Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Vân Đồn... những buổi sớm tinh mơ của ngày Tết đến gần, các thầy cô giáo gắn bó bao năm ở đảo, lại thêm cái Tết xa nhà, Tết Đinh Dậu vui với trò, gói bánh chưng và gửi về nhà những nỗi nhớ mênh mang, những khát vọng mùa xuân đổi mới…
Đón xuân tại đảo với niềm hạnh phúc đón con chào đời!
14 năm, thầy Lưu Thế Sơn công tác tại Trường PTCS Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh), lấy cảnh các trò học bài làm niềm vui cho cá nhân mình. Người thầy sinh năm 1978 trông khắc khổ, khuôn mặt đen sạm và già trước tuổi bởi những nỗi buồn cuộc sống riêng tư. Chăm trò, cống hiến vì sứ mệnh đi gieo chữ ngoài đảo, thầy hi sinh cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người vợ đầu tiên bởi lương giáo viên ít quá, chẳng lo được cho gia đình.
14 năm gắn bó trên đảo xinh tươi này cũng là 7 lần chuyển chỗ ở từ nhà thuê, nhà mượn đến nhà tập thể. Cuộc sống vất vả, cảnh gà trống nuôi hai con nhỏ, thầy Sơn vẫn kiên cường bám đảo để dạy chữ, gieo những trang văn học và bài thơ nhân cách cho học trò. Nhìn đồng nghiệp vụng về chải tóc cho con gái, nấu vội bát mỳ cho con trai ăn sáng, ai nấy cũng xót xa.
Thế nhưng, khép lại trang nhật ký buồn, người thầy vừa dạy học, vừa đi bắt cá, xúc tép và sửa xe đạp ấy may mắn kết duyên mới với một người con gái yêu thương mình hết mực. Cô gái trẻ yêu cả công việc cao quý mà hàng ngày nhìn chồng xách cặp sách tới lớp giảng bài cho các em học sinh, cô lại càng trân trọng. Và hơn cả, cô gái ấy đã sẵn sàng bỏ lại công việc ổn định trên đất liền để về bầu bạn với thầy giáo xã đảo và làm mẹ của các con anh.
Tết năm nay, họ không về đất liền, bởi niềm vui mới đến đối với gia đình khi vợ vừa sinh con gái.
Căn nhà nhỏ mua được bằng tiền vay của ngân hàng và sự giúp đỡ của người thân giờ đã tràn đầy sức sống khi đón chào thiên thần nhỏ bé. Niềm vui ấy sẽ nhân lên gấp bội khi xuân về, lũ học trò thỉnh thoảng ghé tai thầy: Năm nay cho em “cún” ở lại ăn Tết ngoài đảo với chúng con thầy nhé!
Nhìn những đôi mắt trong veo và nụ cười đùa hồn nhiên tươi giòn như cái nắng rực rỡ giữa đảo Vân Đồn, thầy Sơn như lại tìm thấy niềm hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Năm nay, thầy Sơn lại tự nhủ với lòng, phải cố gắng hơn nữa để làm điểm tựa cho các con, cho vợ và gieo những ước mơ cho học trò của xã Ngọc Vừng.
Mong lắm xuân về, trò có một cô giáo dạy tiếng Anh!
Để ra được đến Bạch Long Vĩ, bao người say sóng với mấy giờ đồng hồ lênh đênh trên tàu. Và giữa Vịnh Bắc Bộ ấy, cô giáo Phạm Thị Hà (sinh năm 1969) – Hiệu phó Trường Tiểu học Mẫu giáo Bạch Long Vĩ – đã 24 năm gắn bó với trò ở đảo với nhiều cái Tết xa nhà, xa chồng con.
Cô Hà là một trong những thanh niên xung phong đầu tiên tình nguyện ra đảo từ những ngày đầu thành lập. Lúc ấy, cô chỉ mong sao mang được “con chữ” ra biển, thắp sáng được ước mơ đến trường của con trẻ và làm sao để sau này các em sẽ không phải vất vả mưu sinh với nắng cát và xương rồng.
Cô đã trải qua thời điểm khó khăn nhất tại hòn đảo này, nên giờ cô luôn muốn các đồng nghiệp được ăn Tết trọn vẹn, đoàn viên. Cũng chính vì thế mà bao năm qua, giáo viên ở trường đều được về đất liền. Duy chỉ có cô Hà và cô Hiệu trưởng thay phiên nhau trực Tết. Năm nay, khi không khí rộn ràng của mùa xuân đến, cô Hà vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ ở lại, bởi cô sẽ lại cùng học trò gói bánh chưng, cùng thức đón Giao thừa với tiếng sóng vỗ rì rào dội từng cơn vào ghềnh đá, và có “đứa” còn đến “xông đất” từ sáng sớm mùng 1 Tết để cô lì xì cũng như gửi những tấm thiệp chúc Tết may mắn cả năm…
Cũng nhiều năm, cô Hà thấy nhớ nhà, nhớ con, nhưng đó là những năm mà con còn nhỏ. Người chồng của cô vẫn động viên vợ cố gắng từng ngày bởi khi cô giáo ở lại, trò cũng ấm áp hơn. Nói là vậy, nhưng mỗi khi thấy nhà nhà nhen nhóm khói lửa, quấn quýt nhau chúc mừng, cô Hà không giấu được sự nhớ nhung. Thế rồi, có năm, người chồng tâm lý cùng các con đã “bí mật” ra ăn Tết ngoài đảo cùng vợ. Năm ấy, may mắn khi tàu thuyền đi lại không có sóng to gió lớn, nên Tết ngoài đảo đã trở thành kỉ niệm đẹp của cả gia đình.
Năm mới đến gần, không khí rộn ràng của mùa xuân, của lá dong gói bánh, của gạo nếp thơm thơm, và cả những món quà nhỏ của bà con xã đảo khiến các cô ấm lòng. Thế nhưng, cô Hà vẫn trăn trở, vẫn nghĩ đến học trò và tương lai của các em. Hỏi cô giáo có mong gì vào năm mới, cô chỉ cười: Mong lắm nếu xã đảo có một giáo viên dạy tiếng Anh cho các con đỡ thiệt thòi.
Mong ước của cô như hòa vào với ước vọng của mùa xuân, của niềm tin và khát vọng được thấy các trò trưởng thành, đổi thay…
Những mùa xuân trễ hẹn!
Rì rào tiếng sóng vỗ và những hòn đảo lớn nhỏ nối nhau, huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) vẫn có những chuyến tàu “trễ” vì thời tiết. Tàu muốn nối liền yêu thương từ đất liền ra đảo, muốn nối cả những ước mơ từ đảo vào đất liền, nhưng còn phụ thuộc vào mưa gió thuận hòa, nên cứ nói ra Cồn Cỏ, ai nấy cũng “sợ” lắm.
Sợ vì những đợt sóng to biển động, sợ vì thời tiết ngoài đảo không chiều lòng người, và sợ cả những chuyến tàu không thể đi được…
Ngoài huyện đảo xinh tươi ấy, với loài hoa đặc trưng là hoa Phong ba, có hai cô giáo trẻ âm thầm chăm sóc cho những “đứa con của biển” – Đó là cô giáo Hoàng Thị Thắm và Hoàng Thị Hiếu – Giáo viên Trường Mầm non Hoa Phong Ba.
Những ai đã và đang làm mẹ, chắc hẳn đều xót xa cho cô Hoàng Thị Hiếu khi con nhỏ đã phải gửi con vào đất liền. Có lần con trai bị ốm nặng, nhưng sóng to biển động lớn quá, không tàu bè đi lại, cô giáo sinh năm 1987 nghe tiếng con thơ gọi “mẹ về với con đi”, nước mắt cô cứ trào ra như bóp nghẹt trái tim người mẹ đang cách con cả trăm nghìn cây số giữa biển mênh mông.
Mang niềm khao khát đem con chữ ở ngoài đảo hoang sơ, chăm cho những đứa trẻ từ những ngày bập bẹ biết nói, tới lúc học chữ, đánh vần, cô Hiếu đã trải qua không ít khó khăn. Tuổi trẻ của cô đã gắn liền với hòn đảo này, gắn liền với loài hoa Phong ba mà học trò tặng cô mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nhiều năm, Phòng GD&ĐT tạo điều kiện cho các cô về ăn Tết quây quần bên mâm cỗ Giao thừa, bên những đứa trẻ thèm khát hơi ấm của mẹ. Thế nhưng, có năm, cả hai cô giáo nhìn nhau khóc bởi sóng to quá, tàu không dám chạy. Và nhiều gia đình bám đảo đã động viên, coi các cô như người thân để cùng nhau chung vui ngày Tết. Những lúc ấy, niềm nhớ thương không sao nói hết, đành ôm các trò vào lòng vuốt ve như chính con ruột của mình. Và, hai cô giáo trẻ lại an ủi nhau: Có trò, có nhân dân, là có Tết!
Đôi mắt xa xăm nhìn những đợt sóng chạy dài nối tiếp nhau rồi xô bọt trắng xóa vào bờ, cô giáo trẻ vẫn chưa nghĩ gì cho bản thân mình trong Tết Đinh Dậu đang đến gần. Cô chỉ ước: Trường đã được quan tâm nhiều, nhưng khu vui chơi của các con mỗi khi gió to hay mưa lớn là hư hỏng, ngập nước. Mùa xuân đến, nếu các con được một mái hiên che mưa chỗ vui chơi, chắc sẽ rạng rỡ lắm!
Thêm một mùa xuân khơi xa
Không xa đâu Trường Sa ơi! Nghe đến Trường Sa thấy như sao xa quá, mà lại gần đến lạ. Từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, từng đảo lớn nhỏ đã làm nên dải hình chữ S thêm đặc biệt hơn.
Mỗi sớm tinh mơ, thầy giáo trẻ của huyện đảo Trường Sa như vội vã hơn bởi niềm vui được đến lớp với trò. Đó là thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) – Giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây (Trường Sa, Khánh Hòa).
Trường Sa đặc biệt ghi dấu ấn trong tim của thầy giáo trẻ bởi công tác được gần 4 năm cũng là 4 cái Tết ở đảo. Còn nhớ những ngày tình nguyện viết đơn xin ra Trường Sa dạy học, cả gia đình thầy Quyết khuyên ngăn: Xa quá con ơi, mênh mang sóng nước sao con lại chọn để đi! Nhưng, sức trẻ và lòng nhiệt huyết được cống hiến, được một lần gắn bó với cái tên rất đỗi thiêng liêng – Trường Sa, thầy giáo trẻ xách ba lô lên đường và cho đến nay cũng được 4 năm công tác tại đảo.
Cứ sáng ngày mùng 1 Tết thầy Quyết l?i không giấu được những cảm xúc khi xa quê, xa người vợ trẻ đợi chồng, xa cả mẹ già ngóng chàng út. Thế nhưng, mạnh mẽ và lấy công việc làm niềm vui, hạnh phúc, thầy Quyết vẫn không buồn khi năm nay lại trực Tết tại đảo.
Cuộc thi “hái hoa dân chủ” năm nào cũng tổ chức, năm nay thầy Quyết định “bí mật” làm khác đi với những hình thức hấp dẫn hơn, vui hơn. Không có xông đất đầu năm lấy may như ở đất liền, họ cùng nhau thức tới sáng mùng 1 chỉ để hát, để kể chuyện, để “đoán” xem giờ này, những người thân của mình trong đất liền sẽ làm gì và để... chờ cả những cuộc điện thoại bập bùng câu nghe được, câu không vì “sóng nước mênh mông nhưng sóng mạng thì yếu”.
Ở nơi ấy, chỉ có 7 hộ dân thôi, nhưng Tết đầm ấm lắm. Chuyến tàu cuối cùng trong năm mang theo những tình cảm của đất liền gửi ra. Nào thịt, nào đậu xanh, gạo nếp, nào mứt, bánh kẹo… và không quên cả những bộ quần áo mới cho các trò. Chỉ đó thôi cũng trọn vẹn, xúc động lắm rồi! Và đêm Giao thừa, ngần ấy con người chung chí hướng bám đảo, giữ từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc lại hát vang bài ca mùa xuân về.
Tết đến, thầy Quyết hồ hởi khoe rằng hai học sinh mới tốt nghiệp đã vào đất liền học. Hạnh phúc sao khi bố mẹ các em vừa báo, một trong hai em sắp thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán, đặc biệt, vượt lên khó khăn khi ngoài đảo không có máy tính, không có mạng mà mới vào đất liền không lâu, các em đã sử dụng thành thạo…
Thầy Quyết cười: Tin vui nhất trong năm mới đó và tôi sẽ còn kể mãi cho cả năm sau để các em học sinh lấy động lực học tập vươn lên với ý chí vượt khó và tinh thần thép của những người con đã sống tại Trường Sa thân yêu!