Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khai mạc phiên họp |
Những kết quả quan trọng
Chiều nay (26/7), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2021, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược và ở chừng mực nào đó có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên.
Trong đó, một số văn bản quan trọng, tác động lớn, tạo chuyển biến sâu sắc đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) phổ thông.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, phát huy phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập.
Từ năm 2017, môn Giáo dục công dân được chọn là một môn thi trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Kết quả thi THPT quốc gia môn Giáo dục công dân luôn nằm trong nhóm các môn có điểm thi cao nhất.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược và ở chừng mực nào đó có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều chỉ đạo, hướng dẫn các sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống của HS. Trong 4 năm qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát ở 36 địa phương về việc triển khai các đề án liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống HS.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng:
Chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn. Giáo dục đạo đức được giảng dạy liên tục, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT trong các chương trình môn học...
Hoạt động chào cờ và hát Quốcca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; toàn thể cán bộ, nhà giáo, HS trực tiếp hát Quốc ca (không phải bật loa hát sẵn)...
Hiện nay hầu hết các di tích lịch sử văn hóa, đền đài, nghĩa trang liệt sĩ đã được bàn giao cho các trường học chăm sóc. Nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng được các nhà trường nhận chăm sóc, giúp đỡ… đã góp phần giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn các thế hệ đi trước, đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Các nhà trường quan tâm xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp; phân công HS trực nhật lớp, vệ sinh trường học, khu vực quanh trường, chăm sóc cây xanh…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông |
Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đã chủ động, lựa chọn những điển hình tiêu biểu, xuất sắc nhất để Bộ GD&ĐT tuyên truyền, khen thưởng, nhân rộng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS phổ thông thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập.
Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục HS chưa chặt chẽ. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo và đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện các qui định của Chính phủ, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao về bảo đảm an toàn, an ninh trường học; trong xây dựng văn hóa học đường và giáo dục đạo đức, lối sống cho HS…
Một bộ phận HS có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội…
Toàn cảnh phiên họp |
8 giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho HS
Từ phân tích kết quả đạt được cũng như vấn đề còn hạn chế cùng phân tích rõ nguyên nhân hạn chế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, qui định về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS; cụ thể hóa các quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong các nhà trường.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, trong đóđiều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học tiếp cận định hướng chương trình GDPT mới, phát triển năng lực HS; lấy HS làm trung tâm. Chỉ đạo các địa phương biên soạn nội dung giáo dục địa phương trong chương trình GDPT mới theo hướng chú trọng giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử và các tấm gương anh hùng để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho HS.
Thứ ba, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao vai trò nêu gương của ban giám hiệu và GV, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của GV chủ nhiệm lớp.
Thứ tư, triển khai mạnh mẽ Phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, khơi dậy tinh thần đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Quan tâm công tác tư vấn học đường; xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong các nhà trường. Tiếp tục duy trì nền nếp hoạt động chào Cờ hát Quốc ca; học sinh tham gia trực nhật, làm vệ sinh trường lớp học.
Thứ năm, xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho HS, tạo nền tảng đạo đức, nhân cách cho các em. Tổ chức thực hiện cam kết giữa gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ giáo dục HS.
Thứ sáu, phối hợp Trung ương Đoàn nghiên cứu, rà soát và đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào, hoạt động rèn luyện đội viên, đoàn viên thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS hiện nay.
Thứ bảy, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ đi đôi với phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục, gắn trách nhiệm của ban giám hiệu trong công tác giáo dục đạo đức cho HS. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
Thứ tám, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ quản lý, nhà giáo, HS, phụ huynh HS và cộng đồng xã hội. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời những nhà giáo, HS tiêu biểu, xuất sắc, đảm bảo khách quan, công tâm, minh bạch, thực chất, không vì thành tích, qua đó tác động tích cực đến suy nghĩ, nhân cách của HS.
"Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát giáo dục đạo đức, lối sống. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh/thành phố, các đại biểu quốc hội tham gia thực hiện giám sát về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, trong đó quy định rõ trách nhiệm liên quan của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Đề nghị các địa phương phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể trong việc phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống bạo lực học đường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ