Chuyện chưa kể bên luống hoa đợi Tết

GD&TĐ - Mùa hoa Tết luôn là quãng thời gian được người dân làng Tây Tựu ngóng đợi nhất trong năm. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất này vào thời khắc vạn vật đất trời cùng chuyển mình sang một mùa xuân mới, được đi bên những luống hoa mướt xanh mơn mởn đang e ấp nụ hoa đỏ vàng, thì ta mới cảm nhận hết được vô vàn những điều thú vị.

Chuyện chưa kể bên luống hoa đợi Tết

Chả riêng gì những ngày gần Tết mà ở bất cứ thời điểm nào trong năm, khi về Tây Tựu ta đều dễ dàng bắt gặp các mẹ, các chị với những bó hoa nặng trĩu hai đầu quang gánh. Nhiều hơn cả là hình ảnh của chiếc xe đạp phượng hoàng ngập tràn sắc màu các loài hoa ở phía sau đang lăn bánh vội vã trên con đường làng.

Và dù có chọn lựa con đường nào để dẫn vào Tây Tựu, thì chúng ta cũng sẽ được tha hồ ngắm nghía cánh đồng hoa bạt ngàn đủ các sắc màu. Ai mà yêu cái đẹp thì dễ “phải lòng” Tây Tựu lắm!

Cánh đồng hoa Tây Tựu (Ảnh LB)
 Cánh đồng hoa Tây Tựu (Ảnh LB)

Làng Tây Tựu trước kia còn được gọi là làng Đăm, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 20 km về phía Tây. Nghề trồng hoa đã xuất hiện, hình thành ở mảnh đất này từ những năm 1930, rồi dần dà trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.

Hiếm có gia đình nào ở đây lại chọn lựa một công việc khác, ngoài nghề làm vườn. Thế nên với 200 ha được sử dụng để trồng và ươm hoa giống, Tây Tựu trở thành vùng cung cấp hoa tươi nhiều nhất cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.   

Vừa tất bật chăm sóc cho những luống hoa hồng, chị Phương kể: “Ngoài những loại hoa truyền thống thì ở Tây Tựu còn trồng cả những giống hoa mới như cúc Nhật Bản, hoa cát tường, có cả lay ơn, ly lùn hoặc cẩm tú cầu…” Lau giọt mồ hôi, chị nhoẻn miệng cười: “Mình là người trồng, ngắm những loại đó suốt ngày mà vẫn thấy chúng đẹp và lạ mắt nữa là”.

Một vườn hoa Violet dưới nắng
 Một vườn hoa Violet dưới nắng

Thế nhưng, cũng có không ít gia đình như nhà anh Thành, chị Dung vẫn dành phần lớn diện tích trong vườn để ươm loài hoa cúc. Thứ hoa gần như phổ biến nhất trong dịp Tết cổ truyền bởi sự gần gũi thấm đậm nét xuân.

Theo như lời của anh Thành thì: “Khác với những loại như như hoa ly, hoa trà…  Cúc thường dễ trồng thậm trí còn có thể dâm bằng cành, ít sâu bệnh mà lại hay chọn đúng dịp Tết để khoe sắc. Xưa kia, ở Tây Tựu người ta chỉ biết tới loại cúc trắng, cúc vàng nhưng ngày nay bông hoa cúc có đủ các màu và nhiều loại mang dáng vẻ kiêu sa, hút hồn lắm”.

Để đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng và tăng năng suất của hoa các hộ gia đình còn thắp thêm đèn vào buổi tối. Thế nên khi đêm càng buông xuống, sương xuân giăng mắc càng dày thì cả cánh đồng hoa bỗng trở nên bồng bềnh, kỳ ảo trong ánh điện. Chỉ thế thôi cũng đẹp đến mức, đủ để khiến ta quên cả lối về!

Giữa muôn ngàn hương sắc hoa trong làn mưa xuân, nếu là lần đầu được ngồi xem một thương vụ mua bán trên cánh đồng hoa Tây Tựu thì không ít người phải bật cười. Tại nơi này để có thể tìm được sự ồn ào, vội vã dường là một điều rất khó. Bởi ở đây chỉ thầy lời chào mời, ngã giá nhỏ nhẹ, lịch thiệp.

Người bán sẽ đi trước dẫn lối cho thương lái theo sau, khi đã tới vườn thì chẳng ai bảo ai, tất cả đều cất bước nhẹ nhàng vì sợ làm rễ cây bị ảnh hưởng. Lúc đã ưng một luống rồi thì lại phải khe khẽ gạt tay để ngắm nghía lại, mạnh một chút thôi là cũng khiến nụ hoa gãy rồi.  

Thấp thoáng những khóm hoa nở sớm
Thấp thoáng những khóm hoa nở sớm

Người làng Tây Tựu gắn bó với nghề trồng hoa quanh năm suốt tháng. Nên trong bất cứ câu chuyện của người nào, khi ta lắng nghe họ tâm sự về nghề cũng đều thấy được sự mặn mòi, tỉ mẩn và vất vả chẳng kém gì các loại rau đậu, ngô, lúa… cũng một nắng hai sương, cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng có lẽ còn nặng lòng, lo lắng nhiều hơn cả.

Họ thâu đêm suốt sáng quẩn quanh, gần gũi với hoa, nên nhà vườn nào cũng có một cái chòi nho nhỏ để đồ dùng nông cụ hay đơn giản là để ngủ lại mỗi dịp hoa vào mùa.  Nhiều người còn đùa, lắm khi còn nghe thấy cả tiếng nhựa cây chảy trong từng phiến lá hay cái khe khẽ cựa mình đội đất chui lên của mầm non.

Vườn hoa ly đang thời kỳ giữ nụ
 Vườn hoa ly đang thời kỳ giữ nụ

“Vất vả là vậy, nhưng trồng hoa giống như nuôi con trẻ, mình là người trong nghề mà lắm lúc cũng chẳng hiểu chúng nó muốn gì”.  Nói rồi bác Nguyễn Văn Hà, một người đã có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa kể: “Thiếu nước một tí hoa đã héo lá mà nhỡ tay tưới nhiều thì cả một “tập thể” úng rễ thối cành. Cứ nắng lắm là y như rằng hoa không đậm sắc. Mà ngấm nước mưa rồi thì lại dập cánh, chóng tàn. Như thế thì nói gì tới chuyện tỏa hương nữa”.

Người Tây Tựu luôn tin tưởng rằng thời tiết sẽ ủng hộ vụ hoa Tết năm nay
 Người Tây Tựu luôn tin tưởng rằng thời tiết sẽ ủng hộ vụ hoa Tết năm nay

Ở thời điểm trồng và chăm sóc hoa cuối năm, người Tây Tựu ra vườn không tính bằng ngày, bằng tháng như thông thường mà phải tính bằng giờ, vì chậm hay nhanh một chút hoa sẽ không lớn kịp hoặc chẳng nở đúng ngày, như thế thì “mất Tết” rồi còn gì! Chưa kể tới việc chuyện được mất của trồng hoa cũng phải phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều.

Thế nên, ở Tây Tựu người ta mới thử trồng hoa trong nhà kính, hoặc áp dụng mọi biện pháp để hạn chế tác động xấu của ông trời! Như việc dùng giấy báo để bọc kín đầu nụ hoa hồng phòng khi mưa to hay buộc túm tụm nhiều cành violet để tránh gió cũng xuất phát từ điều đó vậy.

Tác động của thiên nhiên nhiều thế, nhưng khi được hỏi có sợ không thì những lão nông như bác Hà lại cười ha hả: “Sợ gì! Nếu sợ thì chúng tớ đã bỏ nghề rồi. Dù năm được năm mất thế nhưng đã khi nào các cậu thấy Hà Nội thiếu bóng dáng của hoa Tây Tựu chưa”.

Chỉ ít hôm nữa thôi, những cành cúc, nhánh ly đang vươn mình, chơm chớm nụ kia sẽ thi nhau khoe sắc đỏ vàng... để sẵn sàng cho phiên chợ Tết.  Và hơn ai hết, người trồng hoa Tây Tựu với đôi bàn tay khéo léo cùng kinh nghiệm của những người thợ gắn bó với nghề làm vườn, vẫn luôn tin tưởng và đang hy vọng về một vụ hoa Tết Canh Tý sẽ được giá, được mùa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.