Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Cần tháo gỡ nút thắt cho các nhà đầu tư

GD&TĐ - Ngày 8/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức.

Bà Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TG
Bà Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TG

Tham dự Hội thảo có bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội; đại diện vụ chức nắng thuộc Bộ GD&ĐT cùng đông đảo cácnhà đầu tư giáo dục, lãnh đạo các trường tư thục ở Hà Nội, Hải Phòng.

Tại Hội thảo, các nhà đầu tư đã trình bày ý kiến, nguyện vọng và đề xuất kiến nghị góp ý Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta đã có luật chuyên ngành như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục Đại học nhưng toàn bộ lĩnh vực giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, lĩnh vực về nhà giáo chưa có luật chuyên ngành riêng. Vậy quy định thế nào trong dự thảo luật để không phá vỡ về cấu trúc mà vẫn bảo đảm luật gốc là điều cần phải thảo luận. Đồng thời, những vấn đề liên quan đến quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học tập suốt đời, giáo dục công - tư… tuy không được cụ thể hóa nhưng phải phản ánh được vấn đề trong thực tiễn cần phải tháo gỡ hiện nay”.

Bên cạnh những vấn đề về quy định học phí trường tư thục, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng được nhiều trường tư thục đặc biệt quan tâm về một số điều khoản liên quan đến quyền sở hữu, điều hành của nhà đầu tư đối với trường tư thục, việc thể chế hóa chính sách xã hội hóa GD của Đảng và Nhà nước, cũng như việc quản lý Nhà nước đối với trường tư thục.

Phát biểu tại Hội thảo, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết: “Ở Khoản 3, Điều 56 và Điều 100 trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nêu trường tư thục có hai trụ cột để nhà đầu tư yên tâm đầu tư đó là quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường. Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục. Đã giúp cho hoạt động thực tiễn các trường tư thục phát triển. Thế nhưng Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, với Khoản 3, Điều 56 gần như không đề cập đến quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư, dẫn đến sự xa lạ so với quy luật hiện hành là “Quyền sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường”.

Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Nên dùng khái niệm “trường tư thục của các nhà đầu tư” thay cho một khái niệm mới là “pháp nhân nhà trường”. Đồng thời, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần xác định một tổ chức đại diện của nhà đầu tư, thành viên là những người có vốn góp, như Hội đồng quản trị của trường tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành.

Đồng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng: Nếu nhà đầu tư bị tước quyền làm chủ sở hữu trường thì khó để khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư. Vì vậy, Dự thảo Luật cần phải tính đến sự công bằng giữa cơ sở giáo dục ngoài công lập và công lập thể hiện khoảng cách gần hơn. Đặc biệt là làm sao thu hút được nhà đầu tư hơn nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ