Đà Nẵng làm gì để ổn định nguồn nước sinh hoạt cho dân?

Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu trời không mưa, các thủy điện xả hết nước thì Đà Nẵng lấy đâu ra nước cung cấp cho người dân?

Thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng chuyển nước về sông Vu Gia.
Thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng chuyển nước về sông Vu Gia.

Như VOV đã liên tục phản ánh, thời gian qua, tại TP Đà Nẵng, an ninh nguồn nước bị đe dọa nghiêm trọng, người dân khổ sở. Chính quyền phải huy động xe của các lực lượng Quân đội, phòng cháy chữa cháy chở nước phục vụ người dân, bơm nước cho các bệnh viện.

Cuộc sống và sinh hoạt của người dân lẫn du khách đảo lộn. Mãi đến tối 23/8, Đà Nẵng mới cơ bản cấp nước đủ cho các địa bàn vùng xa. Vậy, đâu là giải pháp lâu dài để giải quyết ổn định việc cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng?

Tối 23/8, nhiều khu vực tại 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã có nước sinh hoạt sau nhiều ngày không có nước dùng. Tại một số nơi cuối nguồn nước, áp lực nước còn yếu. Việc cấp nước ở TP Đà Nẵng được cải thiện do các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước về hạ du theo đề nghị của thành phố Đà Nẵng. Trong đó thủy điện Đăk Mi 4 xả 25 mét khối/giây, thủy điện A Vương xả liên tục 70 mét khối giây.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, Công ty sẵn sàng xả nước theo yêu cầu của chính quyền thành phố. Nhưng hiện trong hồ A Vương chỉ còn 28 triệu mét khối.

da nang lam gi de on dinh nguon nuoc sinh hoat cho dan? hinh 2
Người dân chờ đợi để lấy nước về sử dụng.

Với yêu cầu của TP Đà Nẵng là xả 70m3/s thì chưa đến ngày 31/8 thì thủy điện A Vương hết nước. Còn nếu thực hiện quy trình vận hành bình thường (tức là 28m3/s) thì cũng chỉ đến ngày 31/8 hồ A Vương sẽ hết nước.

“Thủy điện không phải là giải pháp tuyệt đối, giải pháp căn cơ của việc cấp nước Đà Nẵng”, ông Ngô Xuân Thế nói.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Qua đánh giá số liệu đo độ mặn thì từ ngày 18/8 đến rạng sáng ngày 23/8, độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000 mg/l. Do vậy, nguồn nước thô hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất thiết kế 210.000 m3/ngày đêm, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước hiện nay trên toàn thành phố hơn 300.000 m3/ngày đêm.

da nang lam gi de on dinh nguon nuoc sinh hoat cho dan? hinh 3
Địa điểm (dấu chấm đỏ) dự kiến đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu trời không mưa, các thủy điện xả hết nước thì Đà Nẵng lấy đâu ra nước cung cấp cho người dân?

Ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai là người từng có nhiều năm gắn bó với ngành thủy lợi khu vực miền Trung.

Theo ông Văn Phú Chính, năm 1985, Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) đã đề xuất xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để cấp nước cho nhà máy nước Cầu Đỏ. Dự án đã hoàn thiện phần thiết kế, chuẩn bị khởi công xây dựng thì dừng lại vì còn nhiều ý kiến trái chiều.

da nang lam gi de on dinh nguon nuoc sinh hoat cho dan? hinh 4
Không có nguồn nước sử dụng, người dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đi mua nước bình về để nấu ăn.

Phương án này sau đó cũng được nhiều đơn vị đề nghị thực hiện nhưng cứ bàn tới bàn lui, cãi qua cãi lại rồi cuối cùng chưa ai quyết định triển khai. Cách đây, gần 1 năm, khi an ninh nguồn nước trở nên nguy cấp, ngày 31/10/2018, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất phương án xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ.

Theo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng thì việc xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ sẽ tận dụng được nguồn nước từ sông Túy Loan nên trữ lượng dồi dào, hạn chế mức độ ảnh hưởng của các nhà máy thủy điện phía thượng lưu sông Yên.

da nang lam gi de on dinh nguon nuoc sinh hoat cho dan? hinh 5
Khu vực cửa lấy nước nhà máy nước Cầu Đỏ thường xuyên bị xâm nhập mặn.

Tháng 2 vừa qua, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng đã có kế hoạch dự phòng, đề nghị cho xây dựng đập (tạm) để ngăn xâm nhập mặn mùa khô. Nhưng rồi các ngành lại tiếp tục cãi nhau nên lãnh đạo thành phố cũng chưa quyết định phương án này.

Đến nay, khi giải pháp xin nước thủy điện không khả thi thì thành phố quay trở lại xem xét phương án xây đập ngăn mặn. Về giải pháp kỹ thuật xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ.

“Con đập này chúng tôi dự kiến dùng cừ lasen đóng ngang dòng sông. Khi con đập này được hình thành thì nước thủy triều từ biển dâng lên sẽ không vượt qua được. Do đó nguồn nước ngọt từ trên về đến nhà máy nước Cầu đỏ sẽ duy trì được mức ngọt và độ mặn dưới mức cho phép. Vùng biển Đà Nẵng là chế độ bán thủy triều, một ngày nước biển lên xuống 2 lần, khi xây dựng con đập này thì trong thời điểm đỉnh triều, nước mặn sẽ không lên được vị trí cửa thu nước, nhà máy nước Cầu Đỏ…”, ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng Ban Đầu tư, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết.

Tiễn sĩ Đỗ Ngọc Ánh, Phó Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo thuộc Viện Khoa học Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hầu hết các dòng sông ở các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung đã cạn kiệt dòng chảy, xâm nhập mặn ngày càng  nghiêm trọng. Hiện chỉ có 2 giải pháp xử lý vấn đề này là tăng lưu lượng xả và ngăn mặn.

Trong lúc không tăng được lưu lượng xả thì giải pháp tốt nhất là ngăn mặn. Theo ông Ánh, sau khi tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng đập ngăn mặn Thảo Long, thành phố Huế không còn bị mặn xâm nhập như trước đó. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã xây dựng đập ngăn mặn tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

da nang lam gi de on dinh nguon nuoc sinh hoat cho dan? hinh 6
Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng tăng cường lắp đặt các bồn nước đặt tại các khu dân cư phục vụ dân.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa khởi công xây dựng đập ngăn mặn trên sông Trà Khúc tại thành phố Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Trị cũng đang thiết kế đập ngăn mặn trên sông Hiếu ngăn mặn cho thành phố Đông Hà.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh cho rằng, đối với thành phố Đà Nẵng xây đập ngăn mặn là giải pháp hợp lý: Cống ngăn mặn này rất là đơn giản. Về mặt ngăn là triệt để, tức là căn cơ về mặt kỹ thuật. Tức là về mặt kỹ thuật thì giải quyết được. Về khả năng thoát lũ thì ảnh hưởng không đáng kể vì nó có cửa van, khi có lũ đến thì người ta hạ hoàn toàn nó xuống mặt đáy sông.

“Viện Khoa học Thủy lợi đã dùng giải pháp công trình, giải pháp này đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ. Tức là dùng cọc để đỡ đập trên nền cát, hiện nay sau nhiều năm vận hành rất là tốt…”, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh nói.

Song hành với việc xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ, Đà Nẵng cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên. Dự án này đã qua 3 đời Bí thư Thành ủy, giẫm chân gần 10 năm nay do không lựa chọn được phương thức đầu tư. Đà Nẵng vừa quyết định chọn hình thức đầu tư công, từ ngân sách nhưng công tác đền bù giải tỏa cũng chưa được tiến hành.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, chính quyền thành phố cần quyết liệt hơn trong công tác đền bù giải tỏa thì mới mong dự án sớm hoàn thành.

“Nếu chúng ta không gỡ được công tác giải tỏa đền bù thì tiến độ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vai trò của công tác giải tỏa đền bù phải được đặt lên hàng đầu để các ngành, các cấp rồi địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt nhất thì nhà máy nước Hòa Liên mới có thể mong đến cái đích, đi vào vận hành, bổ sung cho thành phố một nguồn nước…”, ông Tiến phân tích.

Đắp đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ, xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên cũng chỉ là giải pháp công trình mang tính ngắn hạn. Còn về lâu dài nên nghĩ tới giải pháp phi công trình, đó là điều phối hợp lý nguồn nước sông Đăk Mi, thượng nguồn sông Vu Gia.

Hiện nay, thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng Đăk Mi đổ nước qua sông Thu Bồn. Nếu Đăk Mi 4 xả nước trở lại sông Vu Gia thì mới giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng. Điều này cần có sự điều chỉnh, can thiệp từ các bộ ngành Trung ương.

Tài nguyên nước trên các lưu vực sông được Nhà nước thống nhất quản lý. Nhưng từ tranh chấp nguồn nước này cho thấy, dường như ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn chưa thấy rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Văn Phú Chính, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai cho rằng, cần phải có cơ quan quản lý lưu vực sông có đủ thẩm quyền để điều phối tài nguyên nước.

“Quy trình nào cũng phải do 1 người điều hành. Tôi cho rằng bản chất là phải tiến tới có một Ban Quản lý lưu vực sông thật sự có đủ thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh…”, ông Chính nói.

Tình trạng khan hiếm nước sạch, gây đảo lộn đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người TP Đà Nẵng đã và đang kéo dài nhiều năm nay. Người dân Đà Nẵng mong muốn lãnh đạo thành phố nâng cao trách nhiệm, xử lý rốt ráo tình trạng "khát" nước sinh hoạt như thời gian vừa qua.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.