cáo quá mức, huy động vốn theo kiểu đa cấp, thì lại “sập” quá nhanh chỉ sau khi “trình làng” ít ngày. Vì đâu các MXH nội lại “chết yểu” hoặc chỉ sống lay lắt suốt một thời gian dài?

Buổi ra mắt MXH Gapo hôm 23/7
Buổi ra mắt MXH Gapo hôm 23/7

Nở rộ MXH “thuần Việt”

Sáng 23/7, MXH Gapo của Công ty CP Công nghệ Gapo (Gapo Technology) ra mắt người dùng tại Việt Nam. Với tông màu chủ đạo xanh lá, giao diện của MXH này khiến người dùng dễ liên tưởng đến MXH Facebook. Ngoài những tính năng cơ bản của một MXH như nhắn tin, post bài, kết bạn, like, share, Gapo còn có thêm tính năng trang trí bài viết, yêu cầu định danh tài khoản người dùng... Đặc biệt, MXH này sẽ tiến hành chia sẻ doanh thu với người dùng. Khi bài viết có nhiều lượt xem, người dùng sẽ được trả tiền cho nội dung mà họ đăng tải.

Thế nhưng, Gapo đã nhanh chóng đem đến nỗi thất vọng cho cư dân mạng chỉ sau vài giờ ra mắt. Từ chiều 23/7, MXH này đã có dấu hiệu chập chờn và chuyển sang chế độ giới thiệu ứng dụng. Đến khoảng 20 giờ ngày 23/7, nhiều người dùng Gapo cho biết việc truy cập vào MXH này trên phiên bản web (www.gapo.vn) và các ứng dụng di động trên Android, iOS đều gặp vấn đề. Cùng lúc đó, họ nhận được thông báo về việc Gapo đang gặp phải tình trạng bị gián đoạn dịch vụ do quá tải. Đến tối 25/7, MXH Gapo phiên bản web vẫn chưa thể truy cập được, giao diện chỉ có đường link để người dùng tải về ứng dụng cho iOS, Android. Giám đốc Chiến lược Gapo Dương Vi Khoa đã gửi lời xin lỗi tới người dùng...

Trước đó, vào tháng 6/2019, MXH Việt Hahalolo đã ra mắt với kỳ vọng sẽ “đè chết” Facebook và đánh bại Twitter. Hahalolo ra đời với tham vọng đạt 2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ). Vậy nhưng, ngay sau khi ra mắt, MXH này đã bị cư dân mạng ném “gạch đá” bởi chính tham vọng được coi như một kiểu “quăng bom”, “chém gió” của mình. Làm sao để đạt 2 tỉ người dùng trong khi tiện ích sơ sài, giao diện không đặc sắc và tốc độ truy cập quá chậm? Chưa kể đến nghi vấn huy động vốn giống như đa cấp cũng gây “lùm xùm” suốt một thời gian khá dài.

Trước khi Hahalolo ra mắt, MXH VietNamTa cũng đã kích thích được sự tò mò của cộng đồng mạng. Nhiều người dùng chia sẻ, họ hài lòng với MXH này bởi giao diện thân thiện phù hợp với thói quen của người Việt. Những chính sách, điều khoản không quá phức tạp như trang MXH nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề tối ưu hoá tốc độ, cải tiến giao diện phù hợp và hoàn thiện nhiều tính năng hơn nữa để theo kịp các MXH quốc tế đã hoạt động nhiều năm nay là không dễ dàng.

MXH Gapo hiện mới chỉ hỗ trợ phiên bản di động
  • MXH Gapo hiện mới chỉ hỗ trợ phiên bản di động

Thiếu lòng tin với MXH Việt

Anh Nguyễn Ngọc Trường, lập trình viên của Tập đoàn FPT cho rằng, có hai vấn đề để một MXH phát triển là thu hút được người dùng và quan trọng nhất chính là nền tảng công nghệ tốt. Về việc thu hút người dùng, “sinh sau, đẻ muộn” tất nhiên có nhiều lợi thế nhưng cũng phải chịu nhiều... thiệt thòi. Thiệt thòi rõ nhất là phải cạnh tranh khi các MXH ra trước đã có lượng người dùng trung thành và ổn định.

Các MXH ra sau sẽ phải đối mặt với sự so sánh về hình thức, tính năng và sự ưu việt trong sử dụng. Nếu nền tảng công nghệ không tốt, người sử dụng chỉ ghé vào vì sự tò mò và “một đi không trở lại”. Đây là những vấn đề có sự quan hệ tương hỗ chặt chẽ với nhau. Trường hợp của MXH Gapo chính là bài học đắt giá cho sự chưa sẵn sàng về nền tảng công nghệ. MXH này đã bị quá tải khi lượng người dùng truy cập cùng lúc đã đạt tới một ngưỡng nhất định.

 

Ta có thể nhận thấy các trang MXH của nước ngoài như Facebook, Google, Twitter… thì nền tảng dữ liệu, lượng người dùng và thuật toán được sử dụng rất lớn và ưu việt. Do đó, người dùng có thể nhanh chóng tìm kiếm được những thông tin mình cần. Các MXH đó cũng đưa ra những gợi ý cho người dùng để thuận lợi hơn. Chính lượng người dùng khổng lồ, trong đó có những người có ảnh hưởng lớn tới xã hội cũng đã tạo ra sự hấp dẫn nhất định. Hiện nay, MXH Việt Nam chưa tạo được những trang có chất lượng và tầm ảnh hưởng lớn đến người dùng. Do đó, khách hàng thường tìm kiếm một cộng đồng MXH lớn, thay vì những MXH nhỏ, không có thương hiệu. Đây là khó khăn, thách thức đối với bất kỳ MXH nào.

 
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: Hiện nay chưa có MXH nào của Việt Nam có được thương hiệu tốt và tạo được lòng tin đối với người Việt. Trước hết, muốn phát triển thì các MXH Việt ít nhất phải chiếm được niềm tin của người sử dụng.

Không có người dùng thì MXH như bị cắt đi “bầu sữa” và việc ngưng hoạt động là chuyện đương nhiên. Thực tế, mỗi người khi tham gia MXH đều quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin nhưng với các MXH Việt, người dùng vẫn lo lắng về việc bị chiếm quyền quản lý hay đánh cắp thông tin cá nhân…

Mặt khác, các MXH Việt mới ra đời cũng chưa thuyết phục được người dùng do thiếu sự hấp dẫn. Nội dung thông tin vẫn nghèo nàn, tuỳ biến, khả năng tác động đến xã hội, khả năng phản hồi của các trang MXH vẫn ở mức thấp, kém thu hút. Nguyên nhân là do các MXH Việt chưa có nhiều người dùng, lượng dữ liệu hạn chế, thêm vào đó cơ sở hạ tầng về công nghệ như: Tốc độ máy chủ, đường truyền không cao và thiếu ổn định… Điều này cho người dùng cảm giác các MXH Việt không chuyên nghiệp.

Rằng hay thì thật là hay...

Đánh giá về việc nở rộ MXH Việt trong thời gian gần đây, Giám đốc Công ty Roxwin Technologies Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng, MXH cũng đã bão hoà. Vì thế, việc chen chân vào lĩnh vực này của các doanh nghiệp Việt sẽ gặp không ít khó khăn. Cơ bản các công ty công nghệ làm MXH của Việt Nam đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực… Kế đến, các mạng xã hội sẵn có như Facebook,

Twitter… quá mạnh, lượng người sử dụng thường xuyên rất nhiều… Người dùng coi đó như một phương tiện quen thuộc để liên lạc. Do đó, cuộc chiến thị phần, chinh phục thị trường của MXH Việt sẽ không hề dễ dàng.

“Tuy rằng sau, tận dụng được lợi thế là có thể cóp nhặt tính năng từ các MXH trước đó, nhưng cũng khó mà có thể phát triển được với nguồn lực hạn hẹp. Các MXH của Việt Nam “chết yểu” đa số là vì rơi vào tình trạng “chưa ra đến chợ hết tiền”. Đầu tư tài chính, nhân lực hạn hẹp và một vài trường hợp quá chú tâm vào việc thu lợi nhanh từ quảng cáo… Mặt khác, do thời gian phát triển ngắn, thương hiệu mới nên người dùng cũng ít quan tâm. Bởi vì, nếu chỉ cóp nhặt, mô phỏng giống và bắt chước thì chúng ta mãi là người đi sau. Không ai sáng tạo lại “cái bánh xe” cả”, ông Nguyễn Tiến Mạnh phân tích.

“Nếu muốn phát triển lĩnh vực này điều kiện đầu tiên là cần đầu tư mạnh, dài hơi về tài chính, nhân lực cũng như ý tưởng mới để MXH Việt có được những tính năng ưu việt hơn, hấp dẫn hơn các MXH trước đó. Bản thân tôi nghĩ các công ty công nghệ của Việt Nam nên tập trung làm các sản phẩm có ích, phục vụ sự phát triển cụ thể của từng nhóm ngành nghề với mục đích rõ ràng hơn là phát triển các MXH. Vì suy cho cùng, MXH có khả năng “gây nghiện”, nó làm người dùng đặc biệt là trẻ em mất rất nhiều thời gian vào không gian ảo đó”, ông Mạnh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ