Điêu đứng vì nắng hạn

GD&TĐ - Con đường đi lấy nước của phụ nữ và trẻ em thôn Thông Amor (xã A Xing, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) dài ngót nghét chục cây số đường rừng. 

Đào kênh thông nước giữa lòng sông Vĩnh Phước (Quảng Trị). Ảnh: T.G
Đào kênh thông nước giữa lòng sông Vĩnh Phước (Quảng Trị). Ảnh: T.G

Đường xa, nhưng chưa chắc lấy được nước sạch bởi các nhánh của con sông Sê Pôn mùa này cũng cạn trơ cả đá. Hạn hán không còn là nguy cơ nữa mà hiện hữu ở miền Trung với mức độ ngày càng nghiêm trọng. 

Thủy điện căng mình xả nước

Mặc dù đã dưới mực nước chết nhưng từ chiều ngày 21/8, thủy điện A Vương vẫn tiến hành xả nước gấp đôi lưu lượng bình thường, với 70m3/s theo yêu cầu của chính quyền TP Đà Nẵng để góp phần đẩy lùi độ mặn tại cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết: “Nếu xả theo lưu lượng bình thường với 28m3/s, đến đầu tháng 9 trong hồ còn nước. Còn nếu xả ở mức 70m3/s, hết tháng 8 này trong hồ không còn nước. Tới tháng 9 nếu không mưa, các hồ như Sông Bung, Đắk Mi hay A Vương đều trơ đáy hết, khi đó không còn nguồn nước nào để cứu nguy cho Đà Nẵng”.

Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 cũng tiến hành xả nước với lưu lượng gấp đôi so với quy trình của ngày thường, từ 12,5m3/s lên 25m3/s để góp phần đẩy lùi độ mặn cho nước sông Cầu Đỏ.

Tình trạng không có nước sinh hoạt tại Đà Nẵng vẫn diễn ra trên diện rộng, từ quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê và ngay cả một số khu vực tại quận trung tâm Hải Châu. Người dân Đà Nẵng quen cảnh thức trắng đêm để hứng từng giọt dùng cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất. Nhiều hộ gia đình ở các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà bắt đầu thuê người về khoan giếng lấy nước sinh hoạt trước dự báo tình trạng Nhà máy nước Cầu Đỏ thiếu nguồn nước thô để sản xuất kéo dài trong thời gian tới.

Dù các hồ thủy điện đã tập trung xả nước chống hạn cho hạ lưu theo lưu lượng mà Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng đề nghị, nhưng tình hình nhiễm mặn tại cửa thu Cầu Đỏ vẫn không được cải thiện với nồng độ mặn 5.290mg/l, đạt ngưỡng lịch sử. Việc khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng theo phương án khẩn cấp xả nước từ các hồ thủy điện tối đa, liên tục trong 24 giờ gần như không có hiệu quả.

Sau 8 tháng khô hạn kéo dài, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên, toàn tỉnh có 9.325 hộ với hơn 36.500 người dân tại các vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, người dân phải đi 3 - 7km lấy nước, với nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, hoặc phải mua nước uống từ những xe cung cấp nước tự phát với giá từ 50 - 70 nghìn đồng/khối.

UBND tỉnh Phú Yên trích 665 triệu đồng và đề nghị các huyện cũng trích một phần kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng để cung cấp nước sinh hoạt cho những địa phương thiếu nước nghiêm trọng. Công ty cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên hỗ trợ 3 xe chở nước cung cấp cho ba huyện Sông Hinh, Tuy An và thị xã Sông Cầu.

Chạy đua cùng hạn hán

Những ngày đầu tháng 8, sông Vĩnh Phước – nơi cung cấp nguồn nước thô cho Xí nghiệp nước TP Đông Hà (Quảng Trị) có nhiều đoạn cạn trơ đáy, lòng sông cắt khúc ra thành nhiều đoạn. Xí nghiệp nước TP Đông Hà phải huy động hơn 100 cán bộ, công nhân viên đào kênh nối thông những đoạn bị chia cắt ở thượng nguồn nhằm đưa nước về trạm bơm.

Ở hạ lưu sông Vĩnh Phước, một con đập tạm cũng được đắp để bơm ngược lên phía trạm bơm. Có thời điểm dung tích hữu ích của các hồ chứa nước thuộc Quảng Trị ở mức báo động, một số hồ chứa chỉ còn lại khoảng hơn 6% hoặc dưới 6%, đặc biệt có hồ La Ngà ở dưới mực nước chết 0,8m.

UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo xả van nước từ hồ thủy lợi Ái Tử xuống sông Vĩnh Phước để bổ sung nguồn nước cho trạm bơi của nhà máy nước sạch nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân TP Đông Hà và các vùng lân cận. UBND Quảng Trị cũng lưu ý chỉ dành nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho những diện tích lúa đang cấp thiết, bức bách và ưu tiên dành cho nước sinh hoạt.

Tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ địa phương 9,8 tỷ đồng phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn. Phú Yên xác định có khoảng 1.000 trong số 4.000 ha lúa vụ hè thu có nguy cơ mất trắng. Để chống hạn, từ tháng 7/2019 hệ thống thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên là Đồng Cam được vận hành hết công suất, huy động cả máy bơm dầu, bơm điện để phục vụ nhu cầu tưới tiêu.

Tuy nhiên, nước trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng ở mức rất thấp nên khó có thể điều tiết nước. Do vậy, địa phương phải phối hợp với các đơn vị quản lý hồ thủy điện để chống hạn kết hợp với giải pháp bơm nước sông tại các vị trí còn nước vào các kênh để cung cấp cho đồng ruộng.

Cả một dọc dài miền Trung, từ Quảng Trị vào đến Bình Định, Phú Yên… đang oằn mình chống hạn, huy động mọi nguồn lực  để chạy đua cùng hạn hán như nạo vét sông hồ, điều tiết xả nước từ các hồ thủy lợi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...