Bộ trưởng Bộ Y tế: Chuẩn bị 3 kịch bản chủ động ứng phó với dịch COVID-19

GD&TĐ - Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, trong tư tưởng, kế hoạch, hành động phải xác định dịch COVID-19 có thể xảy ra bất cứ khi nào để không luống cuống, chủ động đối phó; các tỉnh, thành phố cần chuẩn bị ngay 3 kịch bản.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Bộ Y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Bộ Y tế

Phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 sáng 19/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh với các địa phương, Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại yêu cầu không được chủ quan, lơ là, "không được nghĩ rằng dịch không xảy ra trên địa phương mình". Như Gia Lai tưởng chừng không có nhưng vẫn có ca bệnh, một số tỉnh khác cũng vậy. Do đó, địa phương phải chuẩn bị mọi phương án, kịch bản khi xảy ra dịch hay bùng phát dịch trên địa bàn.

Qua thực tiễn phòng chống dịch cho thấy, Bộ trưởng lưu ý các tỉnh, thành phố cần chuẩn bị ngay 3 kịch bản để chủ động đối phó với dịch COVID-19:

Thứ nhất, phải chuẩn bị kịch bản về cách ly và giãn cách.

Riêng với cách ly, các tỉnh phải chuẩn bị phương án, kịch bản số lượng lớn người phải cách ly đột xuất trong một lúc. Theo đó, địa phương phải chuẩn bị cách ly trường hợp F1 trong cả tình huống ít và nhiều F1. "Phải chuẩn bị tất cả các cơ sở có thể thực hiện cách ly", Bộ trưởng yêu cầu.

Ông dẫn chứng, ngay với ổ dịch Hải Dương, số lượng F1 cách ly vượt xa con số của Đà Nẵng. Hải Dương ngay từ ban đầu đã cách ly hơn 2.340 công nhân nhà máy Poyun. Đó là kịch bản mà các tỉnh cũng phải đặt ra để ứng phó. Cùng đó, phải có kịch bản khi xảy ra dịch trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…

"Quan điểm của Ban chỉ đạo và Bộ Y tế ngay từ đầu là phải cách ly triệt để F1, có thế mới tách mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn được dịch, bài học từ Đà Nẵng đã chứng minh quan điểm này" - Bộ trưởng nói.

Địa phương cũng phải kiểm tra trên toàn tỉnh những cơ sở nào có thể dùng cho việc cách ly và lên kịch bản cho việc cách ly đó, từ giám sát, điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm đến theo dõi sức khoẻ…

Thứ 2, trong cách ly, phải phối hợp chặt chẽ với quân đội để hệ thống quân đội điều hành các cơ sở cách ly này. "Cách ly dân sự tốt nhưng có nơi chưa nghiêm nên có thể xảy ra lây nhiễm chéo", Bộ trưởng nói và cho hay đó là lý do Bộ Y tế đề nghị lực lượng quân đội vào điều hành toàn bộ hệ thống cách ly ở các cơ sở lớn tại Hải Dương.

Cùng đó, phải chuẩn bị tinh thần cho việc phải đưa số lượng lớn người không cách ly được ra khu vực lân cận theo chiến lược phòng thủ quân khu. Có thế mới tạm yên tâm, không luống cuống.

Thứ 3, Bộ trưởng đặt vấn đề về việc làm sao quản lý từng hộ dân để khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn chúng ta biết hết người đi, người đến, tình trạng cách ly. Làm sao nếu phải cách ly theo Chỉ thị 16, chúng ta phải thực hiện nghiêm. Bộ trưởng biểu dương Hải Dương và đoàn công tác của Bộ Y tế hôm qua ở Hải Dương: "Đã chấn chỉnh việc giãn cách xã hội ở tỉnh này đã làm tương đối tốt nhưng phải nghiêm hơn".

Bộ Y tế đã có hướng dẫn thành lập Tổ COVID dựa vào cộng đồng hay tổ tự quản, có nơi đã sáng tạo giao cho bí thư chi bộ, đảng viên phụ trách bao nhiêu hộ dân nắm được toàn bộ người dân, nắm được ai đi ai đến để khi xảy ra thì ứng xử được ngay.

"Nhiều địa phương khi chưa có việc rất bình thản, coi là việc không quan trọng, nhưng nó sẽ rất quan trọng khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, có thế mới thực hiện khoanh vùng cách ly, mới thực hiện được".

Vừa qua, Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng xét nghiệm đến các địa phương nhưng nếu nhiều tỉnh cùng bùng phát, không thể hỗ trợ được. Do đó, các tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến công suất xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả cán bộ y tế đều phải được tập huấn về lấy mẫu.

“Chủ trương của chúng ta là khoanh vùng rộng, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm nhanh, phong toả diện hẹp để tác động ít nhất đến người dân nên xét nghiệm nhiều khi được xem là mấu chốt kiểm soát dịch để ngay lập tức chặn được tất cả nguồn lây. Nếu xét nghiệm chậm là đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Biến thể lần này lây rất nhanh, phải chặn, không đuổi theo được, càng đuổi sẽ càng đuối”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu chuẩn bị phương án điều trị trường hợp có nhiều bệnh nhân. Khoa Truyền nhiễm tại các bệnh viện chỉ có đủ khả năng thu dung điều trị 10-20 bệnh nhân, vượt quá sẽ quá tải. Vì vậy, Hải Dương đã phải lập tới 3 bệnh viện dã chiến để chuyên thu nhận các bệnh nhân COVID-19.

Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế là phải kiên quyết cách ly triệt để , an toàn F1 để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Trên thực tế tại các khu cách ly dân sự vẫn xảy ra việc thực hiện chưa nghiêm nên việc lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong khu vực này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.