Dự án Nhà máy nước Hòa Liên (TP Đà Nẵng): Có kịp tiến độ?

GD&TĐ - Dự án Nhà máy nước Hòa Liên với nguồn nước được lấy hoàn toàn từ sông Cu Đê được xác định là phương án lâu dài để giải quyết bài toán nước sạch cho TP Đà Nẵng. Thế nhưng, 8 năm qua, dự án này nhiều lần phải thay đổi chủ trương đầu tư và chưa biết bao giờ khởi công.

Người dân đứng chờ xe bồn tiếp nước tại điểm cấp nước sạch dã chiến của Dawaco
Người dân đứng chờ xe bồn tiếp nước tại điểm cấp nước sạch dã chiến của Dawaco

Chốt an toàn nước của Đà Nẵng

Đà Nẵng được cảnh báo sẽ thiếu từ 80.000 - 100.000m3 nước/ngày và nhiều năm qua cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo phương án của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), để có thể bảo đảm cung cấp nước cho TP khi Nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3 chưa được hình thành, Dawaco đã khởi công dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ phân kỳ 1 thêm 60.000m3/ngày; đồng thời khởi công xây dựng mới dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày; đầu tư các tuyến cấp nước chính để truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu.

Về giải pháp bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020, theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, sẽ xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay sau khi nâng cấp. Tiếp tục nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ giai đoạn 2 công suất 60.000m3/ngđ; đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1. Dự kiến, quy mô của Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày ở giai đoạn 1 và 240.000m3/ngày ở giai đoạn 2. Nhà máy nước Hòa Liên sẽ khai thác nguồn nước từ sông Cu Đê để bổ sung nguồn nước ngọt cho TP, chủ động được khoảng 50% trữ lượng nguồn nước thô cho Đà Nẵng.

Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong buổi làm việc với Dawaco ngày 24/11/2018, ngay sau “sự cố” cả TP thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, khẳng định rằng, sông Cu Đê là chốt an toàn nguồn nước của TP và không phụ thuộc vào nguồn nước thô từ Quảng Nam. Chính vì vậy, cần tránh đầu tư các nhà máy công trình ô nhiễm dọc con sông này.

Bí thư Thành ủy Trương Quảng Nghĩa cũng cho rằng, “thành phố đáng sống” mà để người dân thiếu nước dù bất kỳ lý do gì, chúng ta cũng có tội với dân. Ông Nghĩa cũng đề cập đến vấn đề, cần phải có cơ chế truất quyền điều hành Tổng Giám đốc cùng Chủ tịch HĐQT của Dawaco để thay thế người có năng lực hơn, đồng thời phải thay đổi mô hình quản lý của Dawaco, nên tập trung một đầu mối quản lý. Thế nhưng, trong hơn nửa năm 2019, người dân Đà Nẵng đã 3 lần rơi vào cảnh khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt, mỗi đợt kéo dài từ 3 - 5 ngày.

Bể nước ngầm của một hộ gia đình ở đường Nguyễn Thị Ba (quận Sơn Trà) đã cạn trơ đáy sau 4 ngày thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng
  • Bể nước ngầm của một hộ gia đình ở đường Nguyễn Thị Ba (quận Sơn Trà) đã cạn trơ đáy sau 4 ngày thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng

Dự án Hòa Liên vẫn chưa rục rịch

Năm 2012, Đà Nẵng đã tính đến phương án đầu tư, xây dựng mới Nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày đêm và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020, với nguồn nước thô được lấy hoàn toàn từ sông Cu Đê để không phụ thuộc vào nguồn nước từ Quảng Nam.

Trong quá trình lập dự án, năm 2013, dự án Nhà máy nước Hòa Liên được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP do tư vấn Nhật Bản lập, với tổng số vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, dự kiến từ nguồn vốn vay ODA. Tuy nhiên, đến năm 2016, phương án này bị tạm hoãn và sau đó Đà Nẵng đưa ra phương án tự chủ nguồn vốn xây dựng vì cho rằng nếu sử dụng vốn vay ODA thì nguồn đầu tư lớn và thời gian kéo dài.

Theo đó, Dawaco với tư cách là đơn vị được TP giao làm chủ đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên (bằng vốn tự có và vốn vay) đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và được Bộ TN&MT phê duyệt. UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉ lệ 1:500 Nhà máy nước Hòa Liên tại Quyết định 1452/QĐ-UBND ngày 9/4/2018. Dawaco cũng đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; hoàn thành thẩm tra các công trình phụ trợ thuộc dự án, triển khai lập quy hoạch chi tiết các công trình phụ trợ.

Tuy nhiên, Đà Nẵng lại một lần nữa thay đổi phương án đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Theo như Văn bản 3116, ngày 2/5/2018, của UBND TP Đà Nẵng, thay vì giao cho Dawaco làm chủ đầu tư, UBND Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án này theo hình thức BOT.

Tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng với Dawaco, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng đã báo cáo phương án đầu tư công Nhà máy nước Hòa Liên với kinh phí dự kiến 1.243 tỷ đồng, dựa vào khả năng cân đối nguồn lực năm 2019 của TP.

Theo đại diện Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, sẽ giao cho một ban quản lý dự án đứng ra tổ chức đấu thầu. Thời gian xây dựng dự kiến là 25 tháng, TP sẽ đấu thầu chọn đơn vị vận hành và việc này sẽ phải làm song song với quá trình xây dựng để kịp thời vận hành ngay sau khi xây dựng xong. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dự án Nhà máy nước Hòa Liên mới chỉ ở giai đoạn thông báo lên mạng đấu thầu quốc gia để mời thầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.