Bế tắc nguồn cung nước thô
Trong đêm 19/8 và rạng sáng 20/8, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã dùng đến giải pháp điều độ, cấp nước luân phiên để điều tiết nước trên mạng lưới. Cụ thể, từ sau 23 giờ - 5 giờ hằng ngày, Dawaco giảm áp lực và lưu lượng tại khu vực quận Hải Châu và một phần quận Thanh Khê để tăng áp lực cho quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Tuy nhiên, cho đến ngày 21/8, rất nhiều khu vực ở cuối nguồn nước đều ở trong tình trạng bị cắt nước.
Theo giải thích của ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco thì từ khuya ngày 18/8, độ mặn của sông Cầu Đỏ đã tăng lên mức hơn 1.000mg/l và liên tục gia tăng. Dawaco đã vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất tối đa đưa nước thô về cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất. Tuy nhiên, do công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải nước thô được khoảng 210.00m3/ngày nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước hiện nay của TP là 306.000 -307.000m3/ngày.
Dawaco đã liên hệ với Công ty CP Thủy điện A Vương và đề nghị hồ thủy điện A Vương tăng việc xả nước về sông Vu Gia để đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ. Tuy nhiên, những ngày qua, hồ thủy điện Đắk Mi 4 chỉ xả về sông Vu Gia với lưu lượng 12,5m3/s và thủy điện A Vương xả về tối đa 70m3/s thì rất khó để giảm tình trạng nhiễm mặn ở sông Cầu Đỏ.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cứ mỗi lần nước sông cầu Đỏ bị nhiễm mặn, thì Đà Nẵng lại phải có công văn đề nghị các thủy điện của Quảng Nam “viện trợ” xả nước để đẩy lùi độ mặn. Và khi các hồ thủy điện ở dưới mực nước chết như những ngày qua thì tình trạng nhiễm mặn ở Đà Nẵng là khó khắc phục chỉ với trạm bơm ngăn mặn An Trạch, khi nguồn nước thô chính của Đà Nẵng có đến 98% lấy từ cầu Đỏ, nơi chỉ cách cửa biển 13km.
Trước đó, vào tháng 11/2018, trong buổi làm việc giữa Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) với đại diện các nhà máy thủy điện tại Quảng Nam, các công ty khai thác công trình thủy lợi, các nhà máy nước của Quảng Nam và Đà Nẵng, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng cho rằng nguồn nước từ An Trạch là đáp ứng được việc đẩy mặn nhưng phương án lấy nước, giải pháp vận hành nhà máy còn chưa phù hợp dẫn đến tình trạng thiếu nước.
Chính vì vậy, Dawaco cần sớm có giải pháp nâng cao khả năng vận hành để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, công suất tối đa của hệ thống đường ống chuyển tải nước thô từ An Trạch về vẫn không thay đổi.
“Cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ
Ngày 21/8, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng về việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn và tình trạng xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ.
Theo đó, nguồn nước hiện còn lại tại các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vào ngày 20/8/2019 cho thấy khó có thể đáp ứng nhu cầu dùng nước của hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn (đến ngày 31/8/2019) nếu diễn biến xâm nhập mặn thường xuyên >1.000 mg/l tại cửa thu nước Cầu Đỏ và dự báo tình hình thủy văn 10 ngày đến vẫn tiếp tục không có mưa trên lưu vực.
Vì vậy, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo TP có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn TP Đà Nẵng; đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp rà soát, thống nhất phương án, báo cáo gửi Bộ TN&MT chỉ đạo các hồ xả nước điều tiết nước cho hạ du.
Ngoài ra, Sở TN&MT Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu Trung tâm Điều độ điện Quốc gia huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn từ nay đến hết mùa cạn và kéo dài đến ngày 15/9 theo phương án do UBND tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng phối hợp đề xuất.
Theo đó, đối với Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4: Không huy động điện của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 (xả về sông Thu Bồn) nhằm giữ lại nguồn nước hiện có còn lại trong hồ Đắk Mi 4 để chống hạn, giảm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia (bao gồm cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng và khoảng 4.000 ha lúa của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng).
Đối với Nhà máy thủy điện A Vương: Chỉ huy động phát điện với lưu lượng quy định và đảm bảo giá trị mực nước hồ quy định tại Quy trình 1537. Xem xét không huy động phát điện nếu hạ du không bị xâm nhập mặn để có đủ nguồn nước duy trì cấp nước đủ cho hạ du đến cuối mùa cạn.
Đối với các hồ hiện không bảo đảm giá trị mực nước hồ tại thời điểm tương ứng quy định tại Quy trình 1537, yêu cầu chủ các hồ chứa phải chấp hành việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành hồ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để không gây thiếu nước sinh hoạt ở hạ du và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng 21/8, giữa đại diện các thủy điện ở thượng ngồn của tỉnh Quảng Nam như A Vương, Sông Bung, Đắk Mi 4 và các sở, ban ngành Đà Nẵng có liên quan do UBND TP Đà Nẵng chủ trì, đại diện Công ty thủy điện Đắk Mi 4 cho rằng, hiện lòng hồ đang ở dưới mực nước chết 8 m, việc phát điện hay không theo ý kiến của Sở TN&MT Đà Nẵng là không quan trọng vì lượng nước về hồ hiện nay chỉ ở mức 4 m3/s, nếu có mưa thì khả năng đến giữa tháng 9/2019, nguồn nước mới được phục hồi.
Còn theo đại diện Công ty thủy điện A Vương thì nếu xả 70 m3/s trong 24 giờ thì vẫn được. Tuy nhiên, phương án này cần được thực hiện thận trọng, trong khi khả năng mùa mưa về trễ.